CẦN MỘT NỀN THẦN HỌC SÂU SẮC HƠN VỀ TÍNH HIỆP HÀNH
WHĐ (23.06.2024) – Vào ngày 28/10, lễ kính hai thánh tông đồ Simon và Giuđa, khoá họp thứ nhất của Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục đã công bố Bản Tổng hợp “Một Giáo hội Hiệp hành trong Sứ vụ”.
Tài liệu khẳng định rõ rằng đây “không phải là tài liệu cuối cùng, nhưng là một khí cụ phục vụ việc phân định liên tục”. Tài liệu này nhằm “định hướng suy tư” về những điểm “cần tiếp tục đào sâu nhận thức của chúng ta về mặt mục vụ, thần học và giáo luật”. Lời mời gọi đào sâu mang tính thần học hết sức rõ nét. Với bài viết dưới đây, tôi hy vọng thực hiện lời mời gọi này.
Tôi sẽ tập trung vào một tuyên bố được đưa ra về tính hiệp hành và chính lộ trình hiệp hành, cụ thể là nó “tạo thành một hành động tiếp thu đích thực hơn nữa” Công đồng Vatican II, “thực hiện những gì Công đồng đã dạy về Giáo hội như là Mầu nhiệm, như là Dân Thiên Chúa, và được kêu gọi nên thánh”. Ở đây đề cập đến các Chương 1 (“Mầu nhiệm Giáo hội”), 2 (“Dân Thiên Chúa”) và 5 (“Lời kêu gọi mọi người nên thánh”) của Hiến chế Lumen Gentium (LG). Bản thân tính hiệp hành được mô tả là “một phương thức của việc trở thành Giáo hội tích hợp sự hiệp thông, sứ vụ và tham gia”.
Nói cách khác, “hiệp hành” có thể được hiểu ngầm là giáo hội học, một thần học cụ thể về Giáo hội, vốn được xem là một sự phát triển của Hiến chế Lumen Gentium.
Các đặc tính cơ bản của hiệp hành là gì? Trên hết, “Phép Rửa là cội nguồn của nguyên tắc hiệp hành”. Hiệp hành là để phát triển đặc nét giáo hội học của Hiến chế Lumen Gentium, cụ thể là, khôi phục ý tưởng rằng tất cả những ai đã được Rửa tội nhờ ơn Phép Rửa, đều được mời gọi góp phần vào sứ mạng của Giáo hội. Tính hiệp hành “đánh giá cao sự đóng góp của tất cả những người đã lãnh Phép Rửa, tùy theo ơn gọi riêng của họ”.
Hơn nữa, “Một thành quả vô giá của tiến trình Thượng Hội đồng là nâng cao nhận thức về căn tính của chúng ta với tư cách là Dân trung thành của Thiên Chúa, và mỗi người được mời gọi đồng trách nhiệm cách khác nhau đối với sứ mạng chung của việc Phúc âm hoá”.
Hiệp hành coi trọng danh hiệu “Dân Thiên Chúa” đối với Giáo hội, liên kết một cách đúng đắn danh hiệu này với ý tưởng rằng Phép Rửa kêu gọi tất cả mọi người góp phần vào sứ mạng của Giáo hội.
Tuy nhiên, tôi không thể không lưu ý rằng danh xưng “Dân Thiên Chúa” được nêu bật trong toàn bộ Bản Tổng hợp, trong khi Giáo hội với tư cách là “Mầu nhiệm” tuy thoạt đầu có được đề cập đến nhưng ít khi được đề cập lại – mặc dù đây là một đặc tính nổi bật không kém của Hiến chế Lumen Gentium. Đây là điểm tôi có thể đưa ra một gợi ý để đào sâu thần học.
Giáo hội là “mầu nhiệm” vì Giáo hội được sinh ra trước hết bởi hy tế của Đức Kitô trên thập giá. Dấu chỉ của mầu nhiệm này là máu và nước, tượng trưng cho hai bí tích chính của Giáo hội là Thánh Thể và Phép Rửa, chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu chịu đóng đinh (x. LG, 3). Do đó, Giáo Hội là mầu nhiệm tình yêu hy tế của Đức Kitô.
Vì Thánh Thể hiện thực hóa tình yêu hy tế nên Thánh Thể “làm nên Giáo hội” (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, 1396). Vì vậy, mầu nhiệm của Giáo hội là một mầu nhiệm được bắt nguồn từ chức tư tế của Đức Kitô.
Chức tư tế của Đức Kitô liên quan đến Giáo hội theo hai cách. Một trong những đóng góp nổi bật nhất của Hiến chế Lumen Gentium là khôi phục một trong hai cách này, tức là ý tưởng trong Kinh thánh về chức tư tế nơi người đã lãnh Phép Rửa, làm cho chúng ta được đồng hình đồng dạng với chức tư tế của Đức Kitô và cho phép chúng ta thực hiện những hy tế thiêng liêng để xây dựng một thân thể duy nhất, chẳng hạn như trong việc Phúc âm hoá và chứng tá mang tính ngôn sứ – và cuối cùng là việc chúng ta tham dự vào Thánh Thể. Lý do Phép Rửa mang lại phẩm giá và sứ mạng là vì nó mang lại sự chia sẻ chức tư tế của Đức Kitô cho tất cả những người đã lãnh Phép Rửa.
Đây là một trong hai cách liên hệ với chức tư tế của Đức Kitô.
Cách liên hệ thứ hai với chức tư tế của Đức Kitô là một cách khác, sự chia sẻ khác vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô. Đây là bí tích truyền chức thánh, và sự khác biệt giữa chức tư tế của người đã lãnh Phép Rửa và chức tư tế giáo sĩ không chỉ đơn giản là vấn đề cấp bậc. Điều đó quan trọng bởi vì nếu sự khác biệt giữa hai chức tư tế này chỉ là vấn đề cấp bậc, thì chức tư tế giáo sĩ sẽ có “nhiều hơn” chức tư tế Phép Rửa, và điều này có nghĩa là những người được thụ phong là những Kitô hữu siêu đẳng, những người lãnh Phép Rửa siêu hạng. Người được thụ phong sẽ có phẩm giá Kitô cao hơn người lãnh Phép Rửa.
Đúng hơn, hai chức tư tế này không khác nhau về cấp độ nhưng về “yếu tính” (x. LG, 10). Bí tích truyền chức thánh ban cho khả năng hành động “trong cương vị Đức Kitô là Đầu”, và do đó cử hành Bí tích Thánh Thể, làm cho Đức Kitô hiện diện với thân mình Người như là Đầu, làm cho Giáo hội được nên đồng hình đồng dạng với hy tế của Người và làm cho chức tư tế của những người đã lãnh Phép Rửa hoàn thành vai trò hy tế của họ trong việc dâng Thánh Thể. Hai chức tư tế này hướng tới nhau trong hiện hữu cũng như trong sứ mạng của Giáo hội.
Và vì vậy, nếu thành quả vô giá của tiến trình Thượng Hội đồng, như được trích dẫn trước đó từ tài liệu của Thượng Hội đồng, là “nâng cao nhận thức về căn tính của chúng ta với tư cách là Dân trung thành của Thiên Chúa”, được “mời gọi thực hiện đồng trách nhiệm cách khác nhau”, thì từ ngữ “đồng trách nhiệm” đối với sứ mạng của Giáo hội sẽ không trọn vẹn nếu nó không đề cập đến cách thức mà hai chức tư tế này khác nhau và hướng tới nhau trong việc xây dựng một thân thể duy nhất.
Tài liệu Thượng Hội đồng đề cập đến việc đồng trách nhiệm được thực hiện trên sự đa dạng của “đặc sủng, ơn gọi, và tác vụ”, nhưng không đề cập rõ đến bí tích truyền chức thánh như là yếu tố cấu thành của một trong những ơn gọi và tác vụ này và không hề đề cập gì đến chức tư tế nhờ Phép Rửa. Chính bí tích truyền chức thánh thậm chí còn không được đề cập đến trong phần nói về phó tế và linh mục.
Sự thiếu độ chính xác và rõ ràng này tạo ra ấn tượng rằng chức tư tế, ở đây có nghĩa là chức tư tế giáo sĩ chỉ mang tính chức năng chứ không mang tính cấu thành (cùng với chức tư tế của người đã lãnh Phép Rửa) của mầu nhiệm Giáo hội được sinh ra từ hy tế của Đức Kitô. Người ta có ấn tượng rằng “chức tư tế” dường như chỉ phân ranh giới một trong số rất nhiều tác vụ, đặc sủng và ơn gọi vốn có nguồn gốc từ lời mời gọi thi hành sứ mạng qua Phép Rửa. Chức tư tế có thể được phân biệt về mặt chức năng và vai trò nhưng về cơ bản không cho thấy sự khác nhau về mặt tính chất.
Nếu không làm sáng tỏ thì xem ra Bản Tổng hợp nghiêng theo cách hiểu của Tin Lành về tác vụ, trong đó mọi tác vụ đều bắt nguồn từ Phép Rửa, và một nền giáo hội học tương ứng trong Tin Lành vốn chủ yếu tập trung vào Phép Rửa và Thánh Thể chỉ là thứ yếu.
Nhưng Bí tích Rửa tội tự nó hướng tới Bí tích Thánh Thể (x. Presbyterorum Ordinis, 5), là bí tích hoàn tất việc khai tâm Kitô giáo. Do đó, chính Thánh Thể cuối cùng “làm nên Giáo hội” (GLGHCG, 1396), chứ không phải Phép Rửa, bởi vì chính hy tế của Đức Kitô làm nên Giáo hội, và Thánh Thể là sự tái hiện mang tính bí tích của hy tế đó.
Vì thế, chức tư tế giáo sĩ, được bí tích truyền chức thánh ban cho quyền hiện thực hóa hy tế của Đức Kitô trong Thánh Thể, không chỉ là một tác vụ với Phép Rửa là gốc rễ giữa những tác vụ khác, nhưng chính chức tư tế giáo sĩ ấy cấu thành nên Giáo hội (cùng với chức tư tế của người đã lãnh Phép Rửa, mặc dù theo cách riêng của mình).
Kế đó, điều này có nghĩa là một nền thần học đầy đủ về đồng trách nhiệm không thể chỉ được trình bày đơn thuần như một chức năng của Phép Rửa. Đến mức “hiệp hành” đồng nghĩa với “Phép Rửa”, nó sẽ coi tất cả các tác vụ của Giáo hội là khác nhau về mức độ nhưng về cơ bản không khác nhau về bản chất.
Điều này sẽ bao gồm việc cai quản mà Hiến chế Lumen Gentium số 21 dạy là gắn liền với sự trọn vẹn của bí tích truyền chức thánh được trao cho giám mục. Có vẻ như việc cai quản chỉ là một đặc sủng, ơn gọi hay tác vụ khác bắt nguồn từ Phép Rửa mà thôi.
Nhưng khi đó, tính đồng trách nhiệm đối với sứ mạng của Giáo hội, hoàn toàn đến từ Phép Rửa, có thể bắt đầu được đồng hóa với tính đồng trách nhiệm trong quản trị. Nếu tính đồng trách nhiệm cũng như những đặc sủng và tác vụ khác đồng trách nhiệm đối với sứ mạng, tất cả đều bắt nguồn từ Phép Rửa, thì cần phải có một cuộc cải cách toàn diện các “cấu trúc” của Giáo hội.
Thật ra, tài liệu dường như kêu gọi điều này: “Tất cả những người đã lãnh Phép Rửa đều đồng trách nhiệm về sứ mạng, mỗi người tùy theo ơn gọi, năng lực và kinh nghiệm của mình. Vì vậy, tất cả đều góp phần hình dung và phân định các bước để canh tân các cộng đoàn Kitô hữu và Giáo hội như một toàn thể, [và]… tính đồng trách nhiệm của tất cả mọi người trong sứ mạng phải là tiêu chí nền tảng đối với việc cấu trúc các cộng đoàn Kitô hữu và toàn thể giáo hội địa phương,” vì vậy “mỗi thành viên đều tham gia vào các tiến trình và việc đưa ra quyết định đối với sứ mạng của Giáo hội”.
Xem ra tính đồng trách nhiệm về sứ mạng ở đây hầu như không thể phân biệt với tính đồng trách nhiệm về quản trị, và “tính hiệp hành” hầu như có nghĩa là “đồng trách nhiệm về quản trị”. Giáo dân chỉ thực sự đồng trách nhiệm đối với đời sống và sứ mạng của Giáo hội trong mức độ họ đồng trách nhiệm đối với việc cai quản, ít nhất là trong một giáo hội học được canh tân bắt nguồn từ Phép Rửa.
Nhưng trừ khi hiệp hành bắt nguồn từ Phép Rửa có nghĩa là xóa bỏ mối liên kết nội tại giữa bí tích truyền chức thánh và việc cai quản – và chắc chắn Thượng Hội đồng không có ý định đi xa đến vậy! – điều này có nghĩa là bất kỳ sự lãnh đạo nào được giáo dân thực hiện với tinh thần đồng trách nhiệm sẽ được thực hiện chủ yếu như một phần của tác vụ lãnh đạo vốn khác biệt tự bản chất với tác vụ của họ, đó là một tác vụ giáo sĩ, chứ không phải là tác vụ thực sự của họ.
Giáo dân không cần một cấu trúc hay kế hoạch mục vụ để xác nhận hoặc ủy thác quyền lãnh đạo vốn đi kèm với việc thực thi chức tư tế phép rửa trong việc loan báo Tin Mừng. Phép Rửa tự nó là một “bài sai”. Khi xóa bỏ chính từ ngữ “chức tư tế” Phép Rửa, “Tính hiệp hành” như được hình dung trong tài liệu này dường như chỉ là một hình thức mới của giáo sĩ trị, trong đó không bao giờ có bất kỳ sự lãnh đạo thực sự nào chỉ gắn liền với chức tư tế của người đã lãnh Phép Rửa, bất kỳ phạm vi thực sự nào dành cho sự lãnh đạo giáo dân trong Giáo hội.
Để cân bằng những lo lắng này, tài liệu nói rằng “cần phải làm rõ mối tương quan giữa tính hiệp hành và sự hiệp thông cũng như giữa tính hiệp hành và sự hiệp đoàn” và, sau đó, đặt câu hỏi để làm rõ thêm, “làm thế nào để chúng ta tích hợp các nhiệm vụ tư vấn, phân định, và quyết định trong các thành phần tham gia khác nhau?” Tài liệu cũng kêu gọi “đối thoại” với Hiến chế Lumen Gentium về chủ đề quản trị.
Đề nghị của tôi là, nếu những câu hỏi này muốn được trả lời theo hướng phát triển đích thực của Hiến chế Lumen Gentium, thì cần phải lấy lại ngôn ngữ mà Hiến chế Lumen Gentium sử dụng để nói về Giáo hội như một mầu nhiệm bắt nguồn từ chức tư tế của Đức Kitô. Điều này đòi hỏi phải khôi phục cách nói về hai sự chia sẻ mang tính bí tích khác nhau – dù có quan hệ hỗ tương – vào chức tư tế của Chúa Kitô để cùng nhau tạo nên Giáo hội.
Nhưng điều này sẽ dễ dàng, vì Hiến chế Lumen Gentium đã thấm đẫm ngôn ngữ này đến mức bất kỳ đòi hỏi nào muốn thực sự phát triển Hiến chế ấy cũng phải gìn giữ nó, thì đòi hỏi ấy mới đáng tin.
Nt. Anna Ngọc Diệp, Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: ncregister.com (24/11/2023)
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 139 (Tháng 01 & 02 năm 2024)
–––––––––––––––––––
(*) John C. Cavadini là Giáo sư thần học và Giám đốc Viện Đời sống Giáo hội McGrath tai Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ