Có lẽ trước tiên chúng ta nên tự hỏi thế nào là một giáo dục thành công? Mục đích nào khi chúng ta theo đuổi việc giáo dục con cái?
Vấn đề giáo dục quan trọng đến mức mà nhiều cha mẹ mơ mình tìm được một công thức nào để giáo dục con cái tốt nhất. Nhưng tìm ở đâu? Trong sách vở? Có hàng ngàn quyển sách nói về giáo dục, đa số do những người tài ba viết, nhưng nhiều khi họ lại nói ngược nhau. Vậy tin ai bây giờ?
Có lẽ trước tiên chúng ta nên tự hỏi thế nào là một giáo dục thành công? Mục đích nào khi chúng ta theo đuổi việc giáo dục con cái? Chúng ta chỉ nhằm mục đích dạy các công cụ cần thiết cho cuộc sống trong xã hội hay sao? Chúng ta có đặt ưu tiên cho con có nghề, để con kiếm nhiều tiền, “thành công” trong cuộc sống hay ít nhất là khỏi thiếu thốn không? Là cha mẹ kitô giáo, chúng ta có cảm thấy mình đã làm xong việc cần thiết, kể từ khi chúng được rửa tội và cho chúng đi học giáo lý không? Chúng ta coi trọng điều gì nhất, những điểm nào chúng ta đòi hỏi nhiều nhất?
Câu trả lời sẽ không đơn giản. Chắc chắn cũng không vô ích khi chúng ta dành thì giờ để đặt hai câu hỏi: theo chúng ta, thế nào là một giáo dục thành công? Trên thực tế, chúng ta đã làm gì để được thành công? Hai câu hỏi này bổ túc cho nhau. Thật ra nhiều khi chúng ta đã bỏ rất nhiều thì giờ, rất nhiều thiện chí nhưng lại đi trật đường. Có khi chúng ta có nhiều nguyên tắc rất hay… nhưng trên thực tế hàng ngày thì lại làm ngược lại.
Vậy giáo dục là gì?
Thánh Gioan-Phaolô II nói: “Để trả lời câu hỏi này, phải nhớ lại hai thực tế cốt lõi: đầu tiên con người được gọi để sống trong sự thật và tình yêu; thứ nhì mọi người được nhận ra bởi chính ơn ban không vụ lợi của chính mình”. Các con cái chúng ta không phải là kết quả của tình cờ: chúng được Chúa mong muốn và yêu thương đời đời. Và Chúa dựng nên chúng để cho chúng tham dự vào Sự sống thiêng liêng của Ngài. Thánh Âugutinô đã nói: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, Lạy Chúa, tâm hồn của chúng con sẽ không nghỉ an nếu nó chưa được an nghỉ trong Chúa”. Một giáo dục thành công sẽ không phải là giáo dục mang đến cho con cái các phương tiện để đáp lại ơn gọi mình là con Thiên Chúa đó sao? Chỉ cần đặt câu hỏi này chúng ta sẽ thấy không có “một” giáo dục nào thành công, với các tiêu chuẩn được xác định rõ ràng, nhưng có nhiều giáo dục thành công cũng như có nhiều con người, mỗi một giáo dục, mỗi một con người là một tuyệt đối duy nhất.
Chúng ta cũng hiểu chúng ta không thể nào đánh giá ở trần thế này một giáo dục nào là thành công hay một giáo dục nào là thất bại, chúng ta lấy ví dụ người kẻ trộm lành: chắc chắn cha mẹ người kẻ trộm này cũng rất buồn về hạnh kiểm con mình, họ có thể đã nghĩ mình thất bại trong việc dạy con. Nhưng người kẻ trộm này lại là người được chính Chúa Giêsu phong thánh khi ông còn sống! Về giáo dục, không ai có thể tự cho mình là thành công hay buồn bã vì thất bại và cũng không ai cho mình đã làm xong. Nhiệm vụ của cha mẹ không chấm dứt khi con cái trưởng thành hay thậm chí khi chúng rời khỏi nhà. Dù chúng ta không còn nói trực tiếp, nhưng chúng ta có thể – và chúng ta phải – luôn cầu nguyện cho các con.
Công thức cho một giáo dục thành công là gì?
Đó là biết chẳng có công thức nào. Dù cho đôi khi sách vở cũng cho chúng ta các lời khuyên tốt, khuyến khích chúng ta hay giúp chúng ta suy nghĩ, dù các cô thầy giáo bổ túc vai trò giáo dục của chúng ta, dù cũng là quan trọng khi chúng ta khôn ngoan nghe nhận xét hay lời khuyên của người chung quanh (những người có cái nhìn từ bên ngoài đôi khi sáng suốt hơn chúng ta), thì cũng không có ai tốt hơn chúng ta để giáo dục con cái mình.
Bí mật của một giáo dục thành công không ở trong sách vở: bí mật này ở nơi Chúa vì Chúa là nhà giáo đại tài, chính Ngài đã chọn chúng ta để hưởng phần gia nghiệp của Ngài. Và Chúa sẽ không bao giờ cho chúng ta một công thức có sẵn, một câu trả lời đã có trước: Ngài mời gọi chúng ta sống cuộc phiêu lưu vĩ đại của tình yêu, nơi tất cả sẽ được sáng tạo không ngừng trong tự do vui vẻ được là con Chúa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch (phanxico.vn)