Giáo Hạt Cà Mau

9 CÁCH ĐỂ TRẺ KHỎI “CHÚI MŨI” VÀO TI VI, ĐIỆN THOẠI, IPAD TRONG DỊP NGHỈ TẾT

Ai cũng biết cho con dùng nhiều thiết bị điện tử không có lợi nhưng tết nhất, bố mẹ bận túi bụi, không cho chơi thì con nghịch, chạy, phá. Trường học thì đóng cửa, chẳng có chỗ mà “tống đi”. Rồi ông bà, chú bác đến chơi, chẳng lẽ lại quát tháo loạn nhà. Nên đành tặc lưỡi.

Nhưng bạn ơi, chỉ cần vài lần “tặc lưỡi” là con có thể bị lệ thuộc vào thiết bị điện tử. Con sẽ hiểu đó là thứ bạn dùng để “mua chuộc”. Sau tết, con cũng sẽ khó để bắt nhịp với trường học.

Sau đây là những gợi ý trò chơi cho con. Chúng giúp bạn “rảnh tay” mà con lại học được bao nhiêu điều thú vị. Để đúng là: Mừng con thêm tuổi mới/ Cả đất trời nở hoa!

1. Bộ sưu tập theo chữ cái: Trò chơi này tưởng không vui mà vui không tưởng. Yêu cầu là con sưu tầm các đồ vật theo bảng chữ cái rồi cho vào cái hộp. Ví dụ, với chữ cái b, con sẽ tìm là quả bóng, chữ cái a là cái áo… Tất nhiên con sẽ biết cân nhắc chọn đồ vật nào bỏ vừa cái hộp chứ chữ cái v mà vác con voi đến thì… e hèm mà thay vào đó là miếng vải hoặc quyển vở thôi.

2. Làm phóng viên: Trò chơi này phù hợp nhất vào dịp tết vì tết sẽ có nhiều họ hàng đến chơi. Bạn có thể làm mẫu cho con câu hỏi phỏng vấn bà ngoại chẳng hạn:

Lúc trẻ, bà thích chơi trò chơi gì nhất? Bạn thân của bà là ai?Bà gặp ông khi nào?Tết của bà khi bà 15 tuổi như thế nào?Bà có thể nói cách làm một loại bánh mà bà thích nhất không?Điều gì ở cháu khiến bà thích nhất?Điều gì ở ông khiến bà thấy phiền nhất?Tại sao bà lại cưới ông, có phải vì ông đẹp trai và rất chiều bà không?

Đấy, kiểu những câu hỏi vui vui như thế, khéo mà bà lại mừng tuổi sớm ấy chứ. Bạn khuyến khích con ghi lại và vẽ hình ảnh người được phỏng vấn bên cạnh. Sau đó có thể công bố vào bữa cỗ tất niên, “những bí mật siêu hay ho”.

3. Trồng cây: Bạn nên có kế hoạch mua hạt giống, nhờ con tìm hểu cách gieo hạt rồi con phụ trách. Người ta nói: Những người làm vườn là người hạnh phúc nhất trên trái đất mà còn sống. Vì thế, hãy để con bạn được hạnh phúc.

4. Làm những bộ phim ngắn: Nếu dùng thiết bị điện tử, hãy nghĩ đến việc làm một bộ phim ngắn về con mèo, về cái cây, về cảm xúc của mọi người khi tết đến… Con sẽ hiểu cách bố cục một câu chuyện, cách dùng thiết bị điện tử một cách có mục đích.

5. Làm cây gia đình: Tết đến là cơ hội tốt để dạy con về sự gắn kết nguồn cội, về lòng biết ơn. Vì thế, hãy để con được tìm hiểu và điền vào cây gia tộc. 

6. Trò chơi theo nhóm: Sẽ có lúc đám trẻ con tập trung lại và bạn có thể bày cho chúng trò chơi như: Chia thành hai đội, mỗi đội 5 người. Hai đội đứng cách cái bàn khoảng 5-10m. Trên bàn có đặt 5 đồ vật, ví dụ: kim chỉ, táo, trứng luộc, bánh chưng, bình và cốc nhỏ. Nhiệm vụ của mỗi người trong đội là chạy nhanh tới bàn và làm với một đồ vật. Ví dụ người đầu tiên xâu chỉ vào kim, người thứ hai gọt táo, người thứ ba bóc trứng, người thứ tư bóc bánh và người thứ năm rót nước từ bình vào cốc. Sau khi làm xong nhanh chóng chạy về chỗ của mình và người tiếp theo mới được lên.

7. Trang trí nhà cửa: Đừng sợ nếu con bạn có bày bừa. Hãy để con dùng sơn, dùng màu nước, dùng hồ dán, kéo… trang trí lại phòng của con hoặc tô điểm cho cành đào, cành mai.

8. Bạn có muốn cho con thử cảm giác ngất ngây vì hạnh phúc không? Dễ lắm, chỉ cần làm một cái lều ( bằng chăn, bạt gì cũng được) sau đó, cho con được chọn đồ ăn trong tủ lạnh, quyển sách, đồ chơi… và con được phép ở đó thật thoải mái ( tất nhiên là chọn hôm đẹp trời và xung quanh đảm bảo là an toàn).

9. Vũ hội hóa trang: Tưởng tượng cùng với các trang phục sẽ giúp con bạn những trải nghiệm tuyệt vời. Bạn có thể mua cho con một số phụ kiện và sau đó để con dùng quần áo cũ để tạo ra trang phục cho những nhân vật mà con thích. Nếu có thể hãy biến nó thành một buổi trình diễn.

Bạn cũng có thể tạo ra những buổi trình diễn khác như đọc thơ, trình bày nhạc cụ, sáng tác truyện bằng rối tay, trưng bày các tác phẩm vẽ bằng phấn, bằng chì, trưng bày album ảnh gia đình… Con sẽ tự tin hơn rất nhiều.

Trước khi nghỉ tết, hãy cùng con lên kế hoạch chi tiết. Con có thể có nhiều quyền lợi hơn như: ngủ dậy muộn hơn, thời gian xem ti vi dài hơn ngày thường… nhưng cũng tham gia nhiều hoạt động hơn cùng bố mẹ.

Theo Phan Hồ Điệp (Gia đình & Xã hội)

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *