Các nhóm thiếu nhi và thiếu niên cùng các hoạt động của các em đã đóng góp gì cho việc thức tỉnh ơn gọi truyền giáo trong bộ phận giới trẻ? Đây là câu hỏi của sơ Roberta Tremarelli, Tổng thư ký Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo đặt ra trong số mới Bản tin của Hội. Qua các Ban giám đốc quốc gia của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, Bản tin được phổ biến trên tất cả các châu lục.
Sơ Roberta viết: “Mỗi người nam, người nữ, mỗi trẻ em từ khi sinh ra đều có một ơn gọi. Kinh nghiệm mà các em nhi đồng và thiếu niên sống với các đề xuất của Hội Nhi đồng Truyền giáo có thể khơi dậy trong tâm hồn các em tinh thần sẵn sàng dành trọn cuộc đời dấn thân phục vụ Chúa Giêsu và Vương quốc Thiên Chúa. Để đạt được sự lựa chọn này, các linh hoạt viên, các linh mục và tu sĩ, những người đồng hành với các em phải sống niềm vui và nhất quán, trong khi dấn thân đào tạo và hợp tác truyền giáo. Chính vì điều này mà công trình khởi đi từ Chúa Kitô được tiếp tục và Tin Mừng được loan báo”.
Cũng trong bản tin này, có phần đóng góp của cha André Marie Djon Limay người Camerun, liên quan đến nguồn gốc Kinh Thánh của ơn gọi truyền giáo. Cha nhấn mạnh: “ơn gọi, tự bản chất là truyền giáo”. Cha còn đưa ra một số chỉ dẫn về việc phân định ơn gọi và đào tạo lương tâm truyền giáo của thiếu nhi.
Đặc biệt ý nghĩa là kinh nghiệm của hai giáo lý viên thuộc giáo phận Chantaburi, ở Thái Lan. Cả hai chia sẻ những suy tư về ơn gọi truyền giáo bắt nguồn từ bí tích rửa tội và dấn thân của cá nhân, dưới ánh sáng của người môn đệ truyền giáo; và điều này còn được khích lệ từ lời mời gọi của ĐTC Phanxicô: canh tân dấn thân truyền giáo của toàn thể Giáo hội.
Một không gian rộng lớn của Bản tin được dành riêng cho “tiếng nói của các em nhi đồng”. Bao gồm báo cáo kinh nghiệm cũng như những chứng từ đến từ Cuba, Kenya, Rwanda, Argentina, Peru. Đặc biệt thú vị là trải nghiệm của một nhóm Nhi đồng và Thiếu niên Truyền giáo trong một trường học dành cho người khiếm thính ở Porto Alegre, Brazil. Các em chỉ cho thấy trẻ em khiếm thính cũng có thể là người truyền giáo và điều này không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn cho môi trường học đường và cả xã hội.
Cha Hervé Tienou, Giám đốc Quốc gia của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo mô tả sự dấn thân năng động truyền giáo của trẻ em ở Mali. Hoạt động được thực hiện thông qua các chương trình phát thanh và truyền hình, sản xuất và phổ biến các tài liệu và trợ giúp, tổ chức các giờ cầu nguyện và các buổi quyên góp. Bản tin tháng Hai kết thúc với việc mô tả một số dự án của Hội Nhi đồng Giáo Hoàng Truyền giáo hỗ trợ cho các châu lục và lời cầu nguyện của ĐTC Phanxicô cho ơn gọi truyền giáo. (Fides 21/2/2020).
Ngọc Yến – Vatican