Sáng Chúa Nhật ngày 26-1-2020, ĐTC Phan-xi-cô đã cử hành thánh lễ tại đền thờ thánh Phê-rô nhân ngày Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ nhất. Nhân dịp này, ĐTC khuyến khích các tín hữu đọc và lắng nghe Lời Chúa để nghe tiếng Chúa mời gọi sám hối thay đổi đời sống mỗi ngày, để Lời Chúa đưa chúng ta ra khỏi bóng tối và bước vào ánh sáng. [1]
Cũng theo bản tin này, trong bài giảng, ĐTC tập trung vào sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu. Người là Lời của Thiên Chúa, đến trần gian để nói với chúng ta bằng lời và cuộc sống của Người. Đức Thánh Cha giải thích 3 điểm: cách thế, nơi chốn và đối tượng của lời rao giảng của Chúa Giêsu.
Đặc biệt, ĐTC đã lưu ý rằng, những người đầu tiên đón nhận lời Chúa Giê-su giảng dạy là những người đánh cá, những người không được chọn theo điều kiện khả năng hay đạo đức, nhưng là những người lao động. Người gọi họ từ cuộc sống của họ, nơi họ ở và như chính họ là, để tham gia vào sứ mạng của Người. Và họ ngay lập tức bỏ lưới theo Người, bởi vì họ bị thu hút bởi tình yêu. ĐTC nhấn mạnh: “Để theo Chúa Giêsu, những việc làm tốt thôi chưa đủ, còn cần lắng nghe lời mời gọi của Người mỗi ngày. Chỉ có Người, Đấng biết và yêu chúng ta tận thẳm sâu, giúp chúng ta bước ra biển đời. Do đó chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa giữa hàng ngàn tiếng nói mỗi ngày, chỉ có Lời Chúa không nói với chúng ta những sự kiện nhưng về sự sống”.
ĐTC đã kết thúc bài giảng bằng lời mời gọi “Hãy dành chỗ cho Lời Chúa. Mỗi ngày hãy đọc cẩn thận vài câu Kinh Thánh”. Và ngài khuyên chúng ta luôn có cuốn Kinh Thánh bên cạnh, trên ghế bành ở nhà, trong túi áo, trên điện thoại. Hãy để Lời Chúa linh hứng cho chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta, chiếu sáng bóng đêm của chúng ta, dẫn dắt chúng ta bằng tình yêu.
Đặc biệt là cuối thánh lễ này, ĐTC đã trao sách Kinh Thánh cho 40 người đại diện cho các hoàn cảnh sống khác nhau, từ các giám mục đến linh mục, từ các tín hữu Công giáo đến tín hữu các hệ phái Ki-tô giáo khác, từ giáo lý viên đến những người tình nguyện, từ hiến binh đến lính Thụy Sĩ, từ cảnh sát đến quân cảnh, từ bác sĩ đến y tá, người già, người khuyết tật, vv. Các tín hữu tham dự thánh lễ cũng được nhận mỗi người một cuốn Kinh Thánh.
1.
Cuốn Thánh Kinh: Vật bất ly thân của người Ki-tô hữu.
Chúng ta biết rằng, Thánh Kinh là một trong những cuốn sách có số độc giả đông nhất và dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới. Qua Thánh Kinh, Thiên Chúa ngỏ lời tình yêu cứu độ cho con người. Với Thánh Giê-rô-ni-mô, ngài còn khẳng định “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Ki-tô”. Vì thế, ngài đã hy sinh suốt cuộc đời để khám phá và sống trọn vẹn sứ điệp của Lời Chúa.
Thánh Kinh là bộ sách bán chạy nhất mọi thời đại, ước tính mỗi năm có thêm 100 triệu bản, và nó đã gây sức ảnh hưởng lớn về văn học và lịch sử, đặc biệt là ở phương Tây, nơi mà nó là sách đầu tiên được in hàng loạt.
Thánh Kinh có lẽ là bộ sách gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử loài người. Số bản in Thánh Kinh vượt mọi sách khác. Thánh Kinh Hebrew-giáo cũng như Thánh Kinh Ki-tô giáo được dịch nhiều lần, sang nhiều ngôn ngữ hơn bất cứ sách nào khác. Thánh Kinh trọn bộ, hoặc một phần, đã được dịch sang hơn 2.100 ngôn ngữ của 90% dân số thế giới. Kể từ năm 1815, ước tính có khoảng hơn 5 triệu ấn bản Thánh Kinh trọn bộ hoặc các phần quan trọng của Kinh Thánh được phân phối, trở nên sách bán chạy nhất trong mọi thời đại. [2]
Sự phổ biến và tầm ảnh hưởng của Thánh Kinh thì chúng ta ai cũng biết cả rồi. Tuy nhiên, xét phạm vi cá nhân mỗi tín hữu thì liệu cuốn Thánh Kinh đã trở thành vật bất ly thân chưa?
Có thể, trong các tín hữu chúng ta, nhiều người chưa từng chạm tay đến một cuốn Thánh Kinh. Trong khi từng giây từng phút kè kè bên họ là chiếc smart phone hiện đại. Vậy thì làm sao họ biết đến Chúa Ki-tô?
Cũng có người, một cách nào đó, đã có dịp tiếp xúc với Thánh Kinh nhưng chưa một lần mở ra đọc và suy gẫm. Trong khi họ mất hàng giờ để theo dõi chương trình giải trí trên TV hay trò chuyện trên mạng. Vậy thì làm sao họ có thể nghe được Lời Chúa nói với chúng ta, có thể thu hút bởi tình yêu của Chúa, có thể hoán cải nhờ tác động kỳ diệu của Lời Hằng Sống nói với chúng ta thông qua Thánh Kinh?
Cũng có nhiều trường hợp chúng ta mở Thánh Kinh ra đọc, nhưng rồi mất tập trung, đầu óc phân tán, chúng ta không đủ kiên nhẫn và bình tâm để nghe Chúa nói và để Lời Chúa thấm nhập vào tâm hồn mình. Và chúng ta bỏ cuộc.
Cũng có người thỉnh thoảng mở Thánh Kinh ra đọc nhưng đọc một cách thụ động, tò mò hơn là đọc và suy gẫm bằng sự lắng nghe Lời Chúa nói với mình, để đón nhận sự sống giữa muôn ngàn tiếng nói của thế tục, trần gian.
Vậy để tìm ra nguyên nhân về những hiện tượng trên, chúng ta phải thừa nhận rằng, phần không nhỏ các tín hữu Công giáo ít khi dự một chương trình đào tạo liên quan đến những vấn đề như phương pháp đọc Thánh Kinh; hoặc có người gợi ý những câu hỏi, những đề tài để giúp họ suy niệm Lời Chúa. Vì vậy, họ không biết phải bắt đầu từ đâu, hệ lụy là đôi khi họ đọc Lời Chúa nhưng không mấy khi nhận ra Lời Chúa là lời ngỏ với chính bản thân. Sau nữa, có những người nghe Lời Chúa, nhưng lại nghĩ Lời Chúa nói cho người khác, cho tập thể chứ không phải cho mình, chính vì thế không có được sự gặp gỡ cá vị với Chúa. Vì vậy, họ không thường xuyên tìm đọc Thánh Kinh để sống tương quan mật thiết với Chúa. [3]
2.
Tầm quan trọng của việc đọc – học – hiểu và sống Lời Chúa
Chúng ta biết rằng, muốn hiểu Lời Chúa trong Thánh Kinh, chúng ta phải mở sách ra đọc, hay lắng nghe người khác đọc, phải tham gia các khóa học về Thánh Kinh, dự các buổi chia sẻ Lời Chúa trong cộng đoàn, đọc các sách hướng dẫn tìm hiểu Thánh Kinh vv.
Vậy phải làm sao để tín hữu có thể gặp gỡ với Chúa Giê-su nhiều hơn nhờ siêng năng đọc và học hỏi Thánh Kinh? Một tín hiệu đáng mừng là hiện có nhiều nơi tổ chức những lớp học về Thánh Kinh, đặc biệt là những lớp dành cho các bạn trẻ. Nhiều giáo xứ đã tặng cho mỗi gia đình một cuốn Thánh Kinh. Họ cùng đọc bài Tin Mừng của thánh lễ hôm đó, thậm chí còn suy niệm trước Tin Mừng của lễ sau.
Có hội đoàn còn dành riêng một đến hai ngày trong tuần quy tụ lại với nhau, để cùng nhau đọc và suy niệm Lời Chúa. Ðó là những dấu hiệu đáng mừng và cần được cổ xúy. Tuy nhiên, bấy nhiêu thôi thì chưa đủ. Những giá trị của Tin Mừng cần phải được thấm vào đời sống của Kitô hữu nhiều hơn nữa để bắt nhịp với thời cuộc, đối diện với những làn sóng thế tục và khủng hoảng các giá trị như hiện nay. [3]
Nhân đây cũng xin nhắc lại thư Mục Vụ của HĐGMVN năm 2005 chủ đề “Sống Lời Chúa”, trong đó đã nhấn mạnh về việc “Tăng cường vai trò ưu tiên của Thánh Kinh”, như sau:
“Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời. Nhìn chung, Kitô hữu Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình.
“Việc suy gẫm Lời Chúa ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách, nhất là trong một xã hội đang biến chuyển sâu rộng về mọi phương diện, bởi lẽ Lời Chúa chỉ ra những định hướng và nền tảng cho đời sống luân lý đạo đức.
“Ước gì Thánh Kinh, nhất là những trang liên hệ đến đời sống mới trong Đức Kitô, từ Bài Giảng Trên Núi cho đến những lời khuyến thiện trong Thư các thánh Tông đồ, từ các sách Khôn Ngoan trong Cựu Ước cho đến những lời cảnh tỉnh trong sách Khải Huyền, thực sự trở thành sức mạnh nâng đỡ và ánh sáng soi đường cho chúng ta” [4] ./.
Cũng theo tinh thần của thư Mục Vụ 2005 của HĐGMVN [4] thì “Phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu” (MK 22). Thánh Giê-rô-ni-mô đã viết: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (được trích trong MK 25). Do đó, bận tâm hàng đầu của chúng tôi là làm sao cho mọi tín hữu có thể tiếp cận với Lời Chúa, không những trong Phụng vụ mà còn trong đời sống thường ngày. Cụ thể là:
– Phát động và cổ võ để mỗi gia đình có sách Thánh Kinh, ít là Tân Ước;
– Tạo cơ hội tôn vinh và suy niệm Lời Chúa, riêng từng cá nhân, trong gia đình hoặc cộng đoàn;
– Dành vị trí trọng yếu cho Lời Chúa trong các giờ cầu nguyện và các việc đạo đức;
– Phát huy phương pháp diễn giải phù hợp với từng giới, áp dụng những hình thức phổ biến Lời Chúa bằng các phương tiện truyền thông hiện đại ./.
Aug. Trần Cao Khải
____________
[2] Theo Wikipedia
[3] cgvdt.vn