Giáo Hạt Cà Mau

Tin mạo danh và vấn đề đặt ra cho Truyền thông Công giáo Việt Nam

Trong mấy tuần vừa qua, kể từ khi dịch corona hoành hành, trên mạng xã hội lan truyền một bản tin giả mạo di chúc của Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II. Với những điểm sai lạc và đầy tính đe doạ của bản di chúc, chắc hẳn tác giả của nó cố ý gây nên sự hoang mang sợ hãi cho người đọc, trong thời điểm cả thế giới đang lo lắng trước dịch bệnh. Nó cũng đồng thời gây nên những cách hiểu lệch lạc cho đức tin của các tín hữu, và cho cả những người ngoài Ki-tô giáo.

Tin giả trên chỉ là một ví dụ điển hình trong vô vàn những thông tin lệch lạc hoặc giả mạo đang tràn lan trên mạng internet. Điều đặc biệt là những nguồn phổ biến nó nhiều nhất lại là những trang mang danh ‘Công giáo’, hay nói chính xác hơn là những trang giả mạo Công giáo. Sau đó, nhiều trang mạng Công giáo đích thực, vì không có mức biện phân đủ vững, cũng đã đăng chúng lên.

Trong thời đại hiện nay, Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng là mảnh đất tốt để chúng ta có thể thực hiện việc loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, nó đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ cho những thông tin ‘phản – Tin Mừng’ phát triển, nhưng lại mạo danh hay núp dưới danh nghĩa của Giáo hội Công giáo. Trong hoàn cảnh ở Việt Nam, điều này vô cùng nguy hiểm! Thứ nhất, số người sử dụng Internet ngày càng nhiều, trong đó giới trẻ và thiếu nhi – những người chưa đủ vững vàng về kinh nghiệm đức tin – đang chiếm phần đa số; hơn nữa, nhìn chung, người Việt Nam chúng ta còn yếu về khả năng phân định.

Do đó, thiết tưởng đã đến lúc giới truyền thông Công giáo ở Việt Nam cần gấp rút đặt lại vấn đề này cho mình. Thiết tưởng, những người làm truyền thông cần có cơ hội ngồi lại với nhau, cùng suy nghĩ thảo luận để tìm ra giải pháp. Điều quan trọng trước nhất là làm thế nào để khi độc giả nhìn thấy tên một trang web mang danh nghĩa Công giáo, họ có thể dễ dàng nhận diện được đó là trang thật hay trang giả mạo. Do đó, cần đưa ra một giải pháp ‘thống nhất hoá’ tên của các trang web chính thức của Công giáo. Ví dụ, theo thiển ý của tôi, chúng ta có thể thực hiện ba điều sau. Thứ nhất, mỗi ‘đơn vị’ (Giáo phận, giáo xứ, dòng tu, vv.) nên xác định số trang mạng cố định chính thức của mình. Những trang nào ‘lẻ tẻ’ quá thì nên dẹp bỏ hoặc sát nhập vào những trang chính thức này (tất nhiên, các cá nhân có quyền lập trang riêng của họ, nhưng không được phép đặt tên theo những danh nghĩa của các đơn vị hay của Giáo hội nói chung). Thứ hai, cần đưa ra những thông báo chính thức về việc công nhận các trang này thuộc ‘đơn vị mình’. Thứ ba, tên của các trang này cần được đặt sao cho dễ nhận diện. Ví dụ, ‘Truyền thông Giáo xứ A – Giáo phận B’.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú trọng đến vấn đề quản trị nội dung của các trang chính thức này. Thiết tưởng, cần mở những khoá đào tạo cho những người làm truyền thông Công giáo, đặc biệt cho các quản trị viên của các trang này. Họ không chỉ giỏi về kỹ thuật, mà cần được trang bị những kiến thức cơ bản về đức tin và phong hoá, để có khả năng nhận định về nội dung những bài viết phù hợp với đức tin Ki-tô giáo. Chúng ta cần khuyến khích người đọc sử dụng những trang chính thức, hay ít ra là tìm cách quen thuộc với chúng, để có thể dễ dàng nhận ra những trường hợp mạo danh các trang này và báo cáo lại cho phía những người có trách nhiệm để xử lý. Hơn nữa, thiết tưởng các cha xứ cũng nên quan tâm và có trách nhiệm về các trang này, đừng để chúng trôi nổi vô tội vạ. Ngoài ra, Giáo hội cũng rất cần nhiều linh mục, tu sỹ và những giáo dân có khả năng can đảm dấn thân nhiều hơn trong mảnh đất nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách đố này. Chúng ta cần những bài viết chất lượng để giúp định hướng và đào sâu đức tin cho độc giả, cũng như những bài phản biện theo tin thần Ki-tô giáo trước những vấn nạn của thời đại hay trước những tin tin tức giả mạo ‘phản-Tin Mừng’.

Thời gian này cũng là dịp chúng ta kỷ niệm 1 năm ngày ra đời của ‘Sứ điệp Ngày Truyền Thông thứ 52’ của Đức Thánh cha Phan-xi-cô. Trong sứ điệp này, với chủ đề ‘Sự thật sẽ giải thoát các con. Tin giả và phương thức báo chí hòa bình’, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta phòng ngừa và vạch trần những ‘tin giả’, song song với cổ võ tìm kiếm sự thật, và thực thi một phương thức truyền thông xây dựng hoà bình.[1] Vì vậy, đọc lại những gợi hứng của Sứ điệp, ước mong sao Giáo hội Việt Nam nói chung và những người làm truyền thông Công giáo nói riêng được Thiên Chúa thúc đẩy để trăn trở và hành động trước vấn nạn nóng bỏng và cụ thể nói trên.

Chúng ta cũng cần thêm lời cầu nguyện cho nhau và cho cả những người đưa tin giả và mạo danh, để họ cũng biết sám hối từ nội tâm, biết cùng nhau nỗ lực góp phần xây dựng hoà bình và tìm kiếm chân lý trong phạm vi truyền thông của mình, như lời kinh Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết trong Sứ điệp:

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những khí cụ bình an của Chúa,

giúp chúng con nhận ra sự ác tiềm ẩn trong thứ truyền thông không kiến tạo hiệp thông,

giúp chúng con biết loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con,

giúp chúng con nói về tha nhân như anh chị em của chúng con.

Chúa là Đấng trung tín và đáng tin cậy, xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt giống sự thiện cho thế giới.

Nơi đâu có kêu la, xin cho chúng con biết lắng nghe;

nơi đâu có bấn loạn, xin cho chúng con tạo được niềm hứng khởi hòa hợp;

nơi đâu có những mơ hồ, xin cho chúng con biết mang đến sự minh bạch;

nơi đâu có loại trừ, xin cho chúng con mang đến tình liên đới;

nơi đâu có kích động, xin giúp chúng mang lại sự điềm tĩnh;

nơi đâu hời hợt, xin cho chúng con nêu lên được những thắc mắc đích thực;

nơi đâu có thành kiến, xin cho chúng con đánh thức được niềm tin;

nơi đâu có hận thù, xin cho chúng con biết mang đến niềm tôn trọng;

nơi đâu có giả dối, xin cho chúng con mang đến sự thật. Amen.

[1] Xin xem toàn văn Thông điệp (theo bản dịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam) tại:

https://dongten.net/2018/01/08/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-thu-52-2018/.

Khắc Bá, SJ – CTV Vatican News

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *