Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Xin
cha giúp con hiểu biết về vấn đề mùa Vọng, vì Mùa này sắp đến rồi. Sự
hình thành và thần học của nó là như thế nào, thưa cha? – D. K., Harare,
Zimbabwe
Đáp: Đây là một câu hỏi quá rộng
và thật là không dễ dàng để trả lời nó cách ngắn gọn được. Tuy nhiên,
chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp ít nhất một số ý tưởng cơ bản.
Hệ
thống hiện nay của chúng ta về tổ chức chu kỳ phụng vụ bắt đầu với Mùa
Vọng. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì tất cả mọi sự trong Giáo Hội bắt
đầu với sự xuất hiện của Chúa Kitô.
Tuy nhiên, năm phụng vụ đã
không luôn được xếp đặt theo cách này và do đó không được tổ chức trong
mọi gia đình phụng vụ. Các dấu vết sớm nhất của một chu kỳ phụng vụ đi
theo tập tục của người Do Thái, và bắt đầu năm mới với lễ Phục sinh, mà
ngày lễ này vẫn xác định nhiều ngày lễ khác.
Điều này cũng là hài
hòa với sự khởi đầu của năm dân sự, vốn bắt đầu, không trong tháng
Giêng, nhưng trong tháng Ba. Theo một số truyền thống Kitô giáo, ngày
xuân phân, vốn rơi vào ngày 25-3, là ngày đầu tiên của sự sáng tạo, ngày
của mầu nhiệm Nhập Thể, và ngày của Chúa bị đóng đinh. Là một nhân
chứng cho truyền thống này, chúng tôi biết Sách bài đọc lâu đời nhất, đó
là bản viết trên da cừu của Wolfenbüttel (sáng tác trước năm 452), vốn
có chu kỳ các bài đọc bắt đầu từ lễ Phục Sinh, và kết thúc vào ngày Thứ
Bảy Tuần Thánh của năm sau.
Khi việc cử hành lễ Giáng sinh trở
nên phổ biến hơn, cùng với sự việc rằng một số Giáo Hội chuyển lễ Truyền
Tin vào trước lễ Giáng sinh, để loại nó khỏi Mùa Chay, ý tưởng bắt đầu
năm phụng vụ trong khoảng thời gian này dần dần manh nha. Điều này được
phản ánh trong các sách phụng vụ của thế kỷ VI và thế kỷ VII, vốn bắt
đầu bằng lễ Giáng sinh. Một hoặc hai thế kỷ sau đó, khi mùa Vọng được
quan niệm như là một sự chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, chúng ta tìm thấy
các cuốn sách bắt đầu với Chúa Nhật I Mùa Vọng, và sự sử dụng này là phổ
biến sau thế kỷ IX.
Dường như việc cử hành phụng vụ Mùa Vọng có
nguồn gốc ở miền nam nước Pháp và Tây Ban Nha, đôi khi với một tính cách
sám hối đáng kể. Tại Rôma, chúng tôi tìm thấy các dấu vết đầu tiên của
việc cử hành phụng vụ này vào thế kỷ VI, đôi khi với năm hoặc sáu Chúa
Nhật. Chúa Nhật IV mùa Vọng có thể đã được thiết lập bởi Đức Giáo Hoàng
Grêgôriô Cả sau năm 546, mặc dù mùa Vọng dài hơn vẫn còn tìm thấy ở một
số nơi cho đến thế kỷ XI, và vẫn còn tồn tại trong nghi lễ Ambrôxiô ở
Milan.
Dưới ảnh hưởng của sự thực hành phụng vụ Tây Ban Nha và
Pháp, mùa Vọng Rôma bắt đầu từ từ đưa vào tính cách đền tội, ăn chay, sử
dụng lễ phục màu tím, bỏ qua kinh Te Deum và kinh Vinh Danh (Gloria),
không sử dụng đàn phong cầm và không chưng hoa bàn thờ. Tuy nhiên, tính
cách sám hối không đi vào các bản văn phụng vụ Thánh Lễ và Thần vụ
Thánh, vốn thường bày tỏ sự mong muốn đón nhận Chúa đang đến.
Từ
một quan điểm lịch sử, các kinh nguyện sử dụng trong Mùa Vọng được lấy
từ các bản viết tay cổ xưa, được gọi là Cuộn giấy da ở Ravenna (từ thế
kỷ V đến thế kỷ VI) và Sách Bí tích Gêlaxiô (thế kỷ VII). Chủ đề liên
tục của chúng là sự xuất hiện của Chúa Kitô, cả trong sự nhập thể (sự
đến lần thứ nhất) và vào ngày tận thế (sự tái lâm). Chúng đề cập đến sự
thanh luyện cần thiết để xứng đáng đón nhận Chúa, nhưng không có dấu vết
của sự sợ hãi hay sầu buồn.
Các cải cách hiện tại của lịch phụng
vụ và Sách lễ, trong khi giữ lại một số yếu tố này như là cần thiết cho
việc chuẩn bị tinh thần cho lễ Giáng sinh, đã giảm bớt phần nào khía
cạnh đền tội, cho phép việc chưng hoa cách vừa phải, và sử dụng đàn
phong cầm nhiều hơn trước kia.
Do đó, Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 305 cho biết:
“Trong
Mùa Vọng, bàn thờ được chưng hoa cách vừa phải, thích hợp với đặc tính
của mùa, để không cho thấy quá sớm niềm vui trọn vẹn của ngày Sinh Nhật
Chúa”
Và GIRM số 313:
“Trong Mùa Vọng được phép đánh phong
cầm và các nhạc cụ khác cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa
này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn của lễ Chúa Giáng Sinh” (Bản
dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha
Trang)
Do đó, mặc dù Mùa Vọng không còn được coi là một mùa sám
hối, việc lưu giữ một số các yếu tố trước kia như lễ phục màu tím, bỏ
qua kinh Vinh Danh (Gloria), nhấn mạnh sự tương phản giữa thời gian
chuẩn bị và niềm vui ngày lễ Giáng sinh.
Về linh đạo của mùa Vọng, qui chế tổng quát cho lịch phụng vụ nói:
“39.
Mùa Vọng có hai đậc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, trong
lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người,
vừa là mùa qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa
Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được
coi như là mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi”.
“40. Mùa Vọng bắt
đầu bằng giờ Kinh Chiều I của Chúa Nhật, vốn rơi vào gần ngày 30-11, và
kết thúc trước Kinh Chiều I của lễ Giáng sinh.
“41. Các Chúa
Nhật của mùa này được gọi là Chúa Nhật I Mùa Vọng, Chúa Nhật II Mùa
Vọng, Chúa Nhật III Mùa Vọng và Chúa Nhật IV Mùa Vọng.
“Các ngày trong tuần từ ngày 17 đến ngày 24-12 giúp chuẩn bị trực tiếp hơn cho ngày sinh của Chúa”.
Lời giải thích, vốn đi kèm với phần giới thiệu qui chế tổng quát cho lịch phụng vụ, nêu rõ:
“Các
bản văn phụng vụ Mùa Vọng trình bày một sự thống nhất, được chứng minh
bởi việc đọc hầu như hàng ngày sách ngôn sứ Isaia. Tuy nhiên, hai phần
của Mùa Vọng có thể được phân biệt rõ ràng, mỗi phần có ý nghĩa riêng
của nó, như các kinh tiền tụng mới minh họa rõ ràng. Từ Chúa Nhật I Mùa
Vọng cho đến ngày 16-12, phụng vụ diễn tả tính cách cánh chung của Mùa
Vọng, và thúc giục chúng ta mong chờ sự tái lâm của Chúa Kitô. Từ ngày
17 đến ngày 24-12, các phần riêng của Thánh lễ và Giờ Kinh Phụing Vụ
chuẩn bị trực tiếp hơn cho việc cử hành lễ Giáng Sinh”.
Sau Công
đồng chung Vatican II, Sách bài đọc mới cho mùa Vọng tăng số lượng các
bài đọc. Các người soạn thảo Sách bài đọc mới đã thực hiện một nghiên
cứu toàn diện của tất cả các Sách bài đọc của Giáo Hội Phương Tây cho
khoảng thời gian 1.500 năm, và chọn tất cả các bài tốt nhất và truyền
thống nhất. Kết quả là gồm có 75 bài đọc. Hai Chúa Nhật đầu tiên công bố
sự xuất hiện của Chúa để phán xét, Chúa Nhật III diễn tả niềm vui của
việc Chúa đã gần đến, Chúa Nhật IV và là Chúa Nhật cuối cùng “xuất hiện
như là một Chúa Nhật của các tổ phụ của Cựu Ước và Đức Trinh Nữ Maria,
với dự báo của sự ra đời của Chúa Kitô”. Các bài đọc trong tuần tuân
theo thần học, vốn đã được diễn tả trong ngày Chúa Nhật trước đó.
Trong
khi Sách lễ của hình thức ngoại thường chỉ có các kinh nguyện riêng cho
Chúa Nhật và các ngày gần lễ Giáng Sinh, Sách Lễ Rôma hiện tại có một
lời nguyện chung cho mỗi ngày của Mùa Vọng, một lựa chọn rộng hơn các
lời nguyện khác cho Thánh Lễ, và hai kinh tiền tụng theo mùa, vốn chưa
từng có trước đây.
Cuối cùng, một yếu tố đặc trưng của mùa này là
các điệp ca O tuyệt vời, được một số tác giả gán cho Giáo Hoàng
Grêgôriô Cả, mặc dù được đưa vào phụng vụ trễ hơn. Chúng được sử dụng
trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, và trong Sách bài đọc trong các ngày từ
ngày 17 đến 24-12, và loan báo Chúa Kitô đến với muôn dân.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 15-11-2016)