Giáo Hạt Cà Mau

Giáo Hội và sự ra đời của Phụng vụ

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma

Hỏi: Liệu việc Chúa Kitô thiết lập các bí tích cũng có nghĩa sự ra đời của phụng vụ không? Chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội bắt đầu với Chúa Giêsu Kitô không? Liệu phụng vụ có nguồn gốc trong Chúa Kitô không? Đâu là nguồn của lịch sử phụng vụ, thưa cha? – A. T., Yaoundé, Cameroon.

Đáp:
Câu hỏi này, bằng tiếng Pháp, có lẽ sẽ đòi hỏi nhiều cuốn sách để trả lời đầy đủ. Tôi sẽ nhất thiết đi vào các điều cốt yếu và việc này phải là ngắn gọn súc tích.

Với câu hỏi đầu tiên, chúng tôi có thể nói là “có”, việc Chúa Kitô thiết lập các bí tích cũng có nghĩa sự ra đời của phụng vụ Kitô giáo, bởi vì các bí tích là nòng cốt của phụng vụ. Đúng là Tân Ước không tiết lộ hầu hết các yếu tố nghi thức của các bí tích, và chúng thường phát triển sau thời đó. Nhưng mỗi bí tích, vì nó là một sự kéo dài của sự Nhập Thể theo một hệ thống dấu hiệu, là nhất thiết phụng vụ trong bản chất.

Chúng tôi cũng có thể khẳng định với sự chắc chắn trọn vẹn rằng Giáo Hội bắt đầu với Chúa Giêsu Kitô. Các câu như Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời còn Thánh Phaolô (hoặc Hoàng đế Constantine) thành lập Giáo Hội đã nhiều lần được chứng minh là sai lầm, dựa trên những thành kiến, hoặc học thuật kém cỏi. Thật không may, tôi không thể thảo luận vấn đề này ở đây. Độc giả có thể tìm thấy câu trả lời ban đầu tốt cho các câu hỏi trong các trang web hộ giáo phổ thông như Catholic Answers, hoặc tìm đọc các khảo luận chuyên sâu như cuốn “Essay on the Development of Christian Doctrine” (tiểu luận về sự phát triển học thuyết Kitô giáo) của Chân phước John Henry Newman năm 1845.

Từ những gì chúng tôi đã nói ở trên về các bí tích, chúng tôi cũng có thể nói “có” cho câu hỏi, vốn cho rằng phụng vụ bắt đầu với Đức Kitô. Nhưng tuyên bố này phải được làm sáng tỏ hơn. Đức Kitô là nguồn gốc của phụng vụ trên nhiều cấp độ. Ở cấp độ sâu xa nhất, Đức Kitô là nguồn gốc của phụng vụ vì phụng vụ là cơ bản sự tham gia của chúng ta, thông qua, với và trong Đức Kitô, như là các thành viên của nhiệm thể của Ngài, trong sự thờ phượng mà Đức Kitô như là linh mục thượng phẩm dâng lên cho Chúa Cha trên trời. Ở cấp độ này, vốn là quan trọng nhất, không có phụng vụ mà không có Chúa Kitô và Giáo Hội.

Ở cấp độ của các yếu tố nghi thức bên ngoài của phụng vụ, Chúa Kitô thiết lập các yếu tố cần thiết trong khi thiết lập các bí tích, và trong việc đưa ra các mẫu nhất định chẳng hạn như khi Ngài chúc lành cho trẻ em, và ban cho chúng tôi Kinh Lạy Cha, nhưng bản thân Ngài không đưa ra các hướng dẫn chi tiết về cấu trúc của phụng vụ. Điều này cũng là hợp lý, vì Ngài còn là đối tượng của sự phụng thờ, và Giáo Hội cần có thời gian để tiêu hóa và chuyển hóa trong việc cầu nguyện mầu nhiệm lớn nhất của sự hiện hữu của Ngài. Giáo Hội do Ngài thành lập sẽ phải phát triển và tăng trưởng trong nhiều nền văn hóa mới, trong khi vẫn bám rễ vào thời gian khi Ngôi Lời Nhập Thể đi vào giữa chúng ta. Đây là lý do tại sao có các yếu tố có thể thay đổi như ngôn ngữ và nghi thức, và các yếu tố không thể thay đổi như việc sử dụng bánh và rượu trong Thánh Lễ, vốn gắn bó mật thiết với Chúa Kitô.

Các nguồn lịch sử của phụng vụ là rất nhiều và phức tạp. Trong số các nguồn quan trọng nhất, có các yếu tố Do Thái. Như Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho biết trong số 1096:

“Phụng vụ Do thái và Phụng Vụ Kitô giáo. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn một số khía cạnh của Phụng Vụ Kitô Giáo, nếu hiểu biết nhiều hơn về đức tin và đời sống tôn giáo của dân Do Thái như họ vẫn tin và sống cho đến ngày nay. Ðối với người Do Thái cũng như với Kitô hữu, Kinh Thánh là phần cốt yếu của Phụng Vụ để: công bố Lời Chúa, đáp lại Lời Chúa, ca ngợi Thiên Chúa và cầu nguyện cho người sống cũng như kẻ chết, kêu cầu lòng thương xót Chúa. Cấu trúc phần Phụng Vụ Lời Chúa trong thánh lễ bắt nguồn từ kinh nguyện Do Thái. Kinh nguyện theo các giờ Phụng Vụ, cũng như những bản văn và công thức Phụng Vụ khác, kể cả lời cầu nguyện trang trọng nhất là Kinh Lạy Cha, cũng tương ứng với tập quán Do Thái. Các kinh Tạ Ơn trong thánh lễ cũng khởi hứng từ những mẫu mực của truyền thống Do Thái. Ðặc biệt trong các đại lễ của Năm Phụng Vụ, như lễ Phục Sinh. Chúng ta vẫn thấy rõ những điểm giống nhau giữa Phụng Vụ Do thái và Phụng Vụ Kitô giáo. Người Do Thái và Kitô hữu cùng mừng lễ Vượt Qua; đối với người Do Thái, cuộc Vượt Qua đã xẩy ra trong lịch sử nhưng vẫn hướng về tương lai cho đến ngày Ðấng Mê-si-a đến; đối với Kitô hữu, cuộc Vượt Qua đã hoàn tất khi Ðức Kitô chịu chết và sống lại, nhưng chúng ta vẫn chờ đợi ngày hoàn tất chung cuộc” (Bản dịch Việt ngữ của Ban Giáo lý Tổng Giáo phận Sài Gòn).

Các nguồn khác có thể được tìm thấy trong Tân Ước, mặc dù chúng không là các mô tả chi tiết. Ngoài các sách Tin Mừng, phần còn lại của Tân Ước cho thấy một số yếu tố của một sự thờ phượng Kitô giáo riêng biệt.

Nhiều lần sách Công vụ Tông đồ đề cập đến “việc bẻ bánh” như một cái gì đó độc quyền cho cộng đoàn Kitô hữu. Các tác phẩm của Thánh Phaolô và sách Khải Huyền chứa đựng các thí dụ của nhiều thánh ca Kitô giáo thời đầu, việc nhóm hội vào ngày Chúa Nhật và thậm chí cả tên “Ngày của Chúa” (Kh 1:10). Các văn bản này cho thấy rằng rất sớm sau khi Chúa Lên Trời, cộng đồng Kitô giáo đã bắt đầu phát triển một cấu trúc cơ bản của việc cầu nguyện, để thực hiện các lệnh của Chúa Kitô là “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22:19) và “vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”(Mt 28:19, 20). Họ cũng cho rằng lệnh của Đức Kitô là Kitô hữu “cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:17, 18, các câu Kinh Thánh: theo bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Điều này sẽ dẫn đến các hình thức, chẳng hạn Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Tất cả các điều này có nghĩa rằng thật là khá tự nhiên khi các cộng đồng Kitô giáo phát triển các cấu trúc cầu nguyện khác nhau trong một cách hữu cơ, và có thể thích ứng với các hình thức bên ngoài của việc thờ tự, khi Giáo Hội tăng trưởng về số lượng và chính xác hơn trong việc nối kết đức tin của mình vào Đức Kitô, thông qua cả các định nghĩa Công đồng và biểu thức thờ phượng.

Các tài liệu là khan hiếm từ các thế hệ tiếp ngay sau các tông đồ, nhưng chúng cho thấy sự liên tục trong sự phát triển của các nghi thức cấu trúc và việc cầu nguyện.

Trong số các văn bản, văn bản quan trọng nhất thường được xem là “Didache”, hoặc Lời giảng dạy của Mười Hai Tông Đồ. Tác phẩm này ngắn gọn, viết khoảng năm 100, có nhiều lời cầu nguyện và sự mô tả của phép Rửa tội. Các tác phẩm khác của các Giáo Phụ (một số người trong số họ là đệ tử của các tông đồ), như thánh Inhaxiô thành Antiôkia và thánh Polycarp, đã nêu ra các chỉ dẫn về cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội và cấu trúc của việc cầu nguyện phụng vụ.

Một tài liệu quan trọng từ thế hệ tiếp theo là cuốn “Biện giải” (Apology, viết khoảng năm 155-157) của thánh Justin, vốn chứa đựng sự mô tả đầu tiên của Thánh Lễ trong một hình thức, vốn là cơ bản giống như Thánh lễ của chúng ta ngày nay. Trong số các bản văn được viết sớm nhất, là bản văn trong cái gọi là “Truyền thống Tông đồ” được gán cho tác giả (có thể không chính xác) là thánh Hippolytus thành Rôma (năm 215). Trong công trình này, chúng ta tìm thấy các công thức cho lễ truyền chức, và một văn bản vốn tạo nên cơ sở của Kinh Nguyện Thánh Thể II của Sách Lễ Rôma hiện nay.

Trong các thế kỷ sau đó, việc sản xuất các bản văn phụng vụ vẫn tiếp tục, và phần lớn các văn bản chính của phụng vụ trong tất cả các nghi thức phụng vụ và gia đình đã được sản xuất từ thế kỷ IV đến thế kỷ VII. Các bản văn phụng vụ Latinh lâu đời nhất là vào khoảng năm 350, và các bản thảo lâu đời nhất còn tồn tại là từ khoảng năm 450 đến năm 500, mặc dù có nhiều cuộc tranh luận về vấn đề này giữa các học giả.

Từ tất cả các điều trên, chúng ta có thể kết luận rằng phụng vụ bắt đầu với Chúa Kitô và kết thúc trong Chúa Kitô. Sự phát triển trong các hình thức phụng vụ và phong cách khác nhau luôn bắt nguồn trong Mặc Khải, và phát triển cách hữu cơ từ mầu nhiệm Vượt qua của Ngôi Lời Nhập Thể.


(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 12-4-2016)

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *