Giáo Hạt Cà Mau

Hết yêu rồi, ta là bạn được không?

Người ta vẫn hay hỏi: có một tình bạn trước khi yêu, vậy có tồn tại một tình bạn sau khi yêu không? Hỏi như thế, người ta dường như đang muốn nói đến một kết cục chẳng mấy tốt đẹp khi hai người yêu nhau rất nhiều nhưng vì một lý do nào đó lại quyết định dừng yêu.

Gọi là dừng yêu khi không muốn tiếp tục tương quan này nữa, chứ có còn tình cảm yêu đương cho nhau hay không, chỉ có người trong cuộc mới biết. Con người tự bản chất vốn dĩ là giống loài luôn tìm sự gắn kết với nhau, và đỉnh điểm của sự gắn kết ấy là tình yêu, nên cái gì đó đến sau “đỉnh điểm” thường là sự xuống dốc, vỡ nát, chia lìa. Mà đây lại là cái làm cho con người đau nhất. Có nhiều người đã từng tưởng rằng chẳng thể sống mà thiếu nhau, nguyện thề sống chết có nhau, nhưng rồi bỗng trở nên xa lạ đến lạnh lùng. Hết yêu rồi, ta vẫn còn là bạn, có được không?

Tình yêu nào cũng bao hàm trong đó yếu tố của tình bạn. Nhiều lúc, có tình bạn rồi mới đến tình yêu. Tình bạn cộng thêm cái gì đó nữa sẽ trở thành tình yêu. Tình yêu bao trùm, hoà quyện với tình bạn, làm cho hai bên trở nên một với nhau, xem sự sống của người kia và sự sống của mình. Bởi thế, người ta cứ ngỡ rằng khi “cái gì đó” thêm vào kia không còn nữa, tình yêu sẽ trở về với tình trạng “tình bạn” như trước. Vẫn dành cho nhau sự quan tâm lo lắng, chỉ là không còn nữa cái quyền được giữ riêng người kia cho mình. Nếu được như thế thì tuyệt quá! Nhưng cuộc sống này đâu đơn giản đến vậy. Cảm xúc con người là cả một vũ trụ mênh mông, phức tạp. Tương quan giữa con người với nhau càng không phải là toán học, chỉ cộng trừ nhân chia mà ra. Hết yêu rồi, có khi là hết tất cả, mất tất cả, chẳng tha thiết gì, xem nhau như người xa lạ.

Có còn là bạn sau khi yêu không, còn tuỳ vào lý do tại sao người ta lại quyết định “hết yêu”. Nếu là vì sự phản bội, lọc lừa, dối trá, lợi dụng hay những điều tương tự, thì “hết yêu” là một sự giải thoát. Tất cả niềm tin đã đổ vỡ, mà niềm tin lại là điều căn cốt của mọi mối tương quan, thế thì làm bạn sao được. Tình yêu vốn hàm chứa một lòng tự trọng rất cao. Nó sẽ đập nát hết tất cả những điều xúc phạm đến nó, trêu đùa nó. Một tình yêu trưởng thành và chân chính không chấp nhận sự dối lừa. Người nào không xem nó là báu vật, không trân quý và dành cho nó sự nâng niu, trái lại, còn đối xử với nhau như một trò chơi của cảm xúc, điều mà họ nhận lại chỉ có thể là sự vụn vỡ, sự nhạt nhoà và khinh bỉ. “Hết yêu” khi ấy không chỉ vì không còn nhu cầu gắn bó, mà còn vì một sự thất vọng ê chề, một nỗi hụt hẫng, và có khi còn sẽ dẫn đến một tình trạng khô cứng, sợ yêu.

Nhưng với người đặt câu hỏi “hết yêu rồi, ta làm bạn được không?”, dường như đó là một sự chia tay trong nuối tiếc, còn muốn níu kéo để mong có thể giữ lại được một chút gì của nhau. Họ chia tay không phải vì thật lòng mong muốn, nhưng có lẽ do duyên đã hết, hay do cuộc sống bắt phải rẽ đôi, hoặc vì hoàn cảnh. Nhưng trái tim vẫn không dễ dàng buông ra mọi sự. Dù không danh chính ngôn thuận là của nhau, những ký ức, lời nói và hình ảnh vẫn còn chiếm một chỗ quan trọng trong lòng người kia. Biết đâu, một người trong số họ đã thuộc về người khác. Kiếp sống này đã không cho họ được cơ hội để đi với nhau suốt đời. Họ bằng lòng với điều đó, không oán trách ai, không đổ lỗi cho người nào. Chỉ là thắc mắc: liệu khi ấy, họ vẫn có thể là bạn, vẫn được quyền dành cho nhau những gì mà bạn bè thường đối xử với nhau? Liệu có là một tình yêu ngầm đội lốt tình bạn? Liệu có là một sự gượng gạo, cưỡng ép? Liệu đó có là một cố gắng trong vô vọng? Hay thậm chí, cứ níu kéo như thế trong danh nghĩa bạn bè, liệu có ích gì cho cả hai không?

Em hỏi tôi như thế. Tôi trả lời là mình không biết. Là bạn với nhau thì cũng tốt. Vấn đề chỉ là mình có muốn không và mình phải sống tình bạn đó cách nào để nó không pha trộn bởi nhiều cảm xúc có khi rất trái ngược nhau. Tình bạn sau khi yêu, chắc chắn sẽ khác với tình bạn trước khi yêu rất nhiều. Nó sẽ có chiều sâu hơn, đậm đà hơn. Có khi lại chân thành và thiết thực hơn. Trong khi yêu, người ta đã hiểu nhau, biết nhiều điều về nhau; sự quan tâm sau khi yêu sẽ không còn ngây thơ và trong sáng như trước. Nó sẽ hệt như kiểu cần người lắng nghe, thấu hiểu, cần một bờ vai… nhưng giờ đã có một khoảng cách. Gần bên đấy mà xa muôn dặm.

Cảm xúc là một mớ hỗn độn những rung động, có khi rõ ràng, có khi mập mờ, làm người ta nhiều lúc rất hoang mang. Rất khó để có thể rạch ròi xung quanh chữ “tình”. “Tình yêu” hay “tình bạn” đôi khi chỉ khác nhau ở chữ nghĩa hay tên gọi, cảm xúc bên trong mới là cái quyết định cho cách hành xử. Tuy vậy, cũng rất cần một sự tỉnh táo và chừng mực để không làm lẫn lộn các tương quan và đi đến sự nhất quán trong cách mình đối đãi với người khác. Nếu là bạn, hãy hành xử như bạn. Nếu là người yêu, hãy hết mình với tình yêu. Để dù có “hết yêu” hay “còn yêu”, ta vẫn không hối hận với những gì đã qua, trong tim ta vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm đẹp, và như thế, tình bạn sau khi yêu sẽ mang một mùi vị gì đó vừa ấm nồng, vừa tươi đẹp, lại huyền nhiệm để người ta thưởng thức.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

(dongten.net 27.12.2019)

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *