Giáo Hạt Cà Mau

Đứng trước những khó khăn trong sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

Sau nhiêu năm cầu nguyện và nỗ lực tìm về hiệp nhất các tín hữu Kitô, hành trình tại kết đang gặp những chướng ngại lớn lao và người ta có cảm tưởng Kitô hữu ngày càng chia rẽ nhau. Nhân tuần cầu nguyện hiệp nhất các tín hữu Kitô, vấn nạn trên đây đang được đặt ra cho các tín hữu thuộc mọi hệ phái.

Thực vậy, trong những ngày này, từ 18 đến 25-1-2020, hàng tỷ tín hữu Kitô trên thế giới đang cử hành tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô. Sự hiệp nhất này càng càng trở thành một nhu cầu cấp thiết đứng trước những chia rẽ giữa các tín hữu Công Giáo và Tin Lành, Công Giáo và Chính Thống, nhưng cả giữa các nhóm cùng một danh xưng, cùng hệ phái với nhau, như giữa các tín hữu Công Giáo gọi là cấp tiến và thủ cựu, hoặc giữa các tín hữu Chính Thống với nhau, Tin Lành với nhau, sinh ra bao nhiêu hệ phái khác nhau.

Chính Thống và Tin Lành

Từ hơn 1 năm nay Chính Thống giáo gồm 15 Giáo Hội chính thức, đang bị chia rẽ trầm trọng hơn: Chính Thống Nga chống lại Chính Thống Constantinople là Giáo Hội Mẹ của tất cả các Giáo Hội chính thống khác, vì Đức Thượng Phụ Bartolomaios công nhận chính thống Ucraina độc lập với Chính Thống Nga. Chính Thống Nga, là khối đông nhất với 90 triệu tín hữu, tuyên bố không còn hiệp thông Thánh Thể với Chính Thống Constantinople, Chính Thống Hy Lạp và Chính Thống Alessandria Ai Cập.

 Nơi Giáo Hội Tin Lành Methodist ở Mỹ sắp tách thành hai nhóm: nhóm bảo thủ không chấp nhận đồng tính luyến ái và hôn nhân đồng phái, nhóm cấp tiến thì chấp nhận những điều đó. Sự chia cách này sẽ trở nên chính thức với Thượng Hội đồng của Giáo Hội này vào tháng 5 tới đây.

Chia rẽ vốn có từ đầu nhân loại và Giáo Hội

Nói đúng ra thì bao lâu có con người thì bấy lâu còn chia rẽ. Kinh Thánh Cựu Ước đã cho chúng ta thấy ngay từ đầu, với vụ Cain giết em mình là Abel, rồi tới vụ tháp Babel. Và ngay từ Giáo Hội Kitô sơ khai, chỉ cần đọc lại hai thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Corinto. Giáo đoàn này sau khi khởi sự tốt đẹp, đã bị phân rẽ mau lẹ, nhất là do ảnh hưởng của người nói hay nói giỏi tên là Apollos! Vì thế, cũng cần luôn luôn cảnh giác đề phòng đối với những người nói hay nói giỏi, các nhà diễn thuyết xuất sắc, đặc biệt là khi họ nghĩ rằng mình là nhà hùng biện trổi vượt!

Thánh Phaolô lên án chia rẽ

Trong thư thứ I gửi tín hữu Corinto, đoạn 11, Thánh Phaolo viết: ”Tôi chẳng khen anh em đây, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại. Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau, và tôi tin điều ấy có phần nào đúng. Những sự chia rẽ giữa anh em, thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn. Khi anh em họp nhau, thì không phải để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say sưa. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh rẻ Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao? Về điểm này tôi chẳng khen đâu!”

Nỗ lực đại kết

Phong trào đại kết, cổ võ sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô, đã có từ lâu với công đồng chung Lyon năm 1274 và Công đồng Firenze năm 1439. Phía Tin Lành và Anh giáo cũng có những cố gắng, đặc biệt từ năm 1910, và Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, có trụ sở ở Geneve, được thiết lập năm 1948 tại Hòa Lan.

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô do mục sư Anh giáo Paul Watson ở Mỹ khởi xướng năm 1908 và được tiếp nối cho đến nay.. Sau này mục sư trở thành Công Giáo.

Nhìn lại hành trình đại kết các Giáo Hội Kitô đã trải qua, chúng ta phải nhận thực có những bước tiến rất lớn, trong đó phải kể đến Tuyên ngôn chung về ơn công chính hóa (Justification) giữa Giáo Hội Công Giáo và Liên hiệp Tin Lành Luther hồi năm 2000, mặc dù có những dị biệt, vì vẫn còn những đạo lý hai bên chưa đồng ý với nhau, nhưng đó là một bước tiến có tầm quan trọng rất lớn, điều mà trước đây vài năm, thật là điều không thể tưởng tượng được. Tuyên ngôn này là một sự xích lại gần nhau một cách đáng ngạc nhiên, giữa hai ngành Giáo Hội đã đưa tới những chia rẽ ở Tây Phương.

Tấm gương của cộng đoàn đại kết Taizé

Rồi có những sự kiện tích cực như: từ 43 năm nay, tu viện Đại kết Taizé bên Pháp, gồm các tu sĩ Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo, vẫn sống chung và cầu nguyện với nhau, họ vẫn tổ chức hằng năm các cuộc gặp gỡ các bạn trẻ Kitô Âu Châu, vừa qua tại thành phố Wroclaw Ba Lan với 15 ngàn bạn trẻ các nước, và cuối năm 2020 tại Torino, bắc Italia. Hàng chục ngàn bạn trẻ Kitô tụ về, cầu nguyện chia sẽ với nhau, đó chính là những dấu chỉ hy vọng lớn lao vậy.

Thái độ của Kitô hữu trước những chia rẽ

Câu hỏi được đặt ra là: các tín hữu Kitô, dân thường, phải có thái độ thế nào, trước tình trạng chia rẽ giữa các tín hữu ngày nay?

Trước hết chúng ta cần xác tín mạnh mẽ rằng cuộc hành trình hướng về sự hiệp nhất các tín hữu Kitô là điều thuộc về việc rao giảng Tin Mừng. Đây là ước muốn tỏ tường của Chúa Kitô, như ngài đã bày tỏ trong lời cầu xin Chúa Cha: ”Ứớc gì chúng được nên một để thế gian tin” (Gioan 17,21). Và Chúa nhắn nhủ các môn đệ: ”Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, đó là các con yêu thương nhau” (Gioan 13,35).

Các tín hữu Kitô không được nghĩ rằng thách đố tìm về hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô chỉ liên hệ đến công việc của các chuyên gia, nhưng đây là điều có liên hệ tới tất cả và từng môn đệ của Chúa Kitô và mỗi tổ chức trong các cộng đoàn và giáo xứ, cách suy tư, nói năng hành động của chúng ta. Khi đón nhận nhau, chúng ta có thể cùng theo học tại trường của Thày Chí Thánh duy nhất là Chúa Giêsu, Đấng khiêm nhường và hiền lành trong lòng, chính Ngài sẽ tái lập sự hiệp thông của nhân loại với Thiên Chúa và đã ủy thác cho chúng ta nhiệm vụ trở thành dấu chỉ sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi.

Nhiều lần các vị Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng đứng trước những khó khăn trong tiến trình tìm về hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô, chỉ có ơn Chúa mới có thể vượt thắng được. Vì thế, lời cầu nguyện là phương thế ưu tiên trong nỗ lực đại kết. ”Nếu hai người trong chúng con trên mặt đất hiệp nhau để cầu xin bất kỳ điều gì, Cha Thầy ở trên trời sẽ ban cho các con. Vì ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ” (Mt 18,19-20). Các tín hữu Kitô cầu nguyện cho sự hiệp nhất vì lòng tín thác con thảo nơi lời hứa của Chúa, ý thức rằng đó là ý muốn của Chúa Kitô cho Giáo Hội và thực tại này đã không được quan tâm tới vì sự yếu đuối của con người.

G. Trần Đức Anh OP – CTV Vatican News

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *