Giáo Hạt Cà Mau

Mùa Chay trong mùa dịch

Mở đầu lá thư mục vụ mùa Chay năm 2020 của giáo phận Mỹ Tho với chủ đề “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), Đức Giám mục Phê-rô Nguyễn Khảm đã viết như sau: “Năm nay, người Công giáo bước vào Mùa Chay thánh trong lúc cả thế giới âu lo trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới, gọi tắt là Covid-19. Phải chăng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay đây là ‘dấu chỉ thời đại’ (Mt 16,1-3), qua đó Thiên Chúa muốn gửi cho chúng ta sứ điệp của Ngài? Phải chăng đây là thời điểm cần lắng nghe cách khẩn thiết hơn lời kêu gọi của Chúa Giêsu: ‘Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’?”. [1]

Quả thực, mùa Chay đã khởi đầu đúng vào thời điểm mà dường như mùa dịch cúm Covid-19 đang có dấu hiện phát triển nhanh và lan ra trên diện rộng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24-2 cho biết dịch Covid-19 chưa phải đại dịch nhưng có khả năng trở thành đại dịch nếu các quốc gia không hợp tác để làm chậm sự lây lan. Sự gia tăng đột biến các ca nhiễm ở Hàn Quốc, Italy và Iran rất đáng lo ngại. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu tuyên bố: “Đây là mối đe dọa chung. Chúng ta chỉ có thể cùng nhau đối mặt và vượt qua”.

Do tình hình như trên, chúng ta có thể tận dụng mùa Chay năm nay như là một cơ hội đặc biệt để sống đức tin mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dù tình trạng bệnh dịch diễn ra thế nào đi nữa thì chúng ta cũng được mời gọi “sống chung với dịch”. “Sống chung” để nhờ đức tin chúng ta khám phá ra mầu nhiệm sự chết trong ánh sáng phục sinh của Đức Ki-tô. Đồng thời nhờ đó chúng ta nhận ra rằng tai họa lớn nhất của con người không phải là “dịch” nhưng là sự vắng bóng của Thiên Chúa tình thương.

Ngày 24-2 vừa qua, ĐTC Phan-xi-cô đã công bố Sứ điệp Mùa Chay, trong đó ngài đã chia sẻ như sau:

“Trong Mùa Chay năm 2020 này, tôi muốn chia sẻ với mọi Kitô hữu những điều tôi đã viết cho các bạn trẻ trong Tông huấn Christus vivit – Đức Kitô sống: Hãy chăm chú nhìn vào đôi tay dang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy cho phép mình được cứu, hết lần này đến lần khác, mãi mãi. Và khi các con đi xưng thú tội lỗi của mình, hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn có sức giải thoát các con khỏi ách tội lỗi. Hãy chiêm ngắm máu Người đổ ra với tình yêu lớn lao như thế, và hãy để cho mình được tẩy sạch bởi máu ấy. Bằng cách này, các con có thể được tái sinh không ngừng và luôn luôn mới mẻ” (số 123).

“Phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một sự kiện của quá khứ; nhưng nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nó luôn luôn hiện tại và cho phép chúng ta ngắm nhìn và bằng đức tin, chạm vào xác thịt của Chúa Kitô nơi những người đau khổ…” [2]

MÙA CHAY: CHẾT ĐỂ SỐNG

Thực vậy, bước vào mùa Chay là chúng ta bước vào một cuộc hành trình theo Chúa xuyên qua những biến cố trong cuộc đời. Chúng ta sẽ tập luyện hằng ngày để được chết như Chúa và với Chúa. Mùa Chay trước hết giúp chúng ta thông hiệp vào mầu nhiệm sự chết của Chúa nhờ đó chúng ta, tuy chết từng ngày từng giờ, nhưng sự sống mới của chúng ta sẽ tiềm ẩn trong Thiên Chúa cùng với Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chứ tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa.” (Cl 3, 2-3).

Vậy thời gian mùa Chay là “mùa” giúp chúng ta thay đổi não trạng giữ đạo cố hữu của mình. Phần đông chúng ta thường chú tâm thực hành mấy việc đạo đức như ăn chay, kiêng thịt, xưng tội, ngắm thương khó vv. Nhiều khi chúng ta làm vì thói quen hay vì sợ phạm luật hơn là vì yêu mến. Thực ra, Chúa Giê-su cũng kêu gọi người ta ăn chay, sám hối, cầu nguyện, làm phúc bố thí…nhưng Ngài luôn nhắc nhở chúng ta phải thực hành những việc ấy như ý Thiên Chúa. Tất cả vì lòng mến xuất phát từ mối tương quan thân tình với Thiên Chúa là Cha. Những việc ấy cần được thực hiện cách âm thầm, kín đáo, khiêm tốn. Phải thật khiêm nhường, tránh kiêu căng giả dối (x. Mt 6, 6).

Chúng ta có thể lấy một vì dụ. Hôm thứ tư lễ Tro vừa qua (26-2), nhiều người, nhất là các bạn trẻ, lên mạng XH tranh luận về việc ăn chay, kiêng thịt theo luật buộc. Việc tranh luận này có lúc trở nên sôi động và chỉ xoay quanh mấy điểm thiên về hình thức hơn là nội dung. Trong khi đó Lời Chúa nhắc nhở chúng ta: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa”. (Ge 2, 12-13)

Chúng ta chú trọng tới “Luật” coi đó như là cùng đích, nhưng thực ra đó chỉ là phương cách giúp ta đi sâu vào nội dung cốt lõi. Thiên Chúa không thích những ai câu nệ hình thức. Người yêu mến những ai thực hành Lời Chúa với lòng yêu mến, sự khiêm tốn và lòng cậy trông. Rất nhiều khi chúng ta ăn chay, kiêng thịt nhưng lòng chúng ta còn khép kín, chúng ta chưa trở về với Thiên Chúa và chưa sẵn sàng làm hòa với anh em.

Vậy, việc đầu tiên trong mùa Chay, chúng ta hãy tập chết bằng việc sám hối. Đầu mùa Chay, Hội thánh nhắc nhở chúng ta qua Lời Chúa nói: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). 

. Chết nhờ hoán cải

Hoán cải hay sám hối là điều kiện tiên quyết để chúng ta tiếp nhận Tin Mừng của Chúa, để nghe được tiếng Chúa và nhất là để vững vàng bước đi theo Chúa. Hoán cải không đơn giản là xét mình năm ba phút rồi vào tòa giải tội xưng thú vài ba điều lỗi phạm, và thế là xong! Sau đó, con người và cuộc sống của ta lại theo con đường cũ. Như người ta thường nói, “vẫn chứng nào tật nấy!”. Như thế không phải là hoán cải hay sám hối theo ý Chúa.

Thực vậy, “Hoán cải, theo từ Hy Lạp (Metanoia) dùng trong Tân Ước có nghĩa là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Như vậy, dường như nó chỉ liên hệ với tâm trí, với sự thay đổi bên trong. Không phải thế. Phải hiểu nó theo chủ đề căn bản trong Cựu Ước, cách riêng từ ngôn sứ Giêrêmia. Nó có nghĩa là thay đổi hướng đi, thay đổi con đường, bỏ đường tà trở lại đường chính, triệt để quay về với Thiên Chúa của Giao Ước, và dấn bước vào một cuộc sống mới. Vì Cựu Ước coi con người như một toàn thể, nên hoán cải không chỉ là thay đổi tâm trí, mà là cả con người. Không chỉ trong ý nghĩ mà cả trong hành động.

“Cũng theo quan niệm của Kinh Thánh, ngoài chiều kích luân lý (bỏ điều dữ làm điều lành), đặc biệt hoán cải còn có chiều kích thần học. Chính chiều kích thần học làm nền tảng cho chiều kích luân lý. Ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót của mình. Một cách cơ bản hơn, phải hiểu cho đúng mình là ai trước mặt Thiên Chúa, để có thể hướng về Ngài. Trên thực tế, ta luôn có khuynh hướng đánh giá mình quá cao nên không thể công chính trước mặt Thiên Chúa và đối với anh chị em”. [3]

Như vậy, nhờ sự hoán cải mà ta chết đi con người cũ của ta để từng ngày sống với con người mới theo gương Chúa Giê-su. Chẳng hạn:

– mỗi một hành vi khiêm tốn là chết đi một phần tính kiêu ngạo của mình.

– mỗi một hành vi can đảm là chết đi một phần tính hèn nhát của mình.

– mỗi một hành vi dịu dàng là chết đi một phần tính hung bạo của mình.

– mỗi một hành vi yêu thương là chết đi một phần tính ích kỷ của mình.

Còn cần biết bao nhiêu cái chết khác nữa trong cuộc đời chúng ta để làm thành sự sống mới của mình trong Đức Ki-tô. Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới xuất hiện và lớn mạnh. [3]

. Chết nhờ buông bỏ

Ngày nay người ta nói nhiều đến hai chữ “Buông bỏ” như là phương thế giúp ta sống an nhiên tự tại. Buông bỏ để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của “Tham, sân, si”, để thoát khỏi những những ràng buộc của vật chất hư vô, của cái “Tôi” nặng nề ích kỷ, của cuộc sống quá ư là đa đoan phức tạp…

Trong khi đó buông bỏ theo nghĩa của Tin Mừng Ki-tô giáo, là bỏ mình vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Hay phải buông bỏ như các môn đệ, muốn theo Chúa thì phải lìa bỏ cha mẹ, vợ con, người thân, ruộng vườn, nhà cửa. Hay như chuyện người thanh niên giàu có muốn theo Chúa, thì điều tiên quyết là buông bỏ những gì mình có, trở nên nghèo khó trống rỗng, rồi theo Chúa. “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10, 21).

Trở nên nghèo, sống nghèo cũng là một cách buông bỏ. ĐTC Phan-xi-cô khuyến khích các Ki-tô hữu thực hành đức khó nghèo theo Tin Mừng. Theo ngài, sống nghèo không phải là cho đi những gì mình dư thừa, nhưng là chia sẻ những gì là thiết yếu của mình, những gì mình đang cần, những gì mình đang sử dụng. Đó chính là sự buông bỏ, là mất đi cái mình sở hữu chứ không phải là cho đi cái mình dư thừa. Ngài nói:

“Khi chúng ta giúp người nghèo, chúng ta đang không làm công việc của các cơ quan cứu trợ ‘bằng cách thế Kitô Giáo’. Những việc này là tốt, nhưng nó là một điều bị giảm xuống thành thực hiện – công việc cứu trợ là tốt và rất nhân bản – nhưng đó không phải là sự nghèo khó Kitô Giáo, là điều mà Thánh Phaolô mong muốn chúng ta và giảng dạy cho chúng ta. Sự nghèo khó Kitô Giáo là điều mà tôi cho đi phần của tôi, chứ không phải là điều tự bản chất là dư thừa – tôi cho đi thậm chí là điều mà tôi đang cần thiết cho chính tôi, cho người nghèo, bởi vì tôi biết rằng người nghèo làm cho tôi nên giàu có. Tại sao người nghèo lại làm cho tôi nên giàu có? Bởi chính Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Ngài ở nơi người nghèo”. [4]

Chúa Giê-su cũng kêu gọi chúng ta sống nghèo và sống buông bỏ. Buông bỏ chính sự sống của mình vì lòng mến và vâng phục. Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được điều đó và đã mạc khải cho các tín hữu, như sau:

“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. (Pl 2, 6-8)

Chúa Giê-su chẳng những buông bỏ địa vị ngang hàng Thiên Chúa, vinh quang thiên giới, mà Ngài còn tự nguyện vâng lời Cha, hạ mình chịu chết. Ngài đã chấp nhận hủy-mình-ra-không (Kenosis) vì lòng mến tột cùng. Ngài nói: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13).

Thực vậy, hành trình tự hủy của Chúa Giêsu phải là mẫu gương chuẩn mực để người tín hữu, nhất là những người sống đời thánh hiến cần soi mình học hỏi mỗi ngày và cố gắng noi theo. Bởi lẽ, trong đời sống Đạo, muốn trở nên trọn lành, người tín hữu phải chấp nhận hy sinh để chiến đấu chống lại sự cám dỗ, phải chấp nhận chịu thiệt thòi để tuân giữ cho trọn Luật Chúa dạy, phải can đảm coi nhẹ mạng sống của mình để giữ vững niềm tin. Nhờ đó, Giáo Hội có được những con người thánh thiện, là hoa thơm trái tốt, hằng nuôi dưỡng và điểm tô cho cuộc đời. [5]

. . . . . . . . . . . . . . . . . .  

Mùa Chay năm nay trùng với biến cố dịch cúm Covid-19. Nhiều nơi trên thế giới vì lý do lo sợ dịch lây lan nên đã không có thánh lễ, không cử hành thứ tư lễ Tro. Nhiều người phải chết đột ngột vì nhiễm virus như ở Vũ Hán (Trung Quốc) hay Daegu (Hàn Quốc). Trong khi đó, có nhiều người vì tình nhân loại đã dấn thân dám hiên ngang đi vào vùng dịch để cứu các nạn nhân. Họ không sợ chết. Đã có linh mục, bác sĩ, y tá vĩnh viễn ra đi tại vùng có dịch. Họ thực sự đã sống mùa Chay, đã chết cho chính mình để người khác được sống.

Chúng ta có thể nghe kể về những hy sinh thầm lặng của những con người dám “chết vì tha nhân”.

Gần đây nhất, trong cuộc chiến chống vi rút corona tại Vũ Hán (Trung Quốc) đã có rất nhiều bác sĩ hy sinh do nhiễm bệnh trong lúc điều trị cho bệnh nhân. Như Bác sĩ Lý Văn Lượng (34 tuổi) – bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện trung tâm Vũ Hán, Trung Quốc, ra đi để lại bố mẹ già, một con nhỏ 5 tuổi và người vợ đang mang thai đứa con thứ 2. Ông cũng là một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra ở Vũ Hán nhưng bị chính quyền thành phố cáo buộc tung tin đồn thất thiệt và buộc phải giữ im lặng. Ngay cả trước khi qua đời, bác sĩ Lý đã trở thành anh hùng đối với nhiều người Trung Quốc, khi những cảnh báo của ông được chia sẻ trên mạng xã hội giúp người dân thêm cảnh giác về dịch bệnh. Người dân Vũ Hán, Trung Quốc và trên thế giới đều bày tỏ sự tiếc thương và khen ngợi bác sĩ Lý vì những nỗ lực của anh trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.

Bác sĩ Peng Yin Hua (29 tuổi) – bác sĩ khoa hô hấp Bệnh viện Hiệp Hòa Giang Nam và Bệnh viện Nhân dân số 1 Giang Hạ, mới qua đời do nhiễm COVID-19. Bác sĩ Hua ra đi khi chưa kịp thực hiện lời hứa làm đám cưới với người vợ mang thai do anh phải gác lại đám cưới để đi chống dịch vi rút corona ở tuyến đầu.

Nữ bác sĩ Hạ Tư Tư, ở Bệnh viện Hiệp Hòa ở Giang Bắc (thành phố Vũ Hán, Trung Quốc) cũng đã tử vong vì COVID-19, để lại đứa con trai 2 tuổi đau ốm thường xuyên do sinh thiếu tháng. Nữ bác sĩ bị nhiễm vi rút chết người này từ bệnh nhân khi tham gia công tác phòng chống dịch ở tuyến đầu vv…

Và còn rất nhiều bác sĩ, y tá khác họ hy sinh thầm lặng cho công việc, cho cuộc chiến chống vi rút corona. Người thì phải rời xa vòng tay vợ và con nhỏ, người phải cắt phăng mái tóc yêu thích, nhiều người bị thương ở tay và mặt. Hay có nữ y tá tự nguyện kết thúc thời gian nghỉ thai sản trước thời hạn và trở lại làm việc sớm cùng chồng để chữa trị cho các bệnh nhân giữa tâm dịch COVID-19 tại Vũ Hán…Thật không thể kể xiết những hi sinh thầm lặng của y bác sĩ tuyến đầu chống dịch corona vi rút.

Dù căng thẳng và vất vả, nhưng tất cả đều là tự nguyện. Bởi hơn ai hết họ hiểu rằng, nhiều sinh mạng quý giá đang đặt trong tay mình. Nhưng nghề nào cũng có những thăng trầm, cao quý, vui buồn lẫn lộn, cũng lắm vất vả lo toan, đầy niềm trắc ẩn. Niềm vui, là cứu sống được người bệnh; nỗi buồn, là khi người bệnh cứ bệnh nặng hơn [6] ./.

Aug. Trần Cao Khải

___________

[1] Nguồn: giaophanmytho.net  

[2] vaticannews.va/…/su-diep-mua-chay-nam-2020 

[3] simonhoadalat.com 

[4] simonhoadalat.com 

[5] daminhvn.net 

[6] tamnhin.net.vn

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *