Giáo Hạt Cà Mau

Thử tìm hiểu ý nghĩa của câu: ”Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng”

“CHÚNG CON NGUYỆN DANH CHA CẢ SÁNG!” có nghĩa là chúng con tha thiết nài xin Chúa thương, cho MỌI NGƯỜI ở khắp MỌI NƠI, MỌI THỜI mở mắt, tai, mũi, miệng, lưỡi, lòng trí để nhận biết CHÚA là ĐẤNG phải TÔN THỜ và TÔN VINH.

I. Vài hàng dẫn nhập

Bài khác sẽ nói về Danh Xưng của Thiên Chúa. Còn trong bài này, tôi chỉ mạo muội viết về ý nghĩa của các chữ: ”chúng con; nguyện; Danh Cha; cả sáng” bởi vì, theo tôi, các Cụ ”nhà mình” ngày xưa dịch câu vừa nêu ”thật chí tình, chí lý”!

II. Ý nghĩa của các chữ trong Lời Nguyện thứ nhất vừa nêu

A. Chữ CHÚNG CON

1. Hai chữ CHÚNG CON (chỉ có trong bản tiếng Việt) phù hợp với Lời Chúa Giêsu dạy CHÚNG TA thưa với CHA trên Trời và cũng biểu lộ Văn Hóa Lễ Độ của người Việt.

2. Hai chữ ấy cho thấy rằng các Cụ ngày xưa rất giỏi ngoại ngữ! Để tỏ lòng biết ơn các Cụ, tôi xin phân tích văn phạm (ngữ pháp) như sau:

3. Thể THỤ ĐỘNG (passive voice/form) được chuyển sang thể CHỦ ĐỘNG (active voice/form)!

Trong bản Latinh, Pháp, Anh, Đức…, lời nguyện này được dùng ở thể THỤ ĐỘNG: ”sanctificetur nomen tuum; hallowed be thy name; que ton nom soit sanctifié; geheiligt werde dein Name.”

Để thán phục các Cụ đã khéo tìm ra chữ CHÚNG CON, xin lấy câu tiếng Pháp có ba cách diễn nghĩa BỊ ĐỘNG (le sens passif) như sau:

a. Que Ton Nom soit sanctifié! (forme passive)

b. Que Ton Nom se sanctifie! (forme pronominale à sens passif: thể có đại từ với nghĩa thụ động)

c. Qu’on sanctifie Ton Nom! (forme active)

Dù ở THỂ KHÁC NHAU, cả ba cách đều có cùng một nghĩa! (1) Chính vì thế, các Cụ mới chọn cách c để dịch chữ ON (do chữ Latinh HOMO: ”người ta” là ”thiên hạ”) thành chữ CHÚNG CON hầu nghe cho đậm đà TÌNH PHỤ TỬ!!!

B. Chữ NGUYỆN

Các Cụ dùng chữ NGUYỆN là do ”subiunctivus, subjunctive, subjonctif, Konjunctiv” (2) của các tiếng đã nêu. Đó là thể CẦU KHẨN, ƯỚC MONG… Ví dụ: God bless you! Que Dieu vous bénisse! (Cầu xin Chúa chúc lành cho anh, chị, quý vị….QUE không phải là liên từ, lại được dùng trong câu ƯỚC NGUYỆN vì ngữ nguyên các từ vừa nêu có nghĩa là ”tùy thuộc, phụ thêm (subjoin), kết hợp với (kon+ junctive: join with” người cầu xin hay ước mong.)

C. Chữ CHA

Các Cụ dịch ”sỡ hữu từ” THY / YOUR, TUUM, TON / VOTRE, DEIN thành CHA, tức là Danh CỦA CHA. Đây cũng là nét Văn Hóa đặc thù của người Việt!

D. Chữ CẢ SÁNG

1. Chữ CẢ

Ấy là trạng từ (adverb) bổ nghĩa chữ SÁNG. Đó là từ để chỉ BẬC CAO NHẤT như CẢ ăn, CẢ tiêu, CẢ ghen, CẢ tin. Dịch chữ này sang tiếng Anh, Pháp là: ”to a great degree, totally, highly, wholly, completely; au plus haut degré, totalement, entièrement, complètement.” (Chữ CẢ trong ”thợ CẢ, biển CẢ, anh CẢ” là tính từ: adjective.)

2. Chữ SÁNG

Các Cụ dịch chữ ”sanctificetur; hallowed; sanctifié; geheiligt” thành SÁNG là quá hay như lời NGUYỆN trong Cựu Ước: ”DANH của NGÀI là CHÚA. Xin Ngài bẻ gãy sức mạnh của chúng bằng Quyền Năng của Ngài và vô hư hóa sức lực của chúng trong oai nộ của Ngài. Vì chúng hầm hè phạm đến Thánh Điện của Ngài, làm ô uế Lều Trướng là nơi THÁNH DANH Vinh Quang của Ngài Ở…” (Giuđita 9,8) Không những chỉ tôn vinh THÁNH DANH CHÚA, mà còn phải CA TỤNG NGÀY của CHÚA như sau: “Xin ông đừng giết họ như thể ông là thú hoang và người dã man, nhưng hãy tôn vinh NGÀY mà ĐẤNG nhìn thấu suốt (quan phòng) cả thế giới, đã THÁNH HÓA và quý trọng (Ngày Ấy hơn những ngày khác)… Chính Chúa hằng sống, CHÚA CẢ trên Trời, đã truyền phải giữ NGÀY HƯU LỄ (Sabbat).” (II Macabê 15, 2-4)

Kinh CHÚC TỤNG CHÚA trong Thánh Lễ dùng tới ba lần chữ SANCTUS và câu ”Pleni sunt caeli et terra GLORIA TUA.” (Trời và Đất đầy VINH QUANG CHÚA.) Cho nên, các Cụ dịch ”chữ ngoại” thành CẢ SÁNG là vì, theo văn mạch, động từ SANCTIFIER có nghĩa là honorer, respecter, louer, glorifier: TÔN KÍNH, KÍNH TRỌNG, CHÚC TỤNG, TÔN VINH, chứ KHÔNG phải Thánh Hóa!!! Sách Giáo Lý số 2807 viết: ”Cầu xin Ngài cho Danh Ngài CẢ SÁNG cũng có nghĩa rằng, theo ý nhân từ của Ngài từ trước, chúng ta phải sống THÁNH thiện và hoàn hảo trong Tình Yêu và trước mặt Ngài.” Thật vậy, Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: ”Để mọi người nhìn thấy việc các con làm mà NGỢI KHEN CHA trên Trời.” Các Cụ cũng tránh chữ ”ĐƯỢC (Hiển) Thánh, ĐƯỢC Vinh Hiển” bởi vì chính CHÚA và một mình CHÚA là THÁNH như lời tuyên xưng trong Kinh VINH DANH: ”Chỉ có Chúa là Đấng THÁNH. Chỉ có Chúa là CHÚA. Chỉ có Chúa là ĐẤNG TỐI CAO…” (TU SOLUS SANCTUS. TU SOLUS DOMINUS. TU SOLUS ALTISSIMUS….) Vả lại, chữ ĐƯỢC (như vừa nói) dễ gây NGỘ nhận là CHƯA ĐƯỢC!

D. Lời kết

Tóm lại, câu ”CHÚNG CON NGUYỆN DANH CHA CẢ SÁNG!” có nghĩa là chúng con tha thiết nài xin Chúa thương, cho MỌI NGƯỜI ở khắp MỌI NƠI, MỌI THỜI mở mắt, tai, mũi, miệng, lưỡi, lòng trí để nhận biết CHÚA là ĐẤNG phải TÔN THỜ và TÔN VINH như người Việt mình thường nói: ”Đầu ĐỘI TRỜI. Chân đạp đất.” Ước gì được như vậy, lạy THIÊN CHÚA là ĐẤNG THÁNH như Lời Chúa trong Tin Mừng theo Thánh Luca 1, 35: ”Vì thế, Trẻ sắp sinh sẽ được gọi là THÁNH.”, như lời tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: ”Cũng được phụng thờ và tôn vinh: simul adoratur et conglorificatur” và như lời Kinh ”Nhân Danh Cha và Con và THÁNH Thần. Amen.” bởi vì Ba Ngôi đồng Bản Tính (3), cho nên chỉ có Một Chúa mà thôi!

* * *

Đức Quốc, ngày 16.9.2011

Đaminh Phan văn Phước

Ghi chú

1. Xin lấy ví dụ khác: Câu ”Cá bán ngoài chợ.” bằng tiếng Pháp như sau:
a. Les poissons sont vendus au marché. (fome passive)

b. Les poissons se vendent au marché.  (forme pronominale à sens passif)

c. On vend les poissons au marché.       (forme active)

Động từ ở cách b được gọi là thể có đại từ (se) với nghĩa THỤ động. Đó không phải là thể tự phản (forme pronominale réfléchie)! Cá không thể TỰ bán nó, mà do con người! Cho nên, đại từ SE không có ”nhiệm vụ văn phạm” trong câu bởi vì nó làm một với động từ. (Car SE fait corps avec le verbe / fait partie du verbe.) Chẳng hạn: Elle s’est appelée Hélène. (Cô ta được gọi / tên là Hélène.) Chữ ”appelée” ở giống cái là do nó hiệp với chủ từ Elle; còn Hélène là attribut (subjective complement), tức là của Elle, chứ không phải của chữ s’. Tiếng Anh không có THỂ ấy.

2. Subjunctive ”bless” thay vì ”blesses” là Indicative; Subjonctif ”bénisse” thay vì ”bénit” là Indicatif; Konjunctiv ”werde” thay vì ”wird” là Indikativ. (Thể khẳng định)

3. Bài khác sẽ viết về câu: ”Cha Ta lớn hơn Ta.”

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *