Giáo Hạt Cà Mau

Một số chủ đề thần học trong sách Công vụ Tông đồ

Sách Công vụ Tông đồ là cuốn thứ năm trong Tân Ước. Theo truyền thống Kitô giáo, tác phẩm này là của thánh Luca. Sách Công vụ Tông đồ tiếp nối trình thuật Tin Mừng Luca, trình bày lịch sử Giáo hội từ lúc Chúa lên trời và biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống cho đến khi thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng tại Rôma.

Mục đích sách Công vụ Tông đồ nêu rõ là tiếp tục tường thuật những biến cố sách Tin Mừng Luca đã dừng lại, để trình bày cho chúng ta những biến cố xảy ra từ giai đoạn sau khi Chúa Giêsu “được rước lên trời” (Cv 1, 2). Nhưng cuốn sách không chỉ đơn giản kể lại những bước tiến của lịch sử thuần túy qua những chặng đường khác nhau. Qua những biến cố lịch sử trải rộng trong cuốn sách từ những chương đầu tiên cho đến chương cuối, tác giả muốn trình bày cho chúng ta rất nhiều nội dung giáo lí sâu xa: Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Giáo hội, vai trò của thánh Phêrô và thánh Phaolô, việc thành lập Giáo hội, Nước Trời trong kỉ nguyên mới, những thách đố của việc loan báo  Tin Mừng…

Một vài ghi nhận vắn tắt dưới đây có thể giúp chúng ta chú tâm hơn trong việc lắng nghe Lời Chúa qua các bài đọc thánh lễ mùa Phục Sinh, và để sống Lời Chúa trong hoàn cảnh cụ thể mỗi ngày.

1.Chúa Thánh Thần

Hoạt động của Chúa Thánh Thần nổi bật trong sách Công vụ Tông đồ đến nỗi nhiều nhà chú giải cho rằng cuốn sách nên có tựa đề là Công vụ của Chúa Thánh Thần chứ không phải là Công vụ các Tông đồ. Chúa Thánh Thần làm cho Giáo hội luôn tràn đầy sức sống mới của Chúa Phục Sinh, hướng dẫn cộng đoàn Giáo hội tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu vượt qua mọi hoàn cảnh (Cv 1, 8, 2,1-4). Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu. Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện, chẳng hạn như chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ và cho người chết sống lại. Mọi người được đầy tràn Chúa Thánh Thần, thúc đẩy họ rao giảng Tin Mừng một cách mạnh dạn, họ nói được các tiếng lạ và nói tiên tri. Xuyên suốt tác phẩm, tác giả cũng cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong việc hướng dẫn các tông đồ là những người lãnh đạo Giáo hội mới phôi thai (Cv 2,1-13; 5,12-16; và 8,26-40). Chúa Thánh Thần làm trổ sinh những thành quả đáng kinh ngạc trong công cuộc loan báo Tin mừng trên khắp thế giới La Mã và sự phát triển Giáo hội tại các thành phố của đế chế (x. Cv 2,41, 47; 4,4, 31; 6,7; 13, 2; 15,8,28; 16,6-10; 20,23).

2.Vai trò của thánh Phêrô và thánh Phaolô

Tên gọi Công vụ Tông đồ dành cho cuốn sách đã xuất hiện sớm nhất vào thế kỷ thứ hai A.D., nhưng tác phẩm lại chỉ tập trung chủ yếu vào hai vị tông đồ chính: Phêrô và Phaolô. Trên thực tế, toàn bộ cuốn sách có thể được chia thành hai phần chính: phần đầu là sự lãnh đạo của ông Phêrô (các chương 1-12) và phần thứ hai là các hoạt động của Phaolô (các chương 13-28). Một mặt, cuốn sách giả định không ai nghi ngờ ông Phêro là người lãnh đạo cộng đoàn Giáo hội đầu tiên; mặt khác, tác giả muốn dẫn chứng, qua cách sắp đặt các phần song song về cấu trúc của sách, cho chúng ta thấy ông Phaolô cũng có thẩm quyền tông đồ. Chẳng hạn, cả Phêrô và Phaolô đều giảng những bài giảng đầu tiên về sự hoàn thành giao ước Chúa đã kí kết với vua Đavít (Cv 2,22-36; 13,26- 41). Cả hai đều chữa lành những người đàn ông bị què (Cv 3,1-10; 14,8-10). Cả hai đều ban Thánh Thần bằng cách đặt tay (Cv 8,14-17; 19,6). Cả hai đều đối đầu với các pháp sư (Cv 8,18-24; 13,6-11). Cả hai đều làm cho người chết sống lại (Cv 9,36-41; 20,9-12). Cả hai đều được tôn phong như những vị thần nhưng đều từ chối chấp nhận sự tôn thờ chỉ dành cho Thiên Chúa (Cv 10,25-26; 14,11-15). Cả hai đều được giải thoát một cách kỳ diệu khỏi nhà tù (Cv 12,6-11; 16,25-34). Với những điểm tương đồng song song này, Luca muốn cho thấy lí do mạnh mẽ để xác nhận chức vụ tông đồ của Phaolô.

Luca đã nhận thức được (trong tư cách là người đồng hành với vị tông đồ dân ngoại, Cv 16,10) rằng có những người đã bác bỏ tuyên bố của Phaolô là tông đồ của Chúa Giêsu (x. 2 Cr 11,4-6; 12,11; Gl 6,12). Do vậy, qua cuốn sách này Luca muốn đưa ra những câu trả lời thật nhẹ nhàng cho những người đó. Luca đã không để lại bất cứ vấn nạn nào trong suy nghĩ của độc giả rằng Phaolô đã được Chúa gọi làm tông đồ và sai đi làm sứ giả để báo Tin Mừng (Cv 9,1-19; 22,3-16; 26,2-18) cho mọi dân tộc.

3. Một Giáo hội phổ quát

Trong khoảng thời gian ba mươi năm các biến cố sách Công vụ trải rộng, Giáo hội đã lan rộng từ Palestine đến Italia. Thành quả truyền giáo to lớn này tạo được là nhờ ba hành trình truyền giáo của Phaolô: Síp và Tiểu Á (Cv 13,1-14,28); Tiểu Á, Hy Lạp và Êphêsô (Cv 15,36-18,22); và Êphêsô và bờ biển phía tây Tiểu Á (Cv 18,23-21,15).

Nhưng Tin mừng lan truyền nhanh chóng đã đặt ra những vấn đề quan trọng: Những người tin theo Chúa Kitô có cần phải cải đạo sang Do Thái giáo không? Những người dân ngoại trở lại có cần phải được cắt bì và thực hành toàn bộ luật Môsê, bao gồm tất cả những nghi thức dành riêng cho Giao ước cũ không? Những câu hỏi này xuất hiện gần như ở phần giữa sách Công vụ Tông đồ. Tại Công đồng Giêrusalem, các tông đồ, do ông Phêrô đứng đầu, tuyên bố rằng Giáo hội cần phải mở cửa cho tất cả mọi người. Giáo hội không thuộc về riêng một dân tộc nào nhưng là một Giáo hội phổ quát.

Xuyên suốt Công vụ chúng ta thấy quyết định này được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên, người “được đầy ơn Thánh Thần” (Cv 7,55), đã tuyên bố rằng Luật pháp và Đền thờ đều được miễn trừ khi Chúa Cứu Thế đến. Qua thị kiến trên sân thượng ông Phêrô tuyên bố các thức ăn đều thanh sạch (Cv 10,9-17). Chúa Thánh Thần đã dẫn đưa ông Phêrô đến nhà ông Cornêliô, một người ngoại, và chính Chúa Thánh Thần đã đến với dân ngoại tại nhà ông Cornêliô, trước khi ông Phêrô quyết định rửa tội cho họ (Cv 10,44-48; 11,15-16). Do đó, việc thực hành các nghi thức riêng của Do Thái giáo được đặt sang một bên trong Giao ước mới, bởi vì nó không còn phục vụ cho mục đích ban đầu là tách Israel thành một dân riêng, khác biệt với dân ngoại.

4. Nước Trời trong kỉ nguyên mới

Luca trình bày Giáo hội phổ quát, không phải là một ý tưởng mới mẻ, mà đó là sự hoàn thành giao ước Chúa đã kí kết với Đavít. Giáo hội là sự thành toàn lời đã hứa với Đavít về một vương quốc vững bền, và đó cũng là Nước Thiên Chúa diễn ra trong lịch sử.

Khi bắt đầu sách Công vụ, các tông đồ hỏi Chúa Phục Sinh: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1,6). Ở đây các ông dường như vẫn đang nghĩ về một vương quốc mang mầu sắc chính trị. Nhưng với sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phêrô đã có thể hiểu được lời Chúa, và ông cũng giải thích cho dân chúng hiểu về ý nghĩa của  những lời đã hứa với nhà Đavít, vốn chỉ được thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô mà thôi (Cv 2,25-36). Ông Phaolô cũng đưa ra lập luận tương tự trong bài giảng đầu tiên của mình (Cv 13,34-37). Và khi Giacôbê tóm kết quyết nghị của Công đồng Giêrusalem, ông đã nhắc đến những lời của các vị tiên tri đã báo trước rằng vương quốc Đavít sẽ được phục hồi: “Những người còn lại và tất cả các dân ngoại được mang danh Ta sẽ tìm kiếm Chúa” (Cv 15,17).

5. Giáo hội bị Bách hại

Trong Công vụ, chúng ta thấy Giáo hội non trẻ đã phải trải qua thời kỳ bách hại và đau khổ dữ dội. Các Tông đồ bị các nhà chức trách tôn giáo đe dọa và đánh đập (Cv 5,17-42). Nhiều Kitô hữu bị cầm tù vì đức tin của mình (Cv 8, 3). Stêphanô bị giết vì lòng trung thành rao giảng Tin Mừng (Cv 7,54-60). Ông Giacôbê bị giết vì vua Hêrôđê dành sự ưu ái chính trị cho người Do Thái (Cv 12, 3). Chúng ta đặc biệt có thể thấy rõ chủ đề đau khổ khi theo dõi cuộc đời của Phaolô. Ngài đã bị đánh đập, bỏ mặc cho đến chết, bị bắt nhiều lần và bị đánh đòn tàn bạo. Bảy chương cuối của sách Công vụ Tông đồ được dành cho việc giam cầm và xét xử Phaolô vì đức tin của ngài vào Chúa Giêsu. Nhưng đằng sau tất cả những đau khổ này là sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài có thể dùng chính những cuộc bách hại này để thúc đẩy chương trình của Ngài: Chính sau biến cố Stêphanô tử đạo mà Tin Mừng đã lan truyền đến miền Samari và Êthiôpia (Cv 8). Việc giam cầm Phaolô đã tạo cơ hội cho ngài giảng cho các quản ngục, thống đốc và các vị vua (Cv 16,25-34; 24,1-27; 26,1-32). Và chính sự giam cầm bất hợp pháp đã đưa ngài đến tận Rôma để rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa (Cv 28,11-31).

6. Lịch sử

Khi đọc Công vụ Tông đồ chúng ta nhìn nhận Luca đã có những diễn giải sâu sắc về lịch sử, nhưng chúng ta không nên quên rằng ý định của ngài là viết lịch sử đích thực. Ngài diễn giải các sự kiện, nhưng cũng ghi lại chúng một cách chính xác và với những quan sát bén nhạy. Công vụ Tông đồ vô cùng quý giá đối với chúng ta, được coi như là một hồ sơ về giai đoạn khởi đầu của Kitô giáo. Đối với nhiều sự kiện, đó là nguồn duy nhất mà chúng ta có thể có được. Tuy nhiên có thể trong những nội dung nào đó, khi những cứ liệu này giao thoa với các ghi nhận lịch sử khác hiện có, thì chúng ta lại càng có thể khẳng định rằng Luca là một nhà sử học chính xác khác thường, một người luôn chú tâm trình bày thẳng sự thật của mình. Kỹ năng mô tả của Luca hiện rõ ở khắp nơi: trong một vài nét ngắn, ngài cho chúng ta một bức chân dung sống động về thành Athen với những sinh hoạt và nét cổ kính của nó (Cv 17,16-33), rồi việc kể lại chuyện đắm tàu (chương 27) là một trong những đoạn văn sống động nhất, tiết lộ những chi tiết về việc di chuyển bằng kĩ thuật hàng hải mà chúng ta có được về thế giới cổ đại. Chúng ta càng biết nhiều về các thời đại từ các tài liệu khảo cổ học, thì càng thấy rằng Công vụ Tông đồ là một tài liệu đáng tin cậy về các sự kiện lịch sử trung thực.

***

Trên đây là một số chủ đề thần học mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy khi đọc sách Công vụ Tông đồ. Chắc chắn chúng ta có thể tìm hiểu những nội dung này kĩ hơn, rộng hơn trong các khảo luận chuyên môn. Nhưng một số ghi nhận vắn tắt trên đây cũng có thể giúp chúng ta chú tâm nhiều hơn khi lắng nghe Lời Chúa trong mùa Phục Sinh, và do đó cũng giúp chúng ta sống Lời Chúa sâu xa hơn trong hoàn cảnh xã hội hôm nay.

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *