Giáo Hạt Cà Mau

Một lối nhìn về Covid-19

Ai là người, có lẽ cũng ít nhất trộm nghĩ một lần về cách sống của mình sau đại dịch Covid-19.

Quả thật, trước đại dịch, mỗi chúng ta đã sống vô cảm và vô tâm với tha nhân, với người khác. Chúng ta tìm mọi cách để vun vén, chiếm đoạt, làm giàu cho chính mình, cho gia đình mình, cho đất nước mình bằng mọi cách thức, mọi thủ đoạn, ngay cả bán rẻ nhân phẩm, bán rẻ lương tâm và chà đạp tha nhân để đạt cho được mục đích đó. Chúng ta bon chen và ích kỷ với người khác để tích trữ cho chính mình. Chúng ta cứ ngỡ rằng đó mới là con đường hạnh phúc và bình an nhất. Vì chỉ có tiền đầy túi và sung túc mới đem lại đời sống hạnh phúc và thường tồn. Tuy nhiên, chúng ta đã nhầm. Nhầm thật rồi. Đại dịch Covid-19 đã trả lời cho chúng ta điều đó.

Sau gần 4 tháng sống trong tình trạng bị đại dịch Covid-19 ‘sát hại’ hay ‘giết chết’, lây nhiễm hay gây hoang mang, lo sợ, cả nhân loại đã bị ‘toang’ thật sự. Chúng ta thử thống kê một con số của cả thế giới và một số nước lớn mạnh khi đại dịch Covid-19 “thăm viếng”: đã hơn 200 quốc gia trên thế giới có sự “ hiện diện” của “nàng Co-vy”.

 
*Thế giới:
2.934.638 người mắc; 203.683 người tử vong, trong đó:- Hoa Kỳ: 960.896 người mắc; 54.256 người tử vong; Tây Ban Nha: 223.759 người mắc; 22.902 người tử vong; Italy: 195.351 người mắc;  26.384 người tử vong; Pháp: 161.488 người mắc; 22.614 người tử vong. (Cập nhật lúc 06h00, ngày 27-4-2020).

Sai lầm của con người dẫn đến cái mất mát và cái “chết”:

Nhìn con số người mắc bệnh và tử vong, chúng ta có suy nghĩ gì không? Nhìn vào các quốc gia được xem là cường quốc của nhân loại về mọi mặt, mà sao số người nhiễm bệnh và tử vong cao vậy? Sao họ không dùng cái tiền họ có, cái thông minh của con người, cái khoa học họ sở hữu để ngăn cản, để xua trừ ‘nàng Cô-vy’ không cho xâm nhập vào đất nước của mình? Họ hô hào mạnh lắm cơ mà. Họ uy lực lắm cơ mà. Họ giàu có lắm cơ mà. Sao lại để cái ‘nàng Cô-vy’ bé tỉ teo chui lọt vào đất nước mình và làm thiệt hại về sinh mạng cũng như về mọi mặt. Nó ‘nhỏ bé’ sao nó làm được nhiều điều ‘mạnh mẽ’ như thế? Không ai hiểu được phải không? Nhưng buộc mọi người cũng phải hiểu thôi.

Thánh Vịnh 8 nhấn mạnh đến sự ‘lớn’ của con người chúng ta:

“thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân:
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.” (TV 8, 5-9).

Quả thật, chính Thiên Chúa đã sáng tạo con người giống hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài đặt để trong con người một sự tự do để giúp con người biết dùng tự do hầu giúp con người sống hạnh phúc và tìm đến Chân – Thiện – Mỹ. Chúa cho con người làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo qua sự tự do của chính mình. Tuy nhiên, cũng chính vì sự tự do đó, thay vì tự do làm theo ý của Thiên Chúa, của Thượng Đế, của Trời để tồn tại, để hạnh phúc thì con người đã đi ngược lại với ý Trời, với ý Thượng Đế, với Ý của Chúa. Đúng là “thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”! Vì để mưu ích cho lợi ích cá nhân, cho đế chế, cho ý thức hệ của mình, con người đã dùng mọi thủ đoạn ác độc nhất để làm hại người khác và thanh trừng lẫn nhau. Không những vậy, thay vì tìm cách bảo vệ thiên nhiên, con người chúng ta lại làm hại và phá huỷ thiên nhiên bằng mọi cách. Chúng ta quên mất rằng thiên nhiên là anh chị em sinh đôi với chúng ta trong gia đình vũ trụ mà chính Thiên Chúa đã sáng tạo nên. (ý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô). Trong Thông Điệp Laudatosi số 1&2, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh: “1. Thánh Phanxicô thành Assisi đã hát lên: “Con xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con”. Trong bài thánh ca tươi đẹp này, ngài nhắc cho chúng ta nhớ, ngôi nhà chung của chúng ta phải được xem như người chị của chúng ta, mà chúng ta được chia sẻ cuộc sống, và như người mẹ ôm lấy chúng ta. “Con xin chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con! Vì người chị của chúng con, người mẹ trái đất của chúng con, mẹ nâng đỡ chúng con và mang lại nhiều hoa trái, những bông hoa tươi đẹp, những cây cỏ xanh tươi” [1]
 

2. Người chị này đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh ninh rằng, chúng ta chính là chủ nhân và sở hữu chủ, nên được quyền tận dụng. Bạo lực nằm trong trái tim bị tội lỗi gây thương tích của con người, xuất hiện rõ ràng qua các hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và nơi các sinh vật. Vì thế, giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, chúng ta sẽ thấy trái đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, “đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở” (Rm 8, 22). Chúng ta quên rằng, chính chúng ta cũng là tro bụi (St 2,7). Thân xác của chúng ta cũng được tạo nên từ những yếu tố của vũ trụ; không khí của nó giúp chúng ta thở và nước của nó giúp chúng ta sống và được bồi dưỡng.”

Vì thế, khi con người muốn thay ‘Trời’ làm ‘chúa’, làm bá chủ thì con người đã phải chịu nhiều thiệt hại mà chính mình gây nên hay tạo ra. Nhận chân điều này, để con người chúng ta biết khiêm tốn thú nhận cái sai lầm, cái bất cẩn của mình để thay đổi lại cái suy nghĩ, cái hành động và cung cách sống của mình. Hơn nữa, con người cần biết mình xuất phát từ đâu và sẽ đi về đâu để biết đón nhận sự hư vô của bản thân mình mà biết quy phục Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo muôn loài muôn vật. Con người phải biết rằng mình chỉ là dụng cụ, là người quản lý chứ không là chủ của mọi sự. Chỉ có Thiên Chúa mới là chủ mọi sự, là chủ vũ trụ này.

Trong cái ‘hoạ’ có cái ‘phúc’ – trong cái ‘rủi’có cái ‘may’!

Nhân loại vừa trải qua một thảm hoạ lớn về mọi sự sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy được tình người dành cho nhau thật lớn lao chưa từng thấy khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều tấm gương anh dũng đã sẵn sàng đứng tuyến đầu trong việc phục vụ các bệnh nhân bị nhiễm bệnh ví dụ như là các Y Bác sĩ, các linh mục, các nữ tu, nhiều vị lãnh đạo các quốc gia, nhiều tình nguyện viên,… Quả thật, lòng nhân đã thấy rõ khi nhiều người sẵn sàng chết thay cho người khác khi nhường máy thở cho họ. Cụ thể như Linh mục Giuseppe Berardelli, 72 tuổi, ở Italia, qua đời hôm 15/3 sau khi từ chối sử dụng máy thở được giáo dân mua, nhường nó cho bệnh nhân trẻ tuổi hơn; hoặc bà Suzanne Hoylaerts, Bỉ, nói và sau đó ra đi vì Covid-19. “Hãy dành máy thở cho những bệnh nhân trẻ hơn. Tôi đã có một cuộc đời thật đẹp rồi”, …Nhiều ATM gạo – các nhu yếu phẩm từ thiện đã xuất hiện để đáp ứng kịp thời cho người nghèo trong mùa đại dịch. Tinh thần tương thân tương ái đã nổi cộm và phát triển theo ‘chiều nhân’ để nối kết tình người. “Nàng Cô-vy” đã xuất hiện và đã đến ‘thăm’ tất cả mọi người, mọi nước, không phân biệt giàu – nghèo, sang – hèn, quyền cao chức trọng, không phân biệt tôn giáo – sắc tộc,…Cũng vậy, lòng nhân và tình thương trong đại dịch đã vượt lên mọi không gian và thời gian, vượt lên mọi ngăn cách, vượt lên mọi kỳ thị, vượt lên mọi phân biệt để trao ban ân tình ân nghĩa và giúp đỡ nhau trong lúc gian nan đau thương. Đúng là tình yêu đã lên ngôi. Tình thương mến thương đã lan toả – đã bùng sáng mà bấy lâu nay nó có thể đang “ngủ” yên mà chưa bị đánh thức. Đại dịch Covid-19 là một đại hoạ không ai muốn, nhưng nó cũng “đánh thức” lòng người dậy để từ nay con người biết quan tâm lẫn nhau, sống cho người khác, sống vì người khác thay vì sống vô tâm – ích kỷ. Đúng là “niềm vui chia sẻ niềm vui nhân – nỗi buồn chia sẻ nỗi buồn vơi”! Quả thật, Cái “Hoạ” Covid-19 mang đến là chết chóc, là cách ly, là thiệt hại đủ mọi thành phần, nhưng nó đã trở nên cái “Phúc”, là trở thành ‘chiếc cầu nối kết’ thay vì là ‘bức tường ngăn cách’. Cái “Rủi” của ‘nàng Cô-vy’ mang đến không ai mong muốn, thì nó cũng đã gieo – đã tạo nên cái “May” cho con người, cho nhân loại. Cái “Rủi” là chết chóc, là nhiễm bệnh, là mất mát – thiệt hại nhiều mặt: kinh tế, văn hoá,  giao thương, hội họp, lễ nghi tôn giáo,…nhưng nó cũng đổi lại cho con người cái “May” của sự ngưng chiến tranh, dẹp bỏ mọi định kiến-thành kiến, mọi phân biệt tôn giáo, chính trị, sắc tộc,…để quan tâm – tương trợ lẫn nhau để cùng nhau tìm mọi phương thuốc hữu hiệu  ngăn chặn đại dịch Virus Co-ro-na này.  Cái “May” lớn nhất có thể nói ngay là qua đại dịch này, con người sẽ ch nhận một điều rằng là con người chỉ là công cụ, là phươnấpg tiện mà Thiên Chúa dùng để đắp xây trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại ngày càng xanh sạch đẹp không chỉ về mặt môi trường, nhưng về mặt nhân văn, tức là biết xây dựng nền văn minh tình thương, văn hoá sự sống thay vì tạo nên cho nhau nền văn hoá sự chết – văn minh huỷ hoại.

Tác giả, linh mục Paul Phạm

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *