Giáo Hạt Cà Mau

Nên thánh cho các thành viên Hội đồng Mục vụ Giáo xứ

NÊN THÁNH CHO CÁC THÀNH VIÊN
HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

(ĐỀ TÀI THÁNG 5-2020)

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tất cả những ai đã được lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy đều được gọi là tín hữu, tức là “người tin”. Giữa những người tín hữu lại có những bậc sống khác nhau như giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Tuy  khác nhau về bậc sống, tất cả đều là tín hữu Kitô. Khái niệm “Kitô hữu giáo dân” diễn tả những người đã được Thanh tẩy, mà không phải là giáo sĩ hay tu sĩ. Nhờ Bí tích Thanh tẩy, họ được ban ba thừa tác vụ: Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế. Nhờ ba chức năng này,  những người Kitô hữu giáo dân có vinh dự và trách nhiệm tham gia công cuộc xây dựng Giáo Hội và truyền giáo. Trong Tông huấn “Người Kitô hữu giáo dân” công bố năm 1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Sứ vụ cứu độ của Giáo Hội trong thế giới được thực hiện không những nhờ các thừa tác viên đã lãnh bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng còn nhờ tất cả mọi giáo dân: thực vậy, nhờ đã được chịu phép thánh tẩy và nhờ ơn gọi chuyên biệt của mình, các giáo dân, mỗi người theo mức độ của mình, tham dự vào chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả của Đức Kitô” (số 6)

Từ rất sớm, tại Giáo Hội Việt Nam, hình thức “Ban Hành giáo” hay “Mục vụ Hội đồng Giáo xứ” đã được thiết lập. Trong những năm tháng khó khăn của Giáo Hội miền Bắc, hình thức tổ chức này đã có công duy trì đời sống đức tin, bảo tồn truyền thống đạo đức bình dân, gìn giữ những di sản tinh thần và vật chất của các cộng đoàn giáo xứ. Đã có những thành viên Hội đồng Mục vụ Giáo xứ can trường chấp nhận nhiều hy sinh, thậm chí bị giam cầm hoặc chết trong tù, chỉ vì tham gia công việc Giáo Hội. Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, những tâm hồn quảng đại tham gia công việc chung, nhằm mở mang Nước Chúa và xây dựng các cộng đoàn Đức tin.

Năm 2019, Tổng Giáo phận Hà Nội ban hành “Quy chế  Hội đồng Mục vụ Giáo xứ”, với mục đích thống nhất tổ chức, danh xưng cũng như những hoạt động của các Hội đồng Mục vụ tại các địa phương, cộng tác hữu hiệu hơn trong việc điều hành cộng đoàn.

Tham gia Hội đồng Mục vụ Giáo xứ là một vinh dự và trách nhiệm. Tuy vậy, cũng như bất cứ tổ chức nào, những thành viên của HĐMV Giáo xứ cần được huấn luyện để có những kiến thức cơ bản. Hơn nữa, họ phải là những người có uy tín trong gia đình và ngoài xã hội. Vì tham dự và cộng tác thi hành những công việc liên quan đến Phụng vụ thánh, thành viên của HĐMV Giáo xứ cũng cần có tư cách xứng đáng, thể hiện sự nghiêm trang và thánh thiện trong khi thi hành bổn phận.

1. Ơn gọi của người tín hữu giáo dân

a. Đồng hình đồng dạng với Đức Kitô

Thánh Phaolô nói với chúng ta: khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, chúng ta được dìm mình trong sự chết của Đức Giêsu và được phục sinh với Người, nhờ đó chúng ta trở thành con người mới. Con người cũ trong chúng ta đã chết đi và chúng ta được mặc lấy Đức Kitô Phục sinh. Trong thư gửi giáo dân Rôma, Thánh Phaolô khẳng định: nhờ Bí tích Thanh tẩy, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, tức là nên giống như Chúa Giêsu mọi đàng (x. Rm 8,29). Tông huấn “Người Kitô hữu giáo dân” nêu rõ: “Khi nhìn nhận và trao phó cho giáo dân các tác vụ, chức vụ và nhiệm vụ, trước hết, các vị chủ chăn cần đặc biệt lưu ý dạy cho họ hiểu rằng các công việc ấy bắt nguồn từ Bí tích Thánh tẩy” (số 6).

Cuộc sống hôm nay còn nhiều khó khăn, bon chen và tội lỗi, nên hình ảnh Đức Giêsu nơi cuộc đời chúng ta bị biến dạng hoặc che phủ. Mỗi khi con người cố gắng đoạn tuyệt với tội lỗi để sống thánh thiện, thì hình ảnh Đức Kitô lại tỏa rạng nơi cuộc đời.

b. Ba chức năng: Bí tích Thánh Tẩy trao cho mỗi người chúng ta ba chức năng: Ngôn sứ, Tư tế, Vương đế.

– Chức năng Ngôn sứ: trong Cựu ước, Chúa sai các ngôn sứ (còn gọi là các tiên tri) rao giảng để chuyển tải sứ điệp của Chúa. Nội dung sứ điệp có thể là lời khen ngợi, lời động viên, lời cảnh báo, nhưng cũng có thể là lời trách móc, lên án hay báo trước những hình phạt. Người Kitô hữu thực hành chức năng ngôn sứ khi chuyên cần đọc và suy niệm Lời Chúa, rồi rao giảng Lời Chúa cho những người khác, nhất là áp dụng Lời Chúa nơi chính cuộc sống hằng ngày của mình.

– Chức năng Tư tế: Nhiệm vụ của các tư tế là lo việc phụng tự và giúp thánh hóa Dân Chúa. Nhờ chức năng này, người Kitô hữu lo thánh hóa bản thân, đồng thời cộng tác phần mình làm cho những người xung quanh nên thánh. Thánh Phaolô đã viết cho giáo dân Êphêsô: “Anh em hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,2).

– Chức năng Vương đế, còn gọi là chức năng Quản trị: Chức năng này giúp người tín chủ động tham gia các sinh hoạt của Giáo Hội địa phương. Là thành viên của HĐMV Giáo xứ là thi hành chức năng quản trị mà Bí tích Thanh tẩy trao cho. Nhờ sự cộng tác nhiệt thành của các thành viên HĐMV Giáo xứ, cộng đoàn đức tin phát triển và có ảnh hưởng tốt nơi môi trường xã hội xung quanh, kể cả nơi những người không cùng niềm tin tôn giáo với chúng ta.

c. Người giáo dân cần được đào tạo:

Người Kitô hữu nói chung phải được đào tạo để thăng tiến trong hành trình đức tin, nhờ đó, họ sống đức tin của mình với niềm xác tín. Những ai tham gia HĐMV Giáo xứ càng cần phải được huấn luyện để có thể tham gia cách hữu hiệu vào sứ vụ của Giáo Hội. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Các vị chủ chăn có bổn phận phải nhìn nhận và cổ võ các tác vụ, chức vụ và nhiệm vụ của giáo dân, những chức vụ và nhiệm vụ này đặt nền tảng trên bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, hơn nữa, đối với phần đông trong số họ, còn thêm bí tích Hôn Phối” (Tông huấn NKTHGD, số 6). Đào tạo người tín hữu là trách nhiệm trước hết của các Cha xứ. Công đồng Vaticanô II cũng nhắc nhở: “Để tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng và thánh hóa mọi người, giáo dân phải được đào tạo đặc biệt để có thể đối thoại với người khác, cả những người có đức tin cũng như những người không tin, để trình bày sứ điệp Chúa Kitô cho mọi người” (Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, số 31).

2. Giáo Hội tham gia

a. Cách hiểu sai lạc: Trước Công đồng Vaticanô II, tức là trước năm 1965, trong cái nhìn của mọi Kitô hữu, việc lãnh đạo Giáo Hội là quyền dành riêng cho các Linh mục, giáo dân chỉ có bổn phận đi lễ, lắng nghe và thực hành những gì mà các vị chủ chăn truyền dạy. Có nhiều người đã lạm dụng hình ảnh “con chiên” nhu mì, hiền lành, bảo sao nghe vậy để diễn tả thái độ của người giáo dân, tức là vâng lời, cam chịu. Do quan niệm sai lạc này, người giáo dân thường thụ động và dửng dưng với những sinh hoạt của Giáo Hội địa phương.

b. Giáo huấn của Giáo Hội: Công đồng Vatican II đã “đánh thức” người Kitô hữu khỏi lối suy nghĩ thụ động và lệch lạc nói trên. Sắc lệnh “Tông đồ giáo dân” đã khẳng định: “Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ. Trong một cơ thể sống động, không chi thể nào hoàn toàn thụ động, nhưng cùng tham dự vào đời sống và hoạt động của toàn thân, cũng thế, trong Nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo Hội, “mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình mà làm cho toàn thân được lớn mạnh” (số 2). Theo điều được trích dẫn trên đây, không một người giáo dân nào được phép sống thụ động, thờ ơ dửng dưng với những sinh hoạt của cộng đồng địa phương, nơi mình sinh sống. Như thế, khi thi hành bổn phận được Cha xứ và giáo dân trao phó, các thành viên HĐMV Giáo xứ vừa thi hành chức năng của Bí tích Thánh tẩy, vừa được ủy nhiệm do vị đại diện của Giáo Hội, để tham gia vào sự nghiệp chung là làm cho Giáo Hội địa phương lớn mạnh. Sự tham gia của người tín hữu còn là điều rất cần thiết và hiệu quả, như Sắc lệnh “Tông đồ giáo dân” đã nêu sau đây: “Trong những cộng đồng giáo hội, hoạt động của họ (người giáo dân) cần thiết đến nỗi nếu không có nó, chính hoạt động tông đồ của các chủ chăn thường không thể đạt được kết quả đầy đủ” (Số 10). “Giáo Hội tham gia” là một khái niệm được sử dụng nhiều lần trong Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu”, công bố năm 1999 do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

c. “Giáo sĩ hóa giáo dân?”: Hiện nay, tại Châu Âu, vì thiếu Linh mục nghiêm trọng, nên các vị Bản quyền địa phương đã trao cho các thành viên của HĐMV Giáo xứ quyền được chủ sự một số nghi thức phụng vụ được Giáo Luật cho phép, như nghi thức an táng, nghi thức rửa tội, chủ sự các buổi cầu nguyện… Nhiều người nghĩ rằng hiện tượng này sẽ dẫn tới tình trạng “giáo sĩ hóa giáo dân”. Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng đã thấy trước vấn đề, nên đã viết: “Tuy nhiên, việc thi hành một nhiệm vụ như thế không biến giáo dân thành một chủ chăn: thực ra, yếu tố cấu tạo tác vụ không phải do chính hoạt động nhưng là sự truyền chức thánh bí tích. Chỉ có bí tích Truyền Chức Thánh mới ban cho thừa tác viên được thụ phong được quyền tham dự đặc biệt vào chức vụ của Đức Kitô Thủ Lãnh và Mục Tử, cũng như vào chức tư tế vĩnh cửu của Ngài. Nhiệm vụ được thi hành với tư cách thay thế có được sự hợp pháp cách chính danh và trực tiếp khi được vị chủ chăn ủy nhiệm chính thức và, khi thi hành nhiệm vụ này cách cụ thể, người thay thế phải tuân theo sự điều khiển của quyền bính Giáo Hội” (Tông huấn NKTHGD, số 6). Những hướng dẫn này giúp chúng ta hiểu rõ hơn công việc được ủy quyền, đồng thời cũng nhắc nhở những ai được ủy quyền hãy khiêm tốn và làm việc dưới sự hướng dẫn trực tiếp của cha xứ, và theo chương trình mục vụ chung của Giáo phận.

3. Nên thánh đối với các thành viên HĐMV Giáo xứ

a. Đời sống đạo đức

Đời sống đạo đức ở đây được hiểu là tâm tình cầu nguyện, thực hành Đức tin và năng lãnh nhận các Bí tích. Đương nhiên, đây là điều cần thiết cho tất cả các tín hữu, vì những thực hành này nuôi dưỡng đời sống Đức tin và làm cho Đức tin được tỏa sáng. Tuy vậy, những thành viên của HĐMV Giáo xứ cần phải gương mẫu trong lãnh vực này. Câu ngạn ngữ dân gian thường nói: Gần chùa gọi Bụt bằng anh. Điều đó có nghĩa những người tiếp xúc thường xuyên với những sinh hoạt thiêng liêng, dễ mang tâm trạng coi thường và xảy ra những lạm dụng. Một người trước khi là thành viên của HĐMV Giáo xứ đã là một tín hữu. Tham gia công việc Giáo xứ chỉ nhất thời, nhưng ơn gọi Kitô hữu thì suốt đời. Vì thế, đời sống đạo đức rất cần thiết để việc tham gia HĐMV Giáo xứ có hiệu quả và đem lại những ảnh hưởng tốt nơi cộng đoàn tín hữu.

b. Tinh thần siêu nhiên

Chúa Giêsu đã làm mọi sự vì vinh quang Chúa Cha và để thực hiện thánh ý của Chúa Cha. Vì thế, Người sẵn sàng chấp nhận đau khổ và thập giá. Tham gia HĐMV Giáo xứ là sứ mạng thuộc lãnh vực Đức tin, vì thế, cần có tinh thần siêu nhiên. Tinh thần siêu nhiên giúp chúng ta có nhận định chính xác về bản chất công việc được trao, đồng thời ý thức rằng những gì chúng ta làm không phải nhằm gây thanh thế cho mình, cũng không nhằm tới lợi lộc vật chất, nhưng góp phần xây dựng Giáo Hội và làm cho cộng đoàn Đức tin được thăng tiến. Tinh thần siêu nhiên cũng giúp cho các thành viên HĐMV Giáo xứ cộng tác chân thành với Cha xứ và những người khác, dễ dàng bỏ qua những bất đồng và sống cao thượng hơn. Tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng phe cánh tranh giành chia rẽ theo dòng họ. Tình trạng này để lại những hậu quả rất nghiêm trọng, làm mất đi tình hiệp thông trong Giáo Hội và cản trở công cuộc truyền giáo. Người có tinh thần siêu nhiên nhắm tới vinh quang Thiên Chúa và ích lợi của Giáo Hội là chính, với ý thức Thiên Chúa đang hiện diện giữa cộng đoàn. Thiếu tinh thần siêu nhiên, cộng đoàn địa phương sẽ bị biến thành một tổ chức ngoài đời, lộn xộn và mất phương hướng.

c. Tinh thần trách nhiệm

Thành viên của HĐMV Giáo xứ là những cộng tác viên của Cha xứ, cùng với Cha xứ làm việc tông đồ. Công việc được trao rất đa dạng: kiến thiết, bác ái, dạy giáo lý, phụng vụ, quản lý tài chính, giao thiệp với chính quyền và người lương dân. Công việc nào cũng quan trọng, vì đều là dịp để chúng ta xây dựng Giáo Hội cũng như để trình bày hình ảnh về Giáo Hội hiệp thông. Vì vậy, những người được trao nhiệm vụ phải có tinh thần trách nhiệm, đồng thời phải luôn ý thức rằng, những việc mình làm, tốt hay xấu, đều có ảnh hưởng rất lớn để cộng đoàn, vì chúng ta làm việc nhân danh tập thể, chứ không nhân danh cá nhân. Người làm việc thiếu trách nhiệm sẽ đưa đẩy công việc khó khăn cho người khác, đồng thời không dám nhận hậu quả do những sai sót mình đã phạm. Thiếu trách nhiệm sẽ gây nên tình trạng hỗn loạn trong giáo xứ, hoặc hiện tượng chây ỳ, làm cho đời sống giáo xứ bị đóng băng, không có sức sống và không phát triển.

4Linh Đạo cho Hội đồng Mục vụ Giáo xứ

Linh Đạo có nghĩa là “con đường thiêng liêng” dẫn chúng ta gặp gỡ Chúa và sống kết hiệp mật thiết với Ngài. Mối tương quan này chi phối đời sống và hành động của chúng ta, giúp chúng ta càng ngày càng tiến sâu trong hành trình nên thánh. Dưới đây là năm yếu tố thiết yếu cho Linh Đạo Hội đồng Mục vụ:

– Cầu nguyện (kinh nghiệm gặp gỡ Chúa)

– Chia sẻ (Lời Chúa hướng dẫn)

– Khiêm tốn đón nhận những thất bại (sám hối)

– Cần có lòng thương xót (sống kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa)

– Tha thứ và hòa giải (sống Mầu Nhiệm Thánh Thể)

a. Cầu nguyện

Giáo Dân trong Giáo Xứ sống giữa những khó khăn và thử thách. Họ phải đối diện với những thử thách trong gia đình, nơi khu phố, cũng như nơi cơ quan xí nghiệp. Do đó, không phải là giúp Giáo Dân ra khỏi những thách đố hằng ngày nhưng làm sao để Kitô hữu dấn thân Phúc Âm Hóa môi trường họ đang sống tại tư gia hay nơi công cộng. Để thực hiện điều này cần thái độ suy tư cầu nguyện. Các thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ quan tâm đến đời sống cầu nguyện họ làm chứng nhân cho giáo dân những người đang đói khát và tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa giữa những khó khăn thử thách. Nhờ những giây phút lắng đọng trong cầu nguyện, họ được nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn và giữa cộng đoàn.

b. Chia Sẻ

Một trong những yếu tố căn bản giúp cho nỗ lực tông đồ hiệp thông với nhau thành công là khả năng chia sẻ đức tin. Chia sẻ đức tin với nhau dẫn đến niềm xác tín nơi mỗi người: Thiên Chúa là ai đối với tôi? Sự hiện diện của Thiên Chúa đã tác động lên đời sống của tôi như thế nào? Chia sẻ đức tin giúp các thành viên trong hội đồng mục vụ nuôi dưỡng việc phát triển Giáo xứ như một cộng đoàn phục vụ. Hồng Y Avery Dulles nhận xét: một cộng đoàn phục vụ là một cộng đoàn người môn đệ. Nếu Hội đồng Mục vụ muốn trở thành một cộng đoàn phục vụ, việc chia sẻ đức tin là điều không thể thiếu. Kinh nghiệm chia sẻ đức tin giúp xây dựng và củng cố sự tin tưởng, thân tình, hiểu biết, chấp nhận, tôn trọng, và gắn bó với nhau. Đây là những điều kiện làm gia tăng chiều kích hiệp thông trong Hội đồng Mục vụ.

c. Khiêm tốn đón nhận những thất bại

Có những người luôn đòi hỏi sự hoàn hảo, họ không chấp nhận những giới hạn của phận người, và cũng không có chỗ cho hoạt động của Thánh Thần. Đối với họ thành công là tiêu chuẩn cao nhất để lượng định một kế hoạch mục vụ. Nhận thức này dễ dẫn đến một nền văn hóa cạnh tranh. Chân phước Têrêsa Calcutta đã khẳng định: “chúng ta không được kêu gọi để thành công, chúng ta được kêu gọi để trung thành”. Thánh Phanxicô de Sales dạy: “hãy đứng lên sau những lần vấp ngã thì hài lòng Thiên Chúa hơn là những người không bao giờ vấp ngã”.

Thánh Phaolô đã viết về những thất bại của riêng ngài: “sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19). Đời sống của thánh Phaolô chứng minh rằng, khi sẵn sàng chấp nhận những thất bại với mong muốn xây dựng bản thân dựa trên ơn sủng của Thiên Chúa sẽ dẫn đến thăng tiến trong đời sống thiêng liêng.

d. Cần có lòng thương xót

Trở thành thành viên trong Hội đồng Mục vụ là lãnh nhận một tác vụ (ministry) chính thức được Giám mục trao qua Linh mục chính xứ. Điều cốt lõi của Linh Đạo thi hành tác vụ là có lòng thương xót anh chị em. Linh Đạo và Tác Vụ hội tụ trong những hành động của lòng thương xót. Sống lòng thương xót là một trong những tiêu chuẩn nhận biết một người đang lớn lên trong đời sống thiêng liêng.

Có một mối quan hệ hỗ tương giữa lòng thương xót và sự thánh thiện. Chính lòng thương xót diễn tả sự thánh thiện, vì hoa trái của sự thánh thiện được thể hiện qua hành động thương xót. Lòng thương xót không chỉ là những thông tin, cảm nghĩ về nỗi đau khổ của người khác nhưng là ra khỏi chính mình để đi đến với người anh em để làm nhẹ bớt nỗi đau khổ của họ. Đức Phanxicô gọi đó là nền văn hóa gặp gỡ. Trong một xã hội đề cao kỹ thuật, những giá trị nhân văn bị xem nhẹ, thờ ơ lãnh đạm. Sự đồng cảm trong tương quan với nhau là một nhu cầu sâu xa nơi cuộc sống con người.

e. Tha thứ và hòa giải

Một trong những trở ngại chính cho việc tha thứ trong cộng đoàn Giáo xứ là thiếu vắng những mẫu gương sống tha thứ. Vì thế các thành viên trong Hội đồng Mục vụ phải là những người sống linh đạo tha thứ trước hết.

Căng thẳng, giận dữ, và xung đột là điều không thể tránh trong bất cứ cộng đoàn Kitô hữu nào. Đó cũng là những gì diễn ra trong những ngày đầu Kitô giáo cho đến ngày nay, nhưng cùng với đó là sự hiện diện của tha thứ và hòa giải.

Có một sự khác biệt giữa tha thứ và hòa giải. Tha thứ là hành động của ý muốn. Mỗi người đều làm chủ quyết định có hay không họ muốn tha thứ. Hòa giải đòi hỏi lời đáp trả từ phía người kia. Mọi người đều được mời gọi nỗ lực hòa giải. Nhưng không một ai có quyền áp đặt hòa giải khi người khác từ chối.

Tha thứ đem lại một sức mạnh to lớn để biến đổi cộng đoàn. Tuy nhiên tha thứ không phải là một điều dễ dàng thực hiện. Phản ứng tự nhiên của con người là khư khư giữ nắm giữ những bực bội, giận dữ và từ chối tha thứ. Để có thể thực hiện sự tha thứ cần sống tinh thần tự hủy của Chúa Kitô (x.Pl 2, 6-12).

Kết luận: Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi): “Càng có nhiều giáo dân được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng, có trách nhiệm về những thực tại này và minh nhiên dấn thân vào đó, có khả năng phát huy chúng và ý thức mình có bổn phận phát huy tất cả khả năng Kitô giáo của mình cho tới lúc đó thường bị chôn vùi và bóp nghẹt, thì những thực tại này càng góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa và Sự Cứu rỗi trong Đức Kitô” (số 70). Những gì được trình bày trên đây nhằm giúp các thành viên HĐMV Giáo xứ hiểu rõ hơn công việc mình đang thực hiện vì yêu mến Giáo Hội, do sự ủy nhiệm tin cậy của Cha xứ cũng như của cộng đoàn tín hữu. Hy vọng tháng nên thánh dành cho các thành viên HĐMV Giáo xứ sẽ giúp cho sức sống Đức tin và lòng nhiệt thành tông đồ được nuôi dưỡng, cổ võ và vươn cao.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *