Giáo Hạt Cà Mau

Giáo hội đồng hành với người trẻ

GIÁO HỘI ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ

Lm. Lê Văn La Vinh, OP.

1. Đạo bất viễn nhân

Câu nói này của người xưa nay được áp dụng thật đúng cho tâm tình và thái độ của Giáo hội Chúa Kitô trong thế giới hôm nay. Như chúng ta đều biết lịch sử là một tiến trình đi tới: Đi tới sự viên mãn, sự thành toàn… Và trong tiến trình này, Giáo hội Công giáo như là thành viên, như một người bạn đường đồng hành với nhân loại, đồng thời Giáo hội cũng hiện diện như một người hướng dẫn để dẫn đưa nhân loại đến bến đến bờ trong ngày chung cuộc của đất trời.

Trong hành trình này, Giáo hội Công giáo cùng chia sẻ, cùng thao thức cũng như góp phần bàn thảo và có những đề xuất, hướng dẫn để mang lại hạnh phúc và làm thăng tiến cuộc sống con người hôm nay. Bên cạnh đó – bằng nhiều hình thức – Giáo hội cũng lên tiếng để góp phần ngăn chặn, phòng ngừa những nguy cơ, những tác động phương hại đến cuộc sống an mạnh và hạnh phúc của nhân loại hôm nay.

Khái niệm “đạo bất viễn nhân” – một lần nữa – lại được làm sáng tỏ nơi Giáo hội Công giáo trong những năm gần đây với những hoạt động, những văn kiện hướng dẫn về cuộc sống dân sinh cho nhân loại; đặc biệt trong đời sống hôn nhân và gia đình cũng như sự gần gũi và đồng hành của Giáo hội với các bạn trẻ trong thời đại hôm nay.

Cách riêng tại Giáo hội Việt Nam, chúng ta vừa trải qua 3 năm MỤC VỤ VỀ GIA ĐÌNH trong đó, Giáo hội bày tỏ sự quan tâm tha thiết của mình với các gia đình, với những người sắp bước vào đời sống gia đình; những người đang sống trong gia đình và với những người đang phải đối diện với những cảnh huống khó khăn trong từng gia đình để có thể hướng dẫn, đồng hành, chia sẻ và góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn hầu giúp cho mọi người được an vui và hạnh phúc trong chính gia đình của mình.

Và cũng vào thời điểm này, về phía Giáo hội hoàn vũ, chúng ta thấy “Các kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội.” Để thể hiện mối quan tâm này, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”. Từ những kinh nghiệm, suy tư và đề nghị trong Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit)[1].

Trong tâm tình liên đới và hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ, các Giám mục Việt Nam trong Hội nghị thường niên vừa qua vào tháng 10/2019 tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Hải Phòng cũng đã chọn người trẻ làm mục tiêu cho chương trình mục vụ của mình. Cách cụ thể là theo Thư Chung 2019, các Giám mục Việt nam đã viết: “Chúng tôi đề nghị Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 – 2022) với các chủ đề sau:

2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.

2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội”[2].

Với những quan tâm, những chương trình, những hành động cụ thể đã được triển khai trong nhiều năm liền… Chúng ta thấy Giáo hội hoàn vũ nói chung và cách riêng là Giáo hội Việt Nam đã gắn liền với cuộc sống, đã chia sẻ những bận tâm và cùng chung chia một niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng cùng với mọi người. Đạo không phải chỉ là con đường để đi lên trời, nhưng Đạo còn là cuộc sống, là sự đồng hành, là sự chung chia vui buồn của kiếp nhân sinh để con người nhờ Đạo mà tìm được hạnh phúc cho cuộc đời mình và nhờ Đạo mà biết lên đường tiến về cuộc sống mai hậu trong Nước Chúa.

2. Giáo hội đồng hành với người trẻ

Đây là tiêu đề của bài viết này và cũng là ý tưởng chủ đạo để người viết cùng chia sẻ một vài suy nghĩ và cảm nghiệm với bạn đọc khi chúng ta cùng đọc lại Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam 2019 viết cho người trẻ dưới sự soi sáng của Tông Huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit).

a. Giới trẻ: niềm hy vọng cho gia đình, cho Giáo hội và xã hội

Mặc dầu cũng còn nhiều khiếm khuyết, một vài vết xám đen nơi bức tranh mà những người trẻ đang họa lại trong thế giới và trong xã hội hôm nay mà báo chí có một đôi lần đã phản ánh đưa tin, nhưng Giáo hội hôm nay – mà các Giám mục (thế giới và Việt Nam) – đã có một cái nhìn rất tích cực và lạc quan về người trẻ. Giáo hội vẫn xác định: “Tuổi trẻ còn là một phúc lành cho Giáo hội và thế giới”[3]; “người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ảnh Đức Giêsu Kitô giữa lòng nhân thế; không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới[4].

Giáo hội khẳng định rằng nhiều người trẻ hôm nay đang ướp hương thơm để chữa lành nhiều vết thương cho thế giới bằng sự thánh thiện của mình, các bạn đang bày tỏ sự thánh thiện qua đời sống yêu thương bác ái mỗi ngày trong đời sống gia đình và xã hội. Các bạn bảo vệ môi trường, các bạn có nhiều hình thức dấn thân cách cụ thể để Phúc âm hóa xã hội và thế giới[5].

Để có được điều này nơi những người trẻ thì gia đình là yếu tố quan trọng để giáo dục và đào tạo nên những người trẻ tích cực và hữu ích cho xã hội và Giáo hội như các Giám mục đã nhận định “gia đình là trường học đầu tiên[6] của mỗi người.

Nói về gia đình, và đặc biệt là các gia đình Công giáo truyền thống có một đời sống đạo chuẩn mực trong cách sống và có sự quan tâm sâu sát trong việc giáo dục con cái của mình về đời sống đức tin và xã hội mà trong phần đầu của Thư Chung 1019, các Giám mục Việt Nam cũng bày tỏ sự hài lòng nơi các gia đình Công giáo Việt Nam. Tuy nhiên, phải chân nhận rằng mô hình gia đình truyền thống của Việt Nam chúng ta hôm nay đang bị lung lay và dần dần thay đổi do làm ăn kinh tế, do sự phát triển các đô thị, do hòa nhập với thế giới đại đồng… Thế nhưng trong đại bộ phận của người Việt Nam nhất là các bạn trẻ vẫn đang “cố gắng chống chọi” với những điều thay đổi vừa nêu để gìn giữ được giềng mối với đại gia đình của mỗi người: Lễ Tết, giỗ chạp, họp mặt đồng hương, ngày truyền thống gia đình, gia tộc. Chính nhờ giềng mối này mà chúng ta vẫn có những thế hệ trẻ vừa biết sáng tạo, biết cởi mở vươn ra với thế giới; nhưng đồng thời cũng là những con người biết nặng tình với quê hương, thiết tha với dòng tộc gia đình và luôn biết sống đức tin tôn giáo cách tích cực trong thời đại hôm nay[7].

Chúng ta vẫn biết, người trẻ là tương lai của xã hội và của Giáo hội. Và (nếu thật) các người trẻ hôm nay đang tích cực sống đúng với những điều mà chúng ta vừa nhận định ở phần trên thì quả thật – nói theo kiểu của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” – đây là một phúc lành cho Giáo hội và cho xã hội chúng ta. Như thế chúng ta có quyền tin tưởng, tự hào và đặt nhiều niềm hy vọng vào những người trẻ hôm nay.

b. Giới trẻ hôm nay đang sống

Chúng ta vẫn biết là trong điều kiện bình thường thì mọi vật – mọi người đều phát triển hài hòa, ổn định và ngày càng vươn cao. Thế nhưng khi có thay đổi, biến động thì mọi chuyện sẽ bị xáo trộn và mất đi sự ổn định hài hòa… Và những người trẻ của chúng ta hôm nay cũng đang sống trong bầu khí thay đổi và có nhiều biến động.

Khởi đi từ sự phát triển công nghệ, cũng như sự hòa nhập vào làng toàn cầu, rồi đến việc giao thoa văn hóa giữa các nước và các dân tộc, vấn đề phát triển kinh tế… Tất cả những yếu tố này, và còn nhiều điều khác nữa đang diễn ra trong cuộc sống đã gây nên sự xáo trộn và mất ổn định cho xã hội, cho các gia đình và từng cá nhân trong thời đại hôm nay. Và đối tượng trực tiếp chịu tác động của những yếu tố này là các người trẻ.

Để có thể tồn tại và vươn lên trong hoàn cảnh sống mới của xã hội, các người trẻ hôm nay phải biết tự đổi mới: Đổi mới cách nghĩ, đổi mới cuộc sống, đổi mới tương quan… Và hệ quả chúng ta thấy là làn sóng di dân của các bạn trẻ “bỏ quê lên tỉnh” đi đến các thành phố lớn để làm việc; mô hình đại gia đình tam tứ đại đồng đường xưa kia được thay thế bằng các gia đình hạt nhân. Bầu khí thân thương, êm đềm, ổn định của lũy tre làng nơi vùng quê nay được thay thế bằng sự xô bồ, chụp giựt, hụt hẫng, chơi vơi nơi phố thị…

Các thành phố lớn thì chen chúc khi đi, chật chội khi ở; trong khi đó ở làng quê thì thưa thớt và vắng bóng thanh niên.

Những nhận xét vừa nêu ở phần trên cũng trùng khớp với những nhận định của các nhà xã hội học đương đại khi nói về giới trẻ hôm nay: “…Điều đó bắt buộc con người trong xã hội hôm nay, nhất là các thanh niên những người chịu tác động nhiều nhất, phải tự động điều chỉnh bản thân và không ngừng tìm tòi, thay đổi để tìm ra một căn tính cho chính bản thân mình[8]

Và trong hoàn cảnh mới này, không ít bạn trẻ lay hoay tìm kiếm một lối sống mới để thích nghi với tình huống và hoàn cảnh đang diễn ra trước mặt. Và chắc chắn là đâu phải mọi người trẻ đều thành công và sớm được ổn định trên vùng đất mới của họ. (Ngay cả những bạn trẻ hiện đang ở phố thị cũng chịu ảnh hưởng của những yếu tố này, và cũng kéo theo những hệ quả tiêu cực trong lối sống). Thêm vào đó là hoàn cảnh sống, sự cô đơn, thiếu sự chăm sóc của người thân và cộng đồng đã làm cho nhiều bạn trẻ ‘thất bại” trong cuộc sống mới mà theo ghi nhận của Thư Chung thì các Giám mục có viết: “Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng[9].

Điều này cũng phù hợp với nhận định của giới nghiên cứu về xã hội đã tỏ ra lo lắng khi cho rằng: “Một bộ phận không nhỏ (người trẻ) không có động lực phấn đấu và thiếu cảm hứng sống. Họ thiếu niềm tin bền vững và thiếu nơi gởi gắm niềm tin. Họ thiếu sự tự tin và thiếu tư thế đĩnh đạc. Họ thiếu một phông văn hóa và nền xã hội”[10]

Đó là hoàn cảnh sống của phần lớn giới trẻ (Việt Nam) đang sống hôm nay.

3. Huấn quyền của Giáo hội và vai trò các chủ chăn cho những vấn đề của người trẻ

Đọc lại Thư Chung 2019 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng ta thấy đây đúng là một lá thư mục vụ với những chỉ dẫn cụ thể cho từng giai đoạn mục vụ cho người trẻ; đồng thời, lá thư gởi đến từng đối tượng từ các vị chủ chăn cho đến các gia đình và cá nhân của mỗi bạn trẻ… Việc còn lại là chúng ta cứ thế mà triển khai và thi hành.

Trong Thư Chung 2019, các Giám mục có đề nghị những việc làm rất thiết thực và cụ thể để chúng ta có thể đồng hành với người trẻ hôm nay như là việc lắng nghe người trẻ rồi phân định, có những đổi mới cụ thể và hiệu quả trong cách tiếp cận giới trẻ, tạo sân chơi cho bạn trẻ, nắm bắt tình hình những người trẻ di dân để có những sự trợ giúp thích hợp tại giáo xứ nơi đi cũng như ở giáo xứ nơi đến; phát động chương trình học hỏi giáo lý giới trẻ bằng nhiều hình thức sinh hoạt, vui chơi…[11]

Đọc những lời hướng dẫn của Thư Chung trên đây chúng ta thấy vai trò của cha xứ nơi mỗi giáo xứ thật quan trọng. Bởi lẽ các cha xứ là những người có bổn phận chăm sóc và nuôi dưỡng con chiên của mình. Các cha phải là những người mục tử tốt trong việc chăn dắt đàn chiên, phải vận dụng trí hiểu, trí khôn của mình để tìm đồng cỏ xanh, tìm suối nước mát cho chiên; tìm cách phòng ngừa và bảo vệ cho chiên được an toàn và tìm ra các phương thế thích hợp để chữa lành những căn bệnh, những tật nguyền mà con chiên đang mang vác. Thiết nghĩ khi cố gắng thực hiện hết sức có thể những hướng dẫn của Thư Chung 2019 là chúng ta – các linh mục – đã thể hiện được vai trò của người mục tử tốt với đoàn chiên của mình rồi.

Có thể chăng một vài nơi nào đó chúng ta đang “bỏ ngỏ” vấn đề giới trẻ; thì hôm nay, qua sự gởi gắm và hướng dẫn được nêu lên trong Thư Chung, các Giám mục nhắc nhở chúng ta là những mục tử đang trực tiếp chăm sóc đàn chiên phải lưu ý đến thành phần giáo dân quan trọng – là những người trẻ – trong đàn chiên của mình.

Đối tượng kế tiếp mà chúng ta cần nhắc đến lúc này, đó là các cha tuyên úy, cha đặc trách, các tu sĩ nam nữ phụ trách giới trẻ. Trong vai trò của người đặc trách, thiết nghĩ các cha và quý tu sĩ cũng đã thấu hiểu phần nào nhu cầu của các bạn trẻ hôm nay: Nhu cầu kinh tế, nhu cầu an sinh, nhu cầu tâm linh, nhu cầu được dấn thân, cống hiến nơi các bạn… Thì thiết nghĩ Thư Chung này là bản hướng dẫn rất tốt cho chúng ta thực hiện trong vai trò và sứ vụ của mình.

Những lời nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô được Thư Chung trích dẫn sau đây như là một lời nhắc nhở, một lời chỉ giáo mà Đức Thánh Cha đã viết ra để lưu ý và cũng là lời gởi gắm riêng cho những người đang phụ trách phần việc này: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội”[12]. Biết được hoàn cảnh sống của con chiên là các bạn trẻ, người mục tử cũng như những người có trách nhiệm hôm nay phải cố gắng sao cho khoảng cách giữa học và hành, giữa lý thuyết và thực tế, giữa giáo lý và đời thường ngày một gần nhau hơn. Dẫu biết rằng đây là một việc làm khó khăn và nhiêu khê, nhưng vì đây là lẽ sống còn của cả một thế hệ em cháu nên điều này không cho phép chúng ta ngồi yên để phó mặc cho tình thế đẩy đưa rồi ta xuôi chiều.

4. Tạm kết:

“Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay” là tên gọi khác của Hiến chế Gaudium et Spes được dịch sang tiếng Việt là Hiến chế “Vui Mừng và Hy vọng” đã viết câu đầu tiên trong bản Hiến chế rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà không gieo âm hưởng trong lòng họ[13]

Với lời mở đầu của Hiến chế – và ngay cả tên gọi của Hiến chế này – chúng ta nhận ra được định hướng mà Giáo hội muốn nhắm đến: Đồng hành với con người và cùng với con người đi hết chặng đường lịch sử để về đến quê trời thành toàn trong ngày sau hết.

Với mục tiêu cụ thể đề ra trong từng năm một của mỗi chu kỳ ba năm, Giáo hội Việt Nam đã đồng hành với các gia đình trong thời gian qua. Trong ba năm tới này, chúng ta đồng hành với các bạn trẻ trong những hoàn cảnh sống của các bạn để giúp các bạn được an vui trong cuộc sống, nồng nàn trong đức tin, và biết dấn thân xây đắp cho xã hội được thăng tiến mỗi ngày.

Để có thể đạt được mục tiêu mà Giáo hội muốn nhắm tới trong việc chăm lo cho người trẻ, mọi thành phần trong Giáo hội hôm nay (cách riêng tại Việt Nam) từ các chủ chăn, các bậc phụ huynh, các xứ đạo và chính bản thân mỗi người trẻ phải có thao thức, phải biết dấn thân và can đảm hành động để thăng tiến bản thân và nâng đỡ cho những người cùng thế hệ. Có như thế thì lời khẳng định “Giới trẻ là tương lai của Giáo hội và của xã hội” mà ai đó vẫn nói, sẽ là điều đương nhiên đúng; bởi lẽ, câu nói này là niềm tự hào, là sự hy vọng của mọi tín hữu Việt Nam hôm nay.

WHĐ, 12-05-2020
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN số 116 (Tháng 1 & 2, năm 2020)


[1] Thư chung HĐGM VN 2019 số 2.

[2] Thư chung HĐGM VN 2019 số 6.

[3] Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 134

[4] x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 64.

[5] x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 50.

[6] Thư chung HĐGM VN 2019 số 3.

[7] Xem thêm: Nguyễn Thị Nga, Mạng lưới đồng hương, đồng đạo. Một phân tích chiến lược ứng xử và tái kiến tạo bản sắc về không gian sống đạo ở đô thị của công nhân công giáo. Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (tập 3) NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2018. Đây là một khảo sát xã hội mà đối tượng là anh chị em công nhân công giáo di dân đang làm việc ở các khu công nghiệp Sóng Thần, Thủ Đức, Bình Dương. Qua bài viết này, tác giả cho thấy rằng, những anh chị em công nhân có đạo khi sống xa quê cho dù phải đối diện với bao thách thức khó khăn của cuộc sống mới nơi đất khách quê người, vẫn giữ được nếp sống đạo và tình làng nghĩa xóm của mình nhờ hai yếu tố đức tin và tình đồng hương.

[8] Nguyễn Đức Lộc, Nguyễn Quang Huy, Người trẻ trong xã hội hiện đại (tập 3), NXB Văn Hóa Văn nghệ 2018 trg 20.

[9] Thư chung HĐGM VN 2019 số 3.

[10] Ts. Nguyễn Minh Hòa, Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (tập 3), NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2018 Trg 9.

[11] X. Thư chung HĐGM VN 2019 số 5-6.

[12] Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 221.

[13] GS số 1

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *