Giáo Hạt Cà Mau

Hậu đại dịch Covid-19: Tìm một con đường

“A vắc-xin đây rồi!” là câu nói đang được chờ đợi nhất lúc này. Chưa biết rõ khi nào sẽ có vắc-xin để đẩy lui đại dịch Covid-19, nhưng nhiều nơi đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mở cửa trở lại. Có những phản ứng khác nhau về quyết định này. Những người lạc quan nhìn nhận rằng: chúng ta chưa thắng được Covid-19, nhưng chúng ta có thể học chung sống với nhau mà không làm virus lây lan quá nhanh. Những người bi quan hơn nhận định rằng: con người đã hết kiên nhẫn. Ai cũng chán ngấy cái cuộc sống cách ly tù túng rồi. Thà chấp nhận chết vì Covid-19, còn hơn là bị chết, làm ma đói!

Có thể nói, ai trong chúng ta cũng mong muốn được trở lại cuộc sống trước đại dịch. Tuy nhiên, chẳng một ai trong chúng ta muốn trở lại “cuộc sống cũ” với nhiều bấp bênh và đầy bất ổn. Cho nên, các nhà kinh tế và chính trị gia cần tìm ra các mô hình kinh tế mới, để phát triển kinh tế mà không làm tổn hại đến môi trường sống.

Mỗi cuộc khủng hoảng, đòi buộc con người đi tìm một sự cân bằng mới, một sự cân bằng đủ vững chắc để con người vượt qua nếu tai họa trở lại. Hậu đại dịch, con người lên đường tìm kiếm sự cân bằng mới, để xây dựng lại thế giới. Đứng trước những gì đã và đang diễn ra trong đại dịch Covid-19, con người băn khoăn tự hỏi: Tìm đâu ra hướng đi chắc chắn hơn?

Thách đố và hy vọng

Covid-19 chỉ cho chúng ta thấy một chuỗi khủng hoảng: y tế, kinh tế, chính trị, môi trường sinh thái, khoa học… Tất cả đều bị lung lay. Có thể nói, tất cả khủng hoảng riêng biệt ấy đều có liên hệ với nhau và đều bắt nguồn từ một khủng hoảng chung, mang tính nền tảng hơn. Khủng hoảng về con người – khủng hoảng niềm tin và hy vọng.

Covid-19 thách thức niềm tin của con người đặt vào y tế, khoa học, kinh tế, chính trị… Không có gì là đảm bảo chắc chắn. Niềm hy vọng cũng bị xô đổ. Con người rơi vào tình trạng hoang mang và thất vọng.

Tất nhiên, trong đại dịch chúng ta vẫn thấy sự tương trợ lẫn nhau. Nhiều người được gia tăng thêm đức tin. Như thế, hy vọng vào tương lai ngày mai vẫn còn. Nhưng tất cả những tia hy vọng có nguy cơ bị dập tắt khi con người trở lại cuộc sống hậu đại dịch.

Nhìn về tương lai, vẫn còn đó nhiều nỗi ám ảnh. Kinh nghiệm trước đây cho thấy chưa có gì đảm bảo chắc chắn cuộc sống của con người sẽ tốt hơn. Những bài học từ đại dịch, vẫn có nguy cơ bị lãng quên, hoặc cố tình lãng quên. Như phục hồi kinh tế, khởi động lại các ngành công nông nghiệp mà không đặt nền trên sự phát triển bền vững. Trước sự hấp dẫn của lợi ích trước mắt, con người dễ quên đi những gì đã xảy ra trong đại dịch Covid-19.

Bài học hạnh phúc của Bờm

Trong kho chuyện cổ Grimm, câu chuyện cổ tích Chú Bờm Hạnh Phúc (“Der Hans im Glück”)[1], đáng để chúng ta suy ngẫm trong thời hậu đại dịch.

Chuyện kể rằng: Sau bao năm tháng làm việc mệt nhọc, chủ trả công cho Bờm một thỏi vàng nặng. Bờm khệ nệ vác vàng về nhà, trên một quảng đường thật dài. Thỏi vàng nặng quá, lại thêm trời nắng gắt. Khát. Mỏi. Mệt…. Thế là vì nhu cầu trước mắt, để được thoải mái, Bờm đã tuần tự đổi vàng để lấy ngựa, bò, ngỗng và cuối cùng là một phiến đá mài. Phiến đá rốt cuộc cũng bị Bờm quẳng luôn xuống nước, để – như Bờm lý luận – được tự do khỏi bị thứ gì ràng buộc cả trên đường về.[…][2] Phản ứng của người mẹ thế nào khi Bờm trở về nhà với hai bàn tay trắng sau bao năm làm việc vất vả? Câu truyện không kể tiếp, để dành cho trí tưởng tượng của người đọc.

Cái nhìn thực dụng, cho thấy rằng, Bờm dốt nát. Bờm đã lần lượt đổi lấy những thứ kém giá trị hơn, mà vẫn không biết. Cái nhìn siêu thoát hơn, nhận định rằng, Bờm dại dột cách khôn ngoan. Nhìn bề ngoài, Bờm dại. Nhưng nhìn sâu hơn một chút, Bờm là người đã ngộ ra đạo. Bờm đi tìm hạnh phúc thật, và đã không ngần ngại trút bỏ mọi vướng bận kể cả vàng bạc để được ở trong vòng tay của mẹ. Một hạnh phúc mà có vàng cũng không thể mua được. Dưới nhiều góc nhìn khác nhau, người đọc có thể rút ra nhiều bài học khác nhau cho mình. Nhưng nhìn ở góc độ nào, bài học của Bờm cũng thách thức đến: Mục đích sống của tôi là gì?

Những người thao thức muốn xây dựng một thế giới mới, tốt đẹp hơn, sau đại dịch, cũng không khỏi băn khoăn: Phải chăng con người ngày nay thích sự thoái mái của Bờm? Phải chăng cũng vì muốn cuộc sống mỗi ngày dễ dàng hơn, dần dần chúng ta đang đổi những thứ quan trọng trong cuộc sống để lấy những thứ nhìn thì hấp dẫn nhưng bên trong chứa đầy bất ổn và bấp bênh… Cho đến khi Covid-19 xuất hiện làm phơi bày tất cả những yếu kém và sự hoang tàn của thế giới hôm nay: ô nhiễm môi trường đáng báo động; môi sinh đang bị kiệt quệ; nhiều thảm họa thiên nhiên khác, có thể xảy đến…

Từ cuộc cách mạng về tự do, con người muốn gạt Thiên Chúa ra bên lề để tự mình quyết định và làm chủ thế giới. Có lúc con người tưởng rằng đâu cần đến Thiên Chúa, mình vẫn có đủ khả năng để làm cho thế giới này tốt đẹp. Nhưng từ khi Covid-19 xuất hiện và làm đảo lộn mọi thứ thì những người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài cuộc đời nhất, lại là những người lớn tiếng đặt câu hỏi chẳng khác gì một anh Bờm: Thiên Chúa ở đâu rồi?

Đôi lúc chúng ta cũng nằm trong số những người ấy. Chúng ta cảm thấy, cuộc đời mà cứ đi theo Chúa thì mất vui. Chẳng cần đến Thiên Chúa, ta tự do đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Cho đến khi cuộc đời gặp nhiều tai họa, ta lại trách móc: Sao Ngài không đến cứu chúng con?

Cho dù con người có chối bỏ và khước từ, Thiên Chúa vẫn yêu thương và ở cùng với con người trong mọi hoàn cảnh. Ngay cả khi mọi cánh cửa đã đóng kín vì sợ hãi, thì Đức Kitô Phục Sinh vẫn đến để trao ban bình an cho chúng ta. Ngài đến để mở cho chúng ta con đường về cõi sống. Đây không chỉ là một cái nhìn mang tính tôn giáo, mà thực sự Đức Kitô Phục Sinh là cuộc cách mạng cho mọi khía cạnh của thế giới. Ron Rolheiser – nói rằng: Đức Kitô Phục Sinh “là một sự mới mẻ tuyệt đối về bản chất vũ trụ, mới mẻ trong từng nguyên tử.

Nguồn sức sống dồi dào

Đại dịch Covid-19 giúp con người ý thức về cuộc khủng hoảng mang tính cội nguồn ở nơi mình. Con người nhận ra mình khát tình yêu, khát niềm tin và khát hy vọng. Sự phát triển kinh tế cách bất công chỉ làm tăng thêm khoảng cách giữa con người và phá vỡ mối tương quan giữa con người với thiên nhiên. Sự yếu kém của ngành y tế đang đánh mất niềm tin nơi con người. Coi trọng việc đầu tư buôn bán vũ khí giết người hơn là đầu tư cho thiết bị y tế để cứu người càng làm lu mờ thêm hy vọng về tương lai. Và còn bao nhiêu bất cập khác nữa. Covid-19 đã phơi bày ra cho con người thấy tình trạng đáng báo động của thế giới này trên nhiều bình diện khác nhau.

Đúng là ảo tưởng nếu muốn mọi sự hoàn hảo trên mặt đất này. Nhưng con người có khả năng làm cho thế giới này thêm sức sống và tốt lành. Những ánh sáng từ trong đại dịch giúp định hướng phát triển. Covid-19 cho chúng ta thấy rằng con người không thể sống mạnh khỏe trong một hành tinh đầy bệnh tật. Tất cả chúng ta đều cùng trên một chiếc thuyền. Con người và mọi loài thụ tạo trên hành tinh này đều có liên hệ mật thiết với nhau. Không ai là một hòn đảo… Những bài học này đã đủ để con người chung tay cùng nhau xây dựng một thế giới mới?

Hậu đại dịch, chúng ta được mời gọi xây dựng lại thế giới đáng sống hơn. Chú Bờm muốn nói với chúng ta rằng phải tỉnh thức, đừng ham những cái lợi trước mắt mà đánh mất đi tương lai sau này.

Còn Đức Kitô Phục Sinh trao ban cho con người hy vọng mới và động lực sống mới. Sự phục sinh của Đức Kitô giúp chúng ta định hướng xây dựng lại thế giới sau đại dịch.

Trong bài giảng sứ điệp Phục Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ cho chúng ta thấy rõ hơn sự phục sinh của Đức Kitô mở ra con đường sống mới như thế nào. “Sự phục sinh của Đức Kitô không phải là công thức phù phép làm tan biến mọi khó khăn. Đấng Phục Sinh chính là Đấng Chịu Đóng Đinh, không phải ai khác. Thân thể phục sinh của Ngài vẫn mang những vết thương không thể xóa nhòa, những vết thương trở thành nguồn cội của niềm hy vọng. Chúng ta hãy chạy đến với Ngài để Ngài chữa lành những tổn thương chúng ta phải chịu…”[3]

Nhiều người còn phân vân: Phải chăng hy vọng của Đức Kitô Phục Sinh quá xa vời, và chẳng có mối liên hệ gì đến tình cảnh hiện tại của con người? Không. Những hy vọng của Đức Kitô Phục Sinh đang định hướng cho chúng ta con đường đến với sự sống. Một cách cụ thể, năm nay chúng ta mừng lễ Đức Kitô Phục Sinh ngay trong đại dịch Covid-19, và chúng ta được nhắc nhở rằng: “Đây không phải là thời điểm của sự vô tâm, của ích kỷ, của chia rẽ. Mọi người được mời gọi sống hiệp nhất với nhau, quan tâm đến những người đang chịu đau khổ hơn và ngừng các cuộc chiến tranh.”[4]

Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô thôi thúc: “Chúng ta hãy làm cho những kêu gào của sự chết phải im lặng; cho mọi thứ chiến tranh phải dừng lại!… Ước gì chúng ta có thể ngừng sản xuất và buôn bán vũ khí, vì chúng ta cần lương thực chứ không phải súng ống! Hãy kết thúc việc phá thai và giết hại người vô tội. Ước gì trái tim của những người dư dả có đủ sự cởi mở để trao ban các nhu cầu thiết yếu vào những đôi tay trống trơn của người nghèo….”[5]

Con đường để xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn không có con đường nào khác ngoài con đường của Đức Kitô Phục Sinh. Không một mô hình nào đưa con người đến sự sống tròn đầy và vững bền nếu mô hình đó loại bỏ một trong những thành phần nơi Đức Kitô Phục Sinh. Trong Đức Kitô Phục Sinh hiện diện đủ ba thành phần trong một: Sự phục sinh của Ngài không loại trừ thập giá của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và ở trong mồ trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh.

Đức Kitô Phục Sinh đem đến cho chúng ta đảm bảo chắc chắn rằng, sự sống chiến thắng sự chết, tình yêu chiến thắng hận thù. Nếu loại bỏ nền móng này con người tự biến mình thành kẻ khờ xây nhà trên cát.

Bước vào cuộc sống mới

Khi được hỏi, trái đất sẽ như thế nào sau đại dịch? Có người bạn trả lời nửa thật nửa đùa: trái đất vẫn vậy, như lúc này, chỉ có điều là nó sẽ bị trở nên xấu hơn!

Mỗi đại dịch đến, các nhà khoa học phải cố gắng tìm ra một loại vắc-xin để giải thoát con người khỏi dịch bệnh. Đến lúc này, con người đã trả giá bằng cả tiền bạc lẫn mạng sống, và hiện vẫn chưa tìm ra vắc-xin mới. Đức Kitô Phục Sinh đem đến cho con người “vắc-xin phục sinh”, vắc-xin chữa lành mọi vết thương và cứu thoát con người khỏi mọi tội lỗi. Vắc-xin phục sinh được kết cấu từ ba thành phần cơ bản: tình yêu và tha thứ (Thứ Sáu Tuần Thánh); tin tưởng (Thứ Bảy Tuần Thánh); và hy vọng (Chúa Nhật Phục Sinh). Bất cứ, mô hình sống nào lược bỏ đi một trong ba thành phần nền tảng này thì đều làm mất đi tính hiệu quả của “vắc-xin phục sinh”.

Để xây dựng cuộc sống mới hậu đại dịch, chúng ta được mời gọi nhìn cuộc sống trong con mắt mới và tinh thần mới. Ngắm nhìn mọi sự trong thế giới này, với đôi mắt tình yêu của Thiên Chúa. Đây là bài tập cuối cùng trong sách Linh Thao của thánh Inhaxiô Loyola, giúp con người nhận ra sự hoạt động của Thiên Chúa trong mọi sự và cộng tác với Ngài.

“Hãy yêu đi, rồi làm gì thì làm!” (ama et fac quod vis)
Thánh Augustino

[1] Có thể đọc bản tiếng Việt đầy đủ ở đây: https://www.grimmstories.com/language.php?grimm=083&l=vi&r=en

[2] Trích lược câu chuyện theo Joseph Ratzinger, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.: „Einführung in das Christentum. Vorlesungen über das apostolische Glaubensbekenntnis,” München, Germany, 1968. Bản dịch tiếng Việt của Lm. Athanasio Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam: „Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua và Hôm Nay,” Random House, Đà Lạt, 2009.

[3] Toàn văn sứ điệp Phục Sinh 2020: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-04/thong-diep-phuc-sinh-2020.html

[4] Toàn văn sứ điệp Phục Sinh 2020 (nt)

[5] Toàn văn bài giảng Lễ Vọng Phục Sinh của ĐTC Phanxicô: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-04/toan-van-bai-giang-le-vong-phuc-sinh-dtc-phanxico.html

Văn Ngữ, SJ – Vatican News

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *