Giáo Hạt Cà Mau

Hạt Giống Nảy Mầm Lễ Thánh nữ Monica

A- Hạt giống

Chúa Giêsu cứu sống con trai bà goá thành Naim:

– Tất cả mọi người hôm đó chẳng ai mở lời xin Chúa giúp. Ngài ra tay cứu giúp chỉ vì động lòng thương.

– Chúa chạnh lòng trước cảnh mẹ goá con côi, tre già khóc măng non.

– Cứu sống đứa con trai xong, Chúa còn tế nhị trao nó lại cho mẹ nó.

B- Nẩy mầm

1. Trái tim con người vốn giàu tình thương. Nhưng vì nhiều lý do, trái tim có thể bị chai lì đi, không còn xúc động gì trước cảnh khổ của người khác.

Thấy người nghèo thường quá, tôi không còn cảm động cái khổ của người nghèo.

Thấy người bệnh thường quá, tôi không còn cảm được nỗi đau của họ.

Thấy người tội lỗi quen quá, tôi dửng dưng nhìn người ta càng ngày càng chìm sâu trong tội.

Lạy Chúa, xin đổi trái tim bằng đá của con bằng trái tim bằng thịt.

2. Xin Chúa cũng dạy con biết tế nhị: thấy được nhu cầu người khác trước khi họ xin con giúp, và giúp họ một cách tế nhị nhẹ nhàng như hôm xưa Chúa đã trao đứa con lại cho người mẹ.

3. “Tiến lại gần, Ngài chạm đến quan tài”: việc làm này bị luật coi là ô uế. nhưng để an ủi gia đình người chết, và để “tiến lại gần” (ý muốn được gần gũi với người đau khổ), Chúa không ngại gì cả. Yêu thương giúp đỡ đòi hỏi phải can đảm và hy sinh.

4. Chuyện người mẹ Naim đau khổ được Chúa cứu giúp khiến tôi nghĩ tới cảnh khổ của bản thân mình. Bà không biết người đàn ông đúng ở cổng thành hôm ấy là Chúa Giêsu, Đấng có quyền năng cứu sống. Bà không ngỏ lời xin Chúa. Nhưng Chúa chạnh lòng thương, tự động Chúa lại gần và Chúa kéo bà ra khỏi cơn đau khổ.

Chúa lúc nào cũng ở gần tôi. Khi tôi phải khổ, Chúa cũng chạnh lòng và Ngài sẵn sàng cứu giúp. Tôi không bao giờ cô đơn.

5. “Chúa Giêsu tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và phán: ‘Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy.’ Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.”. (Lc 7,14-15).

Bữa nay mình không muốn đến nhà thờ, Chúa Nhật nào Giang cũng đi câu cá. Mai nằm lì trên gường. Tin và Sơn phóng xe đi chơi. Bích thì gọi điện thoại cho bạn. Này có ai gọi mình thì phải?

Bữa nay mình không muốn đến nhà thờ, Bài giảng dài lê thê và khó hiểu quá. Xem phim hoạt hình trên Tivi, hay mở máy hát nghe nhạc, hoặc gọi điện thoại “tám” với bạn bè còn thích hơn. Này rõ ràng có ai gọi mình mà!

Lạy Chúa, con chỉ nghe toàn những tiếng nhu cầu của bản thân. Còn tiếng gọi của Chúa sao mơ màng quá, khó nghe quá. Chúa đã gọi người thanh niên chỗi dậy từ cõi chết, xin Ngài cũng gọi con từ những đam mê bất chính của con. (Hosanna)

6. Hôm nay tôi muốn được chia sẻ đôi điều với anh chị em, đặc biệt với những ai được mang danh hiệu cao quí là Mẹ.

Khi viết về người Mẹ một nhà văn Pháp đã có những lời diễn tả như thế này: “Bà mẹ không phải như một họa sĩ vẽ cái đẹp lên tranh, không như một nhà điêu khắc chạm hình trong đá, không như nhà văn diễn đạt tư tưởng hay bằng những lời chọn lọc, cũng không như một nhạc sĩ ký thác tâm tình đẹp trong tiếng đàn. Phận sự của bà mẹ chính là nhờ ở sức Chúa giúp đỡ, hình thành nên trong linh hồn những người con hình ảnh của Chúa trên trời.”

Vâng kính thưa anh chị em,

Có lẽ không có lời nào hay hơn thế để mô tả về một người mẹ, một người mẹ rất nổi tiếng trong Giáo Hội mà hôm nay chúng ta mừng kính. Đó là thánh nữ Monica.

7. Chúng ta chỉ biết Thánh Mônica qua quyển Tự Thuật của người con là Thánh Augustino.

Bà sinh khoảng năm 332 ở Tagaste miền bắc Châu Phi, là con trong một gia đình có đạo. Lúc 18 tuổi, bà phải kết hôn với một người ngoại tên là Patricius theo ý của gia đình và sau đó sinh được 3 người con: người con cả là Augustinô. Bà luôn theo dõi sự phát triển của con với niềm vui lẫn âu lo.

Bà đã phải khóc lóc vì thấy nơi người con của bà có những dấu hiệu sai lạc về luân lý và tinh thần. Dầu vậy bà luôn luôn lấy tình thương khuyên nhủ con. Sau một thời gian quá dài nhưng chưa chinh phục được người con của mình, bà đã được một vị Giám mục, nói chính xác là thánh Ambrosiô, đã an ủi bà: “Không lẽ một người con đã làm cho bà rơi biết bao nhiêu nước mắt, lại phải hư mãi sao?”.

Như vậy là chúng ta thấy không những bà đã lo lắng cho chồng để ông được trở lại đạo một năm trước khi ông qua đời, khoảng năm 371. Rồi sau khi chồng mất, bà đã từ Roma theo người con cả Augustino lên tận Milan nơi ông dạy học để ở nơi đây Bà được chứng kiến cảnh con của mình từ bỏ lạc giáo trở về với Chúa, chịu rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh năm 387 dưới sự hướng dẫn và dìu dắt của Giám Mục Ambrôsiô. Sau khi trở lại, Augustinô, em và mẹ đã quyết định trở về Tagaste.

Mùa thu năm 387 cả ba mẹ con từ bỏ Rôma, lên đường về Châu Phi. Chúng ta hãy nghe chính Augustinô thuật lại những giờ sau hết của mẹ mình trên dương thế: “Con không nhớ rõ con đã trả lời làm sao. Nhưng phỏng năm ngày sau, hay hơn một chút, mẹ con ngã bệnh sốt rét. Đang khi nằm bệnh, thì ngày nọ ngài bất tỉnh, không còn nhận ra những người chung quanh. Chúng con chạy tới thì ngài tỉnh lại ngay, nhìn con và em con đang đứng đó; ngài có vẻ tìm kiếm cái gì đó và bảo chúng con” “Mẹ ở đâu thế này?”

Rồi thấy chúng con buồn sầu và lo sợ, ngài nói: “Các con hãy nhớ chôn mẹ ở nơi đây!’ Con thinh lặng và kìm hãm nước mắt. Nhưng em con nói mấy lời tỏ ý ước ao thấy ngài được chết tại quê nhà hơn là ở tha hương. Nghe thấy vậy, ngài tỏ vẻ không bằng lòng. Ngài quắc mắt nhìn em con, vì nó đã có những tư tưởng như vậy, rồi nhìn con mà nói: “Con xem, nó nói như vậy đó!” Đoạn ngài bảo hai chúng con: “Các con chôn xác này ở đâu cũng được; các con đừng quá lo về việc đó. Mẹ chỉ xin các con một điều, là bất cứ các con ở đâu, các con hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa”. Sau khi cố gắng nói được điều đó rồi, mẹ con ở lặng và cơn bệnh gia tăng, làm cho ngài càng đau đớn. Vậy, sau khi thụ bệnh được 9 ngày, thì linh hồn thánh thiện và đạo đức đó đã lìa khỏi xác: ngài được 56 tuổi còn con được 33 tuổi” đúng tuổi sống trên đời của Chúa Giêsu.

Augustinô đã chôn cất mẹ tại Ostia.

Sau này khi nhớ về cái chết của Mẹ mình Augustinô đã viết: “Con mất mẹ cách đột ngột, nhưng con cảm thấy an ủi khi dâng cho Chúa nước mắt con khóc mẹ. Con dâng nước mắt ấy cầu nguyện cho mẹ con. Nếu ai đoán xét con, phạm tội vì khóc thương một bà mẹ chết đi và tạm thời mắt con không còn trông thấy được nữa, thì con xin họ nhớ rằng chính bà đã khóc than biết bao năm trường để mắt bà được trông thấy con sống lại với Chúa, xin họ đừng nhạo cười con, nhưng xin họ cũng khóc lóc vì tội lỗi con đã phạm trước mặt Chúa. Chúa là cha của tất cả anh chị em chúng con trong Đức Kitô.

Ngày nay xác bà được dời về thánh đường kính Thánh Augustinô tại Rôma.

Vâng đó là cuộc đời của người mẹ thánh. Và sự thánh thiện đã đổ tràn qua người con. Một niềm vui vô cùng lớn lao nhưng là một niềm vui phải trả bằng một giá thật lớn. Rõ ràng một người mẹ nhờ ở sức Chúa giúp đỡ hình thành nên trong linh hồn người con của mình hình ảnh của Chúa trên trời.”

8. Hình như số phận của những người làm mẹ muốn cho con của mình được thành đạt, thành đạt trong cuộc sống đời thường hay thành đạt trong lãnh vực thiêng liêng đều phải như thế.

Ông Comolet Sue, nhà giáo dục danh tiếng, đã điều tra và kể lại trong bản báo cáo về Hội Hôn nhân Thiên Chúa giáo ở Pháp câu truyện này:

Có lần ông gặp một bà góa. Các con bà giữ đạo sốt sắng và thành công một cách vinh quang trên đường đời. Ông hỏi bà:- Bà đã làm gì trong công việc giáo dục con cái bà? Bà đã dìu dắt con bà một cách thực tế như thế nào trong cuộc đời? Bà đã một mình làm tròn sự nghiệp phức tạp ấy!

Bà trả lời cách gọn gàng, giản dị: – Tôi không biết.

Ông gặng hỏi: – Bà giấu đấy chứ? Các con trai bà đã làm cách nào để tạo được những địa vị danh giá mà đồng thời vẫn là tín đồ đáng nể phục? Các con bà hình như rất bằng lòng với cuộc sống của mình. Có bao bà phải thất vọng không …?

Bà mỉm cười và hỏi: – Ông có tin tưởng Thiên Chúa không?

– Chắc là Thiên Chúa cai trị sóng gió, nhưng nếu bà không biết lo liệu thì thuyền cứ chìm.

– Lo liệu phòng ngừa là phải cầu nguyện cho nhiều.

– Không đủ, thưa bà. Bởi chắc không phải lúc nào bà cũng chắp tay quỳ gối trong nhà thờ?

Bị hỏi dồn, bà nói thiệt: – Ngày chồng tôi chết, để lại cho tôi mười đứa con nhỏ, đứa lớn chưa đầy 15 tuổi. Tiền của eo hẹp, nên tôi phải quả quyết… Trước hết là… Là xét lại lương tâm, khi xét mình tôi đã nhận thấy cần phải tu chỉnh, cải tạo đời sống mình cho tốt hơn, thêm nhiều đức tính tốt hơn nữa. Tôi làm ngay… và cứ thế mà tiến…

– Có thế thôi sao? Bà còn làm gì hơn nữa cho con bà?

–  Không có gì khác cả, thưa ông. Tôi tự sửa mình và chính Chúa đã đào tạo chúng nó.

Ngạn ngữ của người Roma có câu: “Không ai có thể cho cái mình không có.” Bà Monica thánh thiện cho nên sự thánh thiện của bà đã tràn qua người con.

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *