Giáo Hạt Cà Mau

Bài tĩnh tâm dành cho giới Hiền Mẫu

 MỞ ĐẦU: 

Mục đích của người Kitô hữu là gì?

Thưa là NÊN THÁNH.

Mỗi người chúng ta theo đạo giữ đạo, sống đạo cũng chỉ vì một mục đích duy nhất là nên thánh, là được sống với Chúa, được hưởng hạnh phúc với Chúa trong cuộc sống mai hậu.

Hơn nữa, tin vào Thiên Chúa là chúng ta tự tình sống lời Chúa, ước mong mà Thiên Chúa muốn gởi gắm đến chúng ta qua Đức Giêsu là: “Anh em hãy nên hoàn thiện như cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Từ đó, mỗi một người chúng ta ở bất kỳ vai trò nào, trong bậc sống nào, đều được mời gọi nên Thánh. Chính với ý nghĩa này mà con xin chia sẻ với các mẹ các chị một số đề tài xoay quanh ba chủ điểm sau :

1. Ơn gọi nên thánh của người mẹ.

2. Người mẹ – người kiến tạo một gia đình thánh.

3. Người mẹ – người làm cho gia đình trở thành chứng nhân cho sự thánh thiện của Thiên Chúa giữa lòng đời.

Đề tài 1: Ơn gọi nên Thánh của người mẹ

BÀI 1: NGƯỜI MẸ – HÌNH ẢNH VẺ ĐẸP CỦA THIÊN CHÚA

Thiên Chúa là chân lý tuyệt đối, là thánh thiện tuyệt vời và là vẻ đẹp tuyệt hảo, Ngài mang một vẻ đẹp toát ra từ tình Yêu Vĩnh Hằng. Trong tình yêu Thiên Chúa tự so sánh mình với hình ảnh người mẹ:

“Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66,33). Hình ảnh người mẹ vốn là một hình ảnh đẹp, con cái thường thích mẹ ở sự mềm mỏng dịu dàng, và ít gần cha vì cha cứng rắn và thường hay nóng nảy. Do vậy, người mẹ trong gia đình rất quan trọng, người mẹ ở bất kỳ phương diện nào, vai trò nào cũng đẹp.

– Ở vai trị người nữ: người nữ được coi là phái đẹp, đẹp ở phong cách bên ngoài dễ thấy và cả ở tính cách bên trong. Người nữ là hiện thân của sự dịu dàng, đoan trang, nhân hậu, bao dung, hiền hoà, kiên nhẫn và mềm mỏng. Người nữ thể hiện khí chất hung hăng, thì người đời sẽ cho là đanh đá; người hay đưa điều, đặt chuyện, nói xấu người khác thì được gọi là kẻ buôn dưa lê; người bạo ăn, bạo nói thì bị coi là nhiều nam tính … một số những biểu hiện như thế đã làm mất đi nét đẹp của người nữ. Đức Khổng tử đã gói trọn phẩm hạnh của người nữ trong 4 chữ : công, dung, ngôn, hạnh, mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

+ Công: biểu hiện sự đảm đang vén khéo của người nữ. Khi còn con gái biết giúp mẹ cha lo lắng công việc nhà, khi lập gia đình biết vén khéo cho gia cang, xây dựng gia đình thành một tổ ấm yêu thương và khéo dạy dỗ con cái.

+ Dung: nét mặt luôn vui tươi thể hiện một tâm hồn trong sáng, gần gũi và thân thiện. Người đẹp không nhất thiết phải có một khuôn mặt đẹp, nhưng cần thể hiện nét sinh động đáng yêu bằng những nụ cười đúng lúc, đúng nơi.

+ Ngôn: người ta không đòi hỏi sự giữ gìn trong ngôn từ nơi người đàn ông, song lại rất khắt khe với người nữ về điểm này. Một người nữ không biết xử dụng những ngôn từ đúng mực, lịch thiệp và nhã nhặn rất dễ bị xét nét.

+ Hạnh: là đức hạnh của người nữ. Ông bà thường nói : cái nết đánh chết cái đẹp, người nữ không đẹp nhưng có một phẩm chất tốt, có đầy đủ những phẩm tính của một người nữ, thêm một chút văn hoá trong ứng xử, thì người nữ ấy sáng giá hơn người nữ đẹp mà vô duyên. Chính đức hạnh, chính nội tâm đẹp mới toát lên được trên khuôn mặt một sự thu hút và lôi cuốn. Một tâm hồn bình an, không ganh ghét, không đố kỵ sẽ luôn giữ cho mình một nét mặt đáng yêu, không cau có. Cho nên giữa “hạnh”  và “dung” luôn có một mối tương quan mật thiết.

Cách đây không lâu, con đọc thấy một số bài viết than thở về các cô gái hiện đại bây giờ. Bài viết đầu tiên tác giả kể lại rằng: cho đến nay anh ta đã ngoài 40 tuổi mà vẫn là lính phòng không (nghĩa là chưa vợ). Lý do đưa ra là vì anh không tìm thấy một người con gái thuỳ mỵ đoan trang và kín đáo biết e thẹn. Khi mẹ anh gợi ý cho một cô hàng xóm, cô này khá xinh nên anh cũng định bụng sẽ làm quen, nào ngờ cô ấy lại đến tấn công anh tới tấp theo kiểu “cọc đi tìm trâu” vậy là anh ta đánh bài chuồn. Cô thứ hai làm ở cơ quan, thông minh lanh lợi, anh tưởng sẽ đến làm quen nhưng nào ngờ cô ấy cũng phải lòng anh và cũng tấn công trước, thế là anh rút êm. Mãi không thấy con có bạn gái, mẹ anh giục, anh cũng có ý đi tìm ý trung nhân vừa để làm vui lòng mẹ, vừa để chia tay với đời độc thân vốn đã chiếm của anh hơn nửa đời người. Một lần, anh nhìn thấy một cô gái chạy xe trên đường, có khuôn mặt ngây thơ như thiên thần, anh tiến tới làm quen. Thế nhưng sau lần mời uống nước đầu tiên, cô gái tự động đến nhà xăng xái làm mọi chuyện cho anh, cho mẹ anh. Cô gọi điện réo anh liên tục, khiến anh hoảng sợ và cũng chia tay. Anh kết luận rằng: bây giờ muốn tìm một cô gái biết một chút e thẹn, hoạ chăng có là nữ thánh.

– Vai trò người vợ:

Có một lần giúp tĩnh tâm cho giới Hiền Mẫu giáo xứ Đaminh, hôm ấy trùng vào dịp xưng tội của giáo xứ, nên có một số gia trưởng đến nhà thờ và vào tham dự, con có mời hai vị lên và phỏng vấn một chút, câu hỏi của con là : một người vợ lý tưởng cần có những đức tính nào ? thì cả hai vị đều trả lời : có lòng bao dung, tha thứ và thông cảm. (Không biết có phải các ông lắm tội quá nên cần được vợ tha thứ thông cảm hay không mà tha thứ quan trọng đến thế). Con hỏi tiếp :

Trong ba mẫu phụ nữ sau ông thích mẫu người nào?

+ Một người vợ rất đảm đang, vén khéo, nữ công gia chánh thì trên cả tuyệt vời, giỏi nuôi con, giỏi cả kiếm tiền, nhưng mỗi tội rất đanh đá, chua ngoa, khiến chồng sợ, con khiếp và hàng xóm cũng tránh né luôn.

+ Một người vợ rất hiền nhưng lại vụng về, không biết làm gì kể cả những việc tối thiểu của người phụ nữ trong gia đình, mọi cái đều dựa vào chồng.

+ Một người vợ chỉ thường thường bậc trung, không có tài năng như mẫu người thứ nhất, nhưng chị chịu học hỏi, chịu khó lắng nghe, phẩm tính thì trung dung : không hiền quá cũng không dữ quá.

Không biết có phải vì nể bà xã đang ngồi dưới hay không mà hai vị gia trưởng không dám trả lời thẳng vào câu hỏi là chọn mẫu nào, chỉ nói loanh quanh, đại loại như: khi con chọn vợ, thấy cô ấy hợp nhãn thì cưới làm vợ, chứ nếu bảo chọn mẫu nào thì thật khó nói.

Đến khi con hỏi chung các mẹ các chị ở đó, thì tất cả đồng thanh trả lời: chọn mẫu thứ 3. Điều ấy chứng tỏ rằng ai ai cũng biết những gì tốt cần làm, cần học hỏi, cầu trau dồi, và những gì không tốt cần phải loại đi dần dần, điều gì là cái đẹp cần duy trì, điều gì không hay cần phải dẹp bỏ. Tuy nhiên, một điều mà chúng ta không thể phủ nhận đó là: mọi người có thể nói giống nhau, nhưng khác nhau ở việc làm. Nghĩa là, khi nói, chúng ta nói được điều hay, nghĩ được điều tốt, nhưng khi làm thì chưa chắc, không phải ai cũng có thể can đảm chỉ làm điều tốt như mình đã nói hay đã nghĩ. Chẳng vậy mà Thánh Phaolô đã nói: điều tôi muốn, tôi lại không làm; còn điều tôi không muốn thì tôi lại làm.

– Vẻ đẹp của người mẹ: Ngạn ngữ Đan mạch có câu: “nếu biết từ nào dịu dàng hơn tiếng “dịu dàng” để diễn tả sự êm ái, mịn màng của hai đầu gối một người mẹ thì tôi sẽ dùng ngay.” Người mẹ cũng là trung tâm của nhiều ca khúc rất hay, rất cảm động : “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào”; “từ khi con vừa biết nói, trên môi đã vang tiếng mẹ, bên tai đã vang tiếng mẹ…mẹ là quê hương của con …” Tình yêu của người mẹ phải ánh gần nhất tình yêu của Thiên Chúa: tình yêu vô vị lợi. Tình mẹ thường là tình vô điều kiện, con hư mẹ cũng thương, con ngoan mẹ cũng thương, con xấu hay đẹp mẹ vẫn thương. Mẹ yêu con không phải vì con mình đáng yêu, nhưng chỉ vì đó là con mình, thế thôi.

Có một câu chuyện kể rằng: một em bé rất xin có tên là Mến Thương. Ở trường, người ta lấy làm lạ vì bàn tay trái của em luôn nắm chặt như cất giữ một cái gì quý lắm. Ai cũng thắc mắc không biết em đang giữ bí mật gì vậy. Cô giáo em gặng mãi, em mới nói: con đang giữ chiếc hôn của mẹ. Mỗi sáng, khi đưa em đến trường, mẹ hôn vào tay em và nhẹ nhàng gấp những ngón tay xinh xắn của em lại rồi mỉm cười nói: Con yêu dấu, con hãy luôn giữ lại mùi hương của tình yêu mẹ trong tay dù con làm bất cứ việc gì con nhé!

Nếu như mọi người người phụ nữ đều hiểu rằng, tình yêu của mình có ý nghĩa rất lớn đối với con cái, và là cách duy nhất để thể hiện nét đẹp của người mẹ, chắc sẽ không tiếc để tìm mọi cơ hội biểu lộ tình yêu của mình nhiều hơn.

Tuy nhiên, có nhiều người mẹ rất yêu con, nhưng tiếc là yêu con không đúng cách, yêu không đúng lúc làm mất đi giá trị của tình mẫu tử và là tiền đề cho lời chê bai của người đời: “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.” Vì lẽ, tình yêu đích thực không thể làm hư con cái, nhưng biểu lộ quá đáng, không đúng chỗ làm cho con cái cảm thấy bị ức chế, sự bao bọc quá đáng làm cho con cái mất tự do, dễ dẫn đến nổi loạn, có người lại để con cái tự do thái quá dẫn đến phóng túng. Điển hình là xã hội hôm nay tồn tại một lớp “quý tử” gây biết bao tai nạn cho người khác, và nhức nhối cho xã hội : nào đua xe, đâm chém, xì ke – ma tuý … Vâng, lòng mẹ luôn dạt dào tình yêu, nhưng người mẹ cũng cần phải học để biết biểu lộ tình yêu cho hợp lý.

Tạm kết: Một điều không thể phủ nhận: phái nữ là phái đẹp, không đẹp kiểu này thì đẹp kiểu kia, không đẹp mặt này thì đẹp mặt khác, không đẹp bên ngoài thì đẹp bên trong. Chẳng vậy mà người ta thường nói : không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp. Và một khi người phụ nữ chúng ta ý thức mình mang hình ảnh vẻ đẹp của Thiên Chúa thì mỗi người cần phải biết gìn giữ nét đẹp và làm cho mình đẹp hơn lên trong mắt người khác bằng cách trau dồi những đức tính cần có của người phụ nữ. Cho dù ở thời đại nào, môi trường nào, hay văn minh đến đâu, nét đẹp của nữ tính vẫn giữ nguyên giá trị, và luôn được mọi người trân trọng. Thêm nữa, vẻ đẹp của các mẹ các chị chính là vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã gởi gắm, thì các mẹ các chị phải sống làm sao để người ta nhận ra vẻ đẹp hoàn hảo của Thiên Chúa nơi các mẹ các chị mà thêm lòng yêu mến Thiên Chúa.

Xin cầu chúc các mẹ các chị luôn là hình ảnh vẻ đẹp cụ thể của Thiên Chúa, và Thiên Chúa sẽ luôn hãnh diện vì vẻ đẹp của Ngài đang được các hiền mẫu công giáo phác hoạ ngày càng rõ nét hơn.

BÀI 2:  NGƯỜI MẸ – NGƯỜI ĐÁP TRẢ LỜI MỜI NÊN THÁNH

CỦA THIÊN CHÚA TRONG VAI TRÒ HIỀN MẪU

1. Những lý do mà Thiên Chúa dựng nên người nữ được Kinh Thánh ghi lại

Ban đầu khi mới làm quen với quyển Kinh Thánh, đọc các trình thuật Sáng Tạo, con thường thắc mắc những câu hỏi cắc cớ: Tại sao khi dựng nên các tạo vật, Chúa chỉ cần phán một lời là có tất cả. Như Thánh Vịnh 33, 6 viết: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú”. Nhưng với con người sao Chúa không phán 1 câu để có hàng đoàn người như thế mà lại phải lấy bùn đất, loay hoay nhào nặn, rồi thổi hơi. Mà không phải nhào nắn hàng loại y như công nghệ khoa học bây giờ thường làm mà chỉ được có một người? Rồi khi Ađam buồn vì không thấy ai tương xứng với mình, sao Chúa lại không nặn thêm một anh nữa, để chơi chung với Ađam, mà phải làm ông ngủ, lấy xương sườn, lắp thịt vào thành một người hoàn toàn khác với Ađam về cả hình dáng lẫn tính tình?

Con không có ý chú giải thần học kinh thánh ở đây, song qua trình thuật này con muốn chia sẻ với các mẹ các chị một số lý do mà Thiên Chúa dựng nên người nữ:

– Để làm bạn với người nam: Khi nhìn vào cách thức Thiên Chúa lấy đất nặn lên con người, một kiểu nói để diễn tả Tình Yêu của Thiên Chúa ưu ái đối với con người, chính tay Ngài đã chạm vào con người khi dựng nên họ, cho thấy Thiên Chúa quan tâm đến con người biết bao, ngài quan tâm cả đến những nhu cầu và sinh hoạt của con người. Từ đó, Ngài nhận ra nỗi lòng Ađam: nỗi buồn thiếu người bầu bạn, thiếu người trợ tá tương xứng.

– Để làm cho cuộc sống của người nam nên tốt (St 2, 18). Thiên Chúa xác nhận: người nam ở một mình không tốt (nhưng như thế không có nghĩa là người nữ ở một mình thì tốt, mà ai ở một mình cũng đều không tốt cả). Không tốt là vì: dụng ý của Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Tình yêu, con người giống Thiên Chúa là con người phải biết yêu và có đối tượng để yêu. Nhưng nếu chỉ có một mình thì làm sao yêu. Thêm nữa, tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu sung mãn, cho nên Thiên Chúa dựng nên người nữ khác hẳn người nam để hai người có thể yêu nhau, nên một với nhau, hiến mình cho nhau để làm cho cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn nhờ sự tồn tại của tình yêu và nhất là từ tình yêu ấy con người có khả năng nên giống Thiên Chúa.

– Để nên một với nhau – bất khả phân ly: Thiên Chúa không lấy bùn đất dựng nên người nữ vì như thế hai người sẽ hoàn toàn không có khả năng nên một với nhau, người này đối với người kia không quan trọng lắm, có cũng được, không có cũng không sao, và nếu gặp chuyện bất bình có thể thay thế người khác ưng ý hơn. Thiên Chúa dùng chính xương thịt của AĐam dựng nên Eva cho thấy một điều: hai người là của nhau, không thể loại bỏ nhau, nếu thiếu nhau sẽ tự tìm đến nhau, vì là một xương một thịt.

– Để tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa (St 1,28) Thiên Chúa dựng nên Eva không chỉ làm bạn với Ađam mà còn có khả năng cùng với Ađam thực hiện việc truyền sinh. Vai trò người nữ rất quan trọng, người nữ trực tiếp mang nặng đẻ đau, trực tiếp bảo vệ sự sống đang hình thành và phát triển trong mình và sinh ra con người cho trái đất. Vai trò sáng tạo con người là vai trò của Thiên Chúa, nhưng được đặc cách dành cho người nữ với sự cộng tác của người nam.

– Để hình thành một gia đình để làm chủ vạn vật (St 1,28) Khi Thiên Chúa dựng nên Ađam, Ngài đặt ông vào vườn địa đàng và cho ông hưởng dùng những thứ cây nhất định (St 2, 8-17) Nhưng khi người nữ được dựng nên, Thiên Chúa yêu cầu họ sinh sôi nảy nở, để làm chủ vũ trụ. Cho nên, làm chủ vũ trụ không thể thực hiện được với chỉ một người mà cần có một cộng đồng. William Ross Wallace đã nói: “bàn tay để đẩy nôi con trẻ, là bàn tay ngự trị thế gian”. Cổ nhân ta cũng có kinh nghiệm: sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. Vâng, nếu không có những người con có đủ tư chất làm cha hay làm ông thì sao có thể xây dựng được thế giới nên tốt, mà để có những đứa con có phẩm cách tốt thì lại phải nhờ đến bàn tay đưa nôi của người mẹ.

Chính trong vai trò người mẹ, mà Thiên Chúa mời gọi các chị các mẹ nên thánh trong bậc sống gia đình, bằng cách thực hiện đầy đủ những đòi hỏi phải có nơi một người mẹ, đó là một trái tim biết yêu thương, một tâm hồn rộng mở trước Thánh Ý của Thiên Chúa, một cuộc sống biết đón nhận và biết cho đi.

2. Gương mẫu của Đức Maria.

Không biết các mẹ, các chị ngưỡng mộ Đức Maria ở điểm nào?

Riêng con, con ngưỡng mộ Đức Maria vì cách sống và vì những đức tính của Mẹ.

– Sự phó thác: Đức Maria luôn phó thác vào Thiên Chúa. Mẹ nhận lời đề nghị của Sứ Thần cưu mang con Thiên Chúa, dù biết rằng lời thưa “Xin vâng” là hành vi chấp nhận bước qua cánh cửa để đi vào một cuộc phiêu lưu rất nguy hiểm có thể mất mạng, có thể bị ném đá chết do luật Do Thái rất khe khắt với người phụ nữ “không chồng mà có thai”. Khi vừa sinh con, đã phải đưa con chạy trốn. Khi Đức Giêsu đi rao giảng thì có kẻ cho ông này là mát, người thì bảo ông ta là bạn của quỷ sứ, lúc thì cho là lộng ngôn phạm thượng rồi cuối cùng là đem đi giết. Mẹ đã đi cùng với Đức Giêsu qua từng chặng đường đau thương ấy, đau nỗi đau của Chúa Giêsu đã vậy, Mẹ còn đau vì xót con, vì tình mẫu tử đang giằng xé trong Mẹ và trái tim Mẹ cũng đã bao lần rướm máu như bị dao đâm. Nhưng mẹ chỉ âm thầm ghi lại để suy niệm trong lòng và tuyệt đối tin thác vào Chúa.

– Sự khiêm tốn: Đức Maria biết mình sinh ra Đấng Cứu Thế, là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ có quyền hãnh diện vì những phép lạ Con mình làm, hãnh diện vì có nhiều người đi theo nghe con mình giảng. Nhưng Mẹ vẫn giữ được lòng khiêm tốn thẳm sâu, sống cuộc sống bình dị với mọi người bên làng xóm của mình.

– Nhẫn nại chịu đựng những khó khăn: Từ khi thụ thai cho đến khi Đức Giêsu chết treo trên thập giá, Mẹ trải qua rất nhiều đau khổ. Từ trong đời sống gia đình đến bên ngoài ; khổ vì không thể giải thích với Thánh Giuse về cái thai trong bụng, sinh con và nuôi con trong nghèo khó. Con mới sinh đã phải đem chạy trốn, rồi những gièm pha dị nghị về sự khác người của con mình, cuối cùng là cái chết như một tử tội của con…Với những cay cực ấy, chắc hẳn không một bà mẹ nào có thể khổ hơn Mẹ. Nhưng Mẹ không hề than vãn, kể khổ ngay cả với người thân cận, mà luôn kiên cường trước những khổ ải ấy.

– Mẹ có những đức tính để giữ gìn một mái ấm hạnh phúc: Gia đình Thánh Gia là kiểu mẫu điển hình cho mọi gia đình. Muốn được như thế, chắc chắn Mẹ phải là một mẫu phụ nữ mang đủ những đức tính : công, dung, ngôn, hạnh, thể hiện đạo làm vợ và làm mẹ cách hoàn hảo. Mẹ luôn lắng nghe và ít lời. Mọi biến cố xảy đến, Mẹ chỉ ghi tâm và suy niệm trong lòng. Mẹ luôn thấu hiểu con mình và đây là một phương thế thành công trong việc giáo dục con cái. Điều này được chứng minh ở cách ứng xử của Mẹ khi Chúa Giêsu lên Giêrusalem lúc 12 tuổi, ở lại đền thờ mà không xin phép và tại tiệc cưới Cana.

Qua đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy Đức Maria đã có được những đức tính rất đẹp và đáng quý chứng tỏ từ thiếu thời Mẹ là một thiếu nữ được giáo dục cẩn thận, để có đủ tư chất trở thành một người vợ hiền thục đảm đang và là một người mẹ gương mẫu. Thiên Chúa đã không lầm khi chọn Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, để muôn đời khi nhắc đến Mẹ cũng phải thốt lên “Mẹ thật diễm phúc”.

3. Gương Thánh Anê Lê Thị Thành (Bà Thánh Đê)

Đây là Thánh nữ tiên khởi và cũng là bà Thánh duy nhất của Việt Nam. Trước khi trở thành vị Thánh tử đạo, bà đã là một người mẹ gương mẫu, và có lẽ đó cũng là lý do để các mẹ các chị nhận bà Thánh làm bổn mạng của mình. Theo hạnh Thánh nhân, con gái của Bà đã xác nhận: Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con, chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách tham dự Thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc giục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập hội con Đức Mẹ, và ban thiếu nữ thưa kinh ở nhà thờ.

Một người con gái khác thì nói: Song thân chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, thân mẫu thường đến thăm và khuyên bảo những lời tốt lành. Có lần Người dạy tôi: tuân theo ý chúa, con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng nhận Thánh Giá Chúa gởi cho. Hai con hãy sống hoà hợp, an vui, đừng để qi nghe chúng con cãi nhau bao giờ.

Với người ngoài, bà có lòng bác ái. Lịch sử các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã ghi nhận vì lòng bác ái này đã dẫn bà đến cái chết vì đạo. Nhưng bà luôn kiên cường trước những cực hình tra khảo, bà không hối tiếc vì mình đã làm việc lành mà chịu hậu quả như thế, bà luôn lạc quan và cho chiếc áo đẫm máu đang mặc là áo hoa hồng Chúa ban.

Mỗi người mẹ ở đây cũng được Chúa mời gọi nên Thánh trong bậc sống của mình, trong chính những môi trường chúng ta đang sống, và cả những hoàn cảnh rất riêng của mỗi người. Chúng ta học được những tấm gương sáng nơi Đức Maria, nơi bà Thánh Anê Lê Thị Thành rất gần gũi với chúng ta. Đó là những kiểu mẫu điển hình cho những người mẹ công giáo, là niềm khích lệ cho những người mẹ đừng nản lòng khi gặp gian nan, khốn khó, đừng mất niềm tin vào Chúa khi gặp bão táp cuộc đời.

Xin Chúa ban cho các mẹ các chị tìm được một phương cách nên Thánh cho riêng mình, trong chính bậc sống cũng như hoàn cảnh của mình.

Đề tài 2: Người mẹ – người kiến tạo một gia đình thánh

BÀI 3: TÌNH YÊU – CƠ SỞ NỀN TẢNG

ĐỂ HÌNH THÀNH GIA ĐÌNH

1. Tình yêu, cơ sở nền tảng để hình thành gia đình.

Đại văn hào Victor Hugo đã nói: Nếu là đá, hãy là đá nam châm; nếu là cây, hãy là cây trinh nữ; nếu là người, hãy sống cho tình yêu. Tại sao phải là hãy sống cho tình yêu” mà không phải là sống cho một điều gì khác ? Cuộc sống từng chứng minh: “con người không thể mạnh mà không có tình yêu. Bởi tình yêu không phải là sự cảm động đơn thuần. Nó là máu huyết của cuộc sống, là sức mạnh kết hợp những con người chia ly” (Paul Tilich).

Kinh Thánh bằng cung cách diễn tả của mình cũng xác nhận rằng: con người được Thiên Chúa tạo dựng có bản chất là yêu – nên nếu không yêu thì không còn là người. Sách Sáng Thế 1,26: “Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa dựng nên con người có nam, có nữ.” Chính việc có nam có nữ là có sự kết hợp với nhau trong tình yêu thì sẽ trở nên giống Thiên Chúa. Thánh Gioan định nghĩa: Thiên Chúa là Tình Yêu, nên chúng ta chỉ có thể mỗi ngày nên giống Thiên Chúa hơn bằng những nghĩa cử yêu, phát triển tình yêu và sống yêu.

Bên cạnh đó, một gia đình không thể hình thành nếu không có tình yêu. Điều đó được minh chứng khi hai người tiến lên trước bàn thờ, vị chủ tế hỏi: “Anh chị sắp kết hôn với nhau, anh chị có thật sự tự do hay bị ép buộc ?

Thưa: Thật sự tự do.

Hỏi: một khi đã thành hôn, anh chị có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không ?

Thưa : Có.

Vâng, chỉ khi xác nhận như thế, hai người mới thành thân với nhau, mới trở nên một gia đình được. Khởi đầu, trong trình thuật sáng tạo, Kinh Thánh ghi lại một câu chuyện tình của gia đình đầu tiên. Thiên Chúa thấy được cái thừa và cái thiếu nơi Ađam. “Thừa” vì Ađam có một cuộc sống đầy đủ, sung túc. Nhưng dường như ông không hạnh phúc, vì ông đang còn “thiếu”. Ông thiếu một trợ tá tương xứng để cùng đồng hành với ông, có khả năng kết hợp với ông để làm thành một gia đình, nhờ đó những con người khác sẽ xuất hiện tiếp nối cho những thế hệ sau ông. Cho nên, cái ông thừa không thể bù đắp cho cái ông thiếu, cũng không thể thay thế cho cái thiếu ấy nơi ông, cái thiếu ấy là thiết yếu, không có không được và Thiên Chúa buộc lòng phải ra tay. Khi dẫn Eva đến với Ađam, Thiên Chúa chẳng cần giới thiệu người nữ này bởi ông mà ra, chẳng cần diễn giải về việc tạo dựng bà Eva như thế nào mà chỉ cần nhìn thấy, Ađam đã thốt ngay rằng : đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Và Thiên Chúa xác nhận bằng một khẳng định “bởi thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).

Vâng, người đàn ông phải đi tìm chiếc xương sườn của mình nếu không muốn trở thành người “khiếm khuyết”. Và một điều chắc chắn là : sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì con người không được phân ly” (Mt 18,6). Vì lẽ, một khi đã nhận là một nửa của nhau thì không có lý do gì khi không thích lại loại đi chính phần cơ thể của mình.

2. Gia đình, chiếc nôi của mọi tình yêu

Chính vì gia đình được đặt nền trên tình yêu, nên gia đình cũng là nơi duy trì tình yêu và là chiếc nôi nuôi dưỡng mọi hình thái của tình yêu. Nghĩa là, từ trong gia đình ngoài tình yêu vợ chồng, còn có tình phụ – tử, mẫu – tử, huynh – đệ, bằng – hữu…

Tiến sĩ Biancant nói: “Gia đình là trường học đầu tiên và tốt nhất về sự liên đới”. Vâng, mọi cái đều bắt đầu từ tình liên đới, ý thức sống tình liên đới và từ sự liên đới tốt nhất đó mà mọi thành viên trong gia đình học, hiểu và thực hành tình yêu thương trong cương vị của mình.

Từ tình yêu vợ chồng được chuyển hoá thành tình phụ – mẫu khi có một sinh linh chào đời. Đứa con ấy là kết quả của tình yêu, là sự hội tụ của “tình anh” và “tình em”, là mối giây liên kết hai người chặt hơn nữa như Đức thánh Cha đã nói: “Phải làm sao cho con cái anh chị em sinh ra tăng cường sự bền vững cho giao ước tình yêu, bằng cách làm cho mối hiệp thông lứa đôi giữa cha mẹ được thêm phong phú và sâu rộng” (Thư gửi gia đình 1994 của ĐTC JP II, số 7).

Bên cạnh vai trò làm cho con cái được sống trong bầu khí yêu thương của cha mẹ, thì cha mẹ lý tưởng phải biết linh động chuyển đổi đóng những vai trò khác nhau đối với con cái. Lúc này, có thể ở vai trò cha mẹ, quan tâm chăm sóc con cái. Lúc khác phải nhập vai thầy dạy để giáo dục, dạy dỗ và đôi khi cũng cần nghiêm khắc với chúng, khi thì thể hiện vai trò một người bạn gần gũi, để chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông với những biến động trong suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của từng giai đoạn lớn lên của con trẻ.

Thông qua cha mẹ, đứa trẻ nhận thấy trong chiếc nôi nó đang sống, còn có nhiều anh chị hay em khác cũng cùng sống, cùng là con của cha mẹ. Cha mẹ có nhiệm vụ giúp cho con cái thể hiện tốt vai trò làm anh, làm chị, làm em trong nhà. Đây là một vấn đề mà các bà mẹ nên quan tâm đặc biệt. Có những lúc vô tình đùa giỡn mà chúng ta không biết điều đó đã ảnh hưởng đến tâm lý con cái nặng nề ra sao.

Chuyện kể rằng: hai vợ chồng nọ có hai người con một trai, một gái. Khi mang thai đứa thứ hai, cha mẹ cũng như họ hàng thường trêu chọc bé trai rằng: “Mai mốt có em là con ra rìa”. Một lần không sao, nhưng lời ấy cứ lặp đi lặp lại và tự in vào đầu đứa trẻ, những phản ứng tâm lý bắt đầu lộ diện. Câu nói ấy vô tình kích thích tính tự ái và tính sở hữu của nó, cho nên khi sinh em bé, nó rất ghét em bé, cho đó như là nguyên nhân dẫn đến sự lơ là của cha mẹ đối với nó, không còn yêu thương nó. Nó luôn tìm cách chọc em khóc, khi thì lén cấu em, khi thì lén đánh em… mẹ biết được thì la rầy, nó lại càng tức tối đinh ninh rằng mẹ yêu em bé và ghét bỏ nó. Và nó lớn lên trong sự thù hận. Không may, bé gái mắc bệnh hiểm nghèo, vừa đau tim, vừa bị bệnh huyết trắng, nên em gầy yếu xanh xao, người mẹ không dám để em làm việc gì mà mọi chuyện đều do bé trai đảm nhận, kể cả việc giặt quần áo cho em. Khi đi học, mẹ lại bắt nó đưa em đến trường, mang cặp cho em và đón em về. Nó lại càng căm tức hơn. Cho đến một hôm, khi em nó vừa tròn 16 tuổi thì căn bệnh tái phát, em nó phải vào nhà thương. Mẹ nó chăm sóc em, còn nó thì tuyệt nhiên không thèm vào thăm. Mẹ nó giục mãi, nó mới vào bệnh viện, nó thấy em nó như người sắp chết, lúc này nó mới động lòng thương, tình máu mủ mới chỗi dậy chút ít song cái hận em nó vẫn còn. Trong bệnh viện, nó thấy mẹ nó nói chuyện gì đó với một bà bác sĩ và chốc chốc lại nhìn nó… Về nhà, mẹ nó cho nó biết: em nó chỉ được cứu sống nếu nó cho em nó chịu cho người ta lấy tuỷ của nó thay vào cho em nó. May mà chút tình máu mủ cuối cùng cũng thắng, nó bằng lòng cứu sống em nó.

Đây là một câu chuyện có thật, và cái cách đùa giỡn như thế không phải là chuyện lạ hay hiếm có. Khi nói đùa với một đứa trẻ rằng nó sẽ bị ra rìa khi có em, tưởng đâu chỉ là một lời nói chơi vô hại, nhưng trẻ con không biết nói chơi, tâm hồn chúng như một tờ giấy trắng, mà chúng ta vẽ cái gì là nó in đậm vào lòng cái đó. Nếu chúng ta vẽ vào đó tình yêu thương, thì nó cũng sẽ biết yêu thương và ngược lại. Câu nói đùa đã làm cho nó sợ hãi, mặc cảm, tính ích kỷ chiếm hữu chỗi dậy, tính thù hận sẽ ở mãi trong nó, lớn lên, nó không chỉ ghét em nó, mà khi ra đường đời nó sẽ trở thành một con người thủ đoạn, bất chấp đạo lý để giành chiến thắng với người mà nó cho là tranh giành với nó, và biết bao những ức chế tâm lý khác. Cho nên, những câu nói đùa đại loại như : mẹ nhặt con ở thùng rác, ở trên cầu, con là con người ta, là những câu nói không được phép dùng, nhất là nơi người mẹ. Mà khi ai đó chọc ghẹo con mình, người mẹ có nhiệm vụ nhắc nhở để họ, nhằm bảo vệ con khỏi những ảnh hưởng của sự đùa giỡn tai hại. Người mẹ cần dạy cho con biết yêu anh chị em ruột thịt của mình, dạy cho anh, cho chị biết che chở em vì em bé bỏng. Và con cái cũng cần thấy được tấm gương ấy nơi cha mẹ mình, cha phải che chở cho mẹ, gánh vác những việc nặng trong nhà. Nhìn vào đó, con trẻ tự biết mình có trách nhiệm yêu thương và che chở em mình.

3. Những yếu tố vun đắp tình yêu.

–     Sự thống nhất trong tính cách giữa người nam và người nữ: Hai người yêu nhau, kết hôn với nhau không phải để nhìn nhau mà nhìn về một hướng. Đồng vợ, đồng chồng tát bể Đông cũng cạn. Sự hoà hợp mọi phương diện trong đời sống gia đình là trọng điểm của hạnh phúc. Hoà hợp không có nghĩa là hai người có những đức tính, những suy nghĩ giống nhau, nhưng là cảm thông chia sẻ và trân trọng những khác biệt của nhau để làm phong phú cuộc sống lứa đôi. Đồng thời chấp nhận luôn cả những hạn chế của người kia. Cuộc sống hoà hợp vẫn có thể xảy ra tranh cãi nhưng không xung đột, gây gỗ. Vì khi tranh luận, người này còn biết lắng nghe người kia nhận ra sự thật để giúp nhau thăng tiến và hoàn thiện; trong khi xung đột thì thường cố sức bảo vệ ý mình, luôn luôn cho mình là đúng. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Villot nói : “sự thống nhất giữa cá tính người nam và cá tính người nữ không phải là một đáp số có sẵn từ đầu và một lần là đủ. Nhưng nó phải được mỗi người thực hiện suốt cả đời và ngày qua ngày, suy nghĩ thực tế sẽ soi sáng cho mỗi người một chọn lựa của lịch sử lứa đôi và gia đình”. Nên gìn giữ hạnh phúc gia đình cần có thiện chí và kiên nhẫn.

–     Sự kiên trì, cần mẫn: Đức Hồng Y Feltin khẳg định: “Hạnh phúc của hai người yêu nhau được xây nên như một tổ chim, từng cọng rơm một, bằg cố gắng thông hiểu nhau”. Hạnh phúc có thể lớn dần lên từ những động thái rất nhỏ trong sự quan tâm lẫn nhau, nhưng cũng có thể bị mai một do những hành vi tưởng không là gì chỉ vì chúng ta coi thường không để ý. Nhưng để thực hiện được những việc tưởng là “vặt vãnh” ấy, hay muốn sửa đổi những khiếm khuyết nho nhỏ, đòi phải từ bỏ, và “chỉ có những tâm hồn biết từ bỏ mới biết yêu thương đích thực” (J. Vincent)

–     Sự từ bỏ: “Bạn có thể ban tặng mà không yêu, nhưng bạn không thể yêu mà không dâng hiến” (Seneca). Đức Giêsu đã vừa khẳng định vừa thực hiện chân lý ấy: “Không có tình yêu nào lớn bằng mối tình của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Tình yêu không có đối tượng chỉ là tình yêu ảo, tình yêu không có hy sinh chỉ là tình giả dối.

Tạm kết:  Gia đình có vai trò quan trọng đối với con người và xã hội. Con người cần có gia đình để sinh ra và hoàn thiện nhân cách, xã hội cần có gia đình để tồn tại. Đối với Giáo Hội lại càng quan trọng hơn. ĐTC JP II nói: “Gia đình là đường lộ của Hội Thánh” (Thư gửi gia đình 1994, số 14). Nghĩa là, gia đình là con đường chính để dẫn mọi người đến với Hội Thánh, cũng là con đường đưa đến với Ơn Cứu Độ. Cho nên “sứ vụ của gia đình Kitô hữu hoạ theo kiểu mẫu sứ vụ của Hội Thánh, đó là trở nên nơi ưu việt để làm chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa” (ĐHY Villot). Xin cầu chúc cho các mẹ, các chị có đủ tình yêu và năng lực để xây dựng gia đình theo kiểu mẫu mà Chúa và Hội Thánh mong muốn.

BÀI 4: NGƯỜI MẸ – NGƯỜI KIẾN TẠO MỘT GIA ĐÌNH THÁNH

Mục đích của người Kitô hữu là nên Thánh. Như thế, các mẹ các chị đều phải nên Thánh, đó là mục đích của chúng ta.

Song, khi sống trong bậc đôi bạn, khi tự tình thề nguyền trước Chúa và Hội Thánh để sống cho nhau, vì nhau và nên một với nhau, cũng như được Thiên Chúa kết hợp mà: “sự gì Thiên Chúa kết hợp thì con người không được phân ly”. Vì thế, khi sống đã không được phân ly thì khi chết cũng thế thôi. Do đó, người này không thể nên Thánh nếu không có người kia, mỗi người không thể nên hoàn thiện nếu không có sự bổ sung hỗ tương lẫn nhau giữa hai người, vì hai người là một nửa của nhau đó thôi. Cho nên, Bí tích Hôn Phối kết nối đôi bên thành một gia đình, thì gia đình ấy sẽ đem lại ơn cứu độ cho mọi người trong nhà cũng như mỗi thành viên trong gia đình đều có vai trò cứu rỗi nhau. Bởi vì, chiều kích gia đình chứng minh rằng: mỗi người là một ngôi vị có đủ tự do để tiến đến việc tự nguyện hiệp thông và yêu nhau như ĐTC JP II đã nói: “duy chỉ có các ngôi vị mới có khả năng hiện hữu trong hiệp thông. Gia đình hình thành từ mối hiệp thông vợ chồng mà Công Đồng Vat II gọi là giao ước, trong đó người nam và người nữ tự hiến cho nhau và đón nhận lẫn nhau” (thự gửi gia đình 1994 số 7).

Từ những ý nghĩa trên, người mẹ có vai trò kiến tạo gia đình mình thành một gia đình thánh như Chúa muốn.

1. Gia đình là Thánh Điện của sự sống

Một số lý do khiến người phụ nữ ngày nay sợ sanh con là:

  • Sợ mất đi vóc dáng lý tưởng mà mình cất công gìn giữ nhiều năm.
  • Sợ phải hy sinh quá nhiều thời gian để chăm sóc con cái.
  • Sợ không giữ được chồng vì mình không còn đẹp, hấp dẫn.
  • Sợ vất vả nuôi con.
  • Sợ không dạy dỗ được chúng.

Những lý do ấy không chính đáng chút nào. Chung quy cũg vì tính ích kỷ đã nảy sinh những suy nghĩ như thế. Nếu như vì giữ vóc dáng cho người khác ngưỡng mộ mà ngại sinh con thì là người không nhận thức đầy đủ giá trị cuộc sống. Vì tình mẫu tử chẳng đẹp hơn vóc dáng bề ngoài đó sao ? Nếu sợ chồng bỏ mà ngại sinh con thì người đó đánh giá chồng mình quá thấp, giản lược tình yêu trong những hành vi tính dục và hạnh phúc gia đình lẽ ra phải kết quả của một gia đình có đủ cha mẹ con cái thì lại bó hẹp trong sự thoả mãn giới tính.

Đức Thánh Cha cảnh báo về sự bành trướng của văn hoá sự chết trong xã hội hiện đại, người ta coi thường sự sống và muốn làm chủ trong việc sinh sản: có con theo ý muốn. Nạn phá thai tràn lan trên thế giới. Tại Nhật, trong các nơi ẩn khuất hay rừng rậm hoặc đồi núi, người ta lập những ngôi chùa để tưởng nhớ những trẻ thơ không được chào đời. Trong đó, ngôi chùa nổi tiếng nhất có tên là Camakora cách thủ đô Tôkyô không xa. Bên trong có tượng Phật Bà Quan Âm, và hàng ngàn tượng Phật nhỏ xếp quanh chùa biểu trưng cho các sinh linh bị chết oan. Những tượng đó do các phụ nữ phá thai đưa đến, và mặc cho những bộ áo trẻ thơ, treo thêm những món đồ chơi và có ghi tên con họ. Mỗi sáng, người coi chùa đều thấy xuất hiện tượng mới, chứng tỏ người ta phá thai mỗi ngày.

Tuy nhiên, theo con số thống kê thì Việt Nam chúng ta đứng hàng thứ hai thế giới về nạn phá thai, chỉ sau Trung Quốc. Có cả một nghĩa trang ở Komtum để chôn cất những hài nhi như thế. Trước cổng vào có hàng chữ: “con tha thứ cho mẹ”. Lẽ ra khoa học phát triển để phục vụ cho con người, làm cho con người sống cho ra người hơn, nhưng lại tiếp tay tạo những phương tiện cho người ta hưởng thụ thái quá đã vậy, còn cho người ta có quyền coi thường mạng sống, có quyền cho hoặc không cho con cái mình được làm người. Khi phá thai, người ta không còn coi cái thai là một nhân vị mà chỉ là một khối u cần loại bỏ không hơn không kém.

Bên cạnh đó, cách cư xử thiếu tôn trọng đối với người lớn tuổi như ông bà cha mẹ trong nhà khiến cho các ngài mặc cảm, vì phải phiền hà đến con cái, đó cũng là một trong những lý do những người già tủi thân và khi lâm bệnh họ yêu cầu bác sĩ cho họ được chết. Thế giới gọi trường hợp này là chết êm dịu.

Tôn trọng sự sống của người Công giáo chúng ta không chỉ bó hẹp trong việc tránh xử dụng những phương pháp ngừa thai nhân tạo, không phá thai mà còn mở rộng đến việc duy trì và phát triển sự sống. Trong ngày thành hôn, với câu hỏi : anh chị có sẵn sàng âu yếm đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không ? thì hai người đồng thanh thưa : có. Tuy nhiên để hiểu và thực hành lời thưa ngắn gọn ấy quả không đơn giản chút nào. Bởi vì, cha mẹ không được phép sinh sản theo kiểu: “trời sinh voi – sinh cỏ”, cũng không thể thoái thác việc không sinh sản, mà phải tiếp nhận sứ mạng cộng tác với Thiên Chúa trong việc truyền sinh, sáng tạo con người một cách có trách nhiệm, bảo đảm cho con cái có một cuộc sống tương đối tốt, một môi trường lành mạnh để trưởng thành về đức – trí – dục, có khả năng trở thành người xây dựng gia đình, xã hội và cả Giáo Hội trở thành người làm thừa kế Nước Trời.

2. Xây dựng gia đình thành một tổ ấm.

Một gia đình hình thành do tình yêu đích thực thì đó là một gia đình hạnh phúc. R. Voillaume nói: “đâu không có tình yêu, đấy không có hành động, không có cuộc sống. Con người không thể hoàn toàn là mình nếu không được yêu và không cố gắng yêu”. Tình yêu luôn đưa đến sự sống chứ không phải là tiêu diệt. Sự sống sung mãn chính là hiện thân của một tình yêu mãnh liệt. Gia đình có tình yêu, gia đình sẽ có hạnh phúc. Một gia đình hạnh phúc, là một tổ ấm hấp dẫn, là nơi an toàn và yên bình cho người sống trong đó. Nếu gia đình vắng bóng tình yêu thì nơi đó trở thành một “tủ lạnh” hoặc là một “lò lửa”.

– Là tủ lạnh: khi mọi người trong gia đình không còn thiết tha quan tâm đến nhau, không cần để ý đến nhu cầu tình cảm, tâm lý và suy nghĩ của nhau. Họ cho như thế là tôn trọng nhau, tôn trọng khoảng trời riêng của nhau. Nhưng làm gì có sự tôn trọng một khi mà mình không còn muốn biết người kia làm những gì, ở đâu, đang gặp những khó khăn gì, và đang cần giúp đỡ ra sao … thực chất đó là biểu hiện của một tình yêu chưa đủ và chưa chín, đúng hơn đó chưa phải là tình yêu, vì làm gì có một tình yêu nửa vời như thế.

– Là lò lửa: khi hai người lại xét nét nhau quá đáng, mọi lý do to hay nhỏ đều trở thành tiền đề cho một cuộc xung đột và gây gổ, tước đoạt tự do tối thiểu của mọi người trong gia đình, tước mất luôn khả năng làm chủ hợp lý trong vai trò của mình đối với gia đình. Người trong cuộc thường cho đó là cách quản lý tốt nhất để duy trì sự tồn tại của gia đình, là gìn giữ tình yêu. Nhưng ở đây làm gì có tình yêu mà gìn giữ, vì ngay cả sự tôn trọng lẫn nhau cũng không có, nó chỉ là biểu hiện của sự ích kỷ, chiếm hữu. Mà tình yêu chiếm hữu thì không nằm trong hạn mục của tình yêu đích thực.

Người ta thường nói: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Vai trò xây dựng gia đình thành một tổ ấm có nghĩa là không nóng, không lạnh là vai trò của người phụ nữ. Người phụ nữ được trời cho đức tính dịu dàng như một dòng suối mát chảy tràn trên những nơi nóng cháy đang biến thành sa mạc; một đức tính mềm mỏng để xoa dịu những cứng cỏi, khô khan của người cha, một đức tính trầm lặng, hiền hoà để kiềm giữ những xốc nổi của con cái. Người phụ nữ trong gia đình phải biết biến mình trở thành niềm an ủi đúng lúc khi chồng trở về sau cuộc vất vả mưu sinh, phải là điểm tựa vững chắc cho con cái để chúng an tâm bước vào đời. Có như thế, gia đình của các mẹ các chị mới thực sự là nơi trở về yêu thích của mọi thành viên sau những bôn ba của cuộc sống.

3. Gia đình phải là một Hội Thánh thu nhỏ.

Gia đình là một Hội Thánh thu nhỏ vì cũng đang hiện diện giữa lòng đời để làm chứng cho Đức Kitô nên trước hết, gia đình luôn gắn bó với một nền văn hoá nhất định và phải là chiếc nôi văn hoá để từ đó chuyển tải ơn cứu độ đến cho từng thành viên trong gia đình và cho những người thân cận.

– Gia đình là chiếc nôi văn hoá: Ngày 28/06 vừa qua là ngày “Gia đình Việt Nam” mang chủ đề: “Xây dựng nếp sống gia đình văn hoá, chủ động phòng chống các tệ nạn xã hội”. Đối với chúng ta, văn hoá là những giá trị truyền thống rất đẹp về gia đình mà ngày hôm nay bị mai một khá nhiều. Người ta hiếm thấy cảnh đầm ấm của một gia đình “tam đại đồng đường”. Trong năm Thánh hoá gia đình, Giáo phận Xuân lộc đã chọn “sống đạo trong nền luân lý dân tộc” để khai triển hướng sống cho chúng ta. Trong đó, chữ Hiếu được đặt lên hàng đầu. Trong chữ hiếu, không chỉ là nuôi nấng cha mẹ già yếu, mà còn thể hiện một tôn ti trật tự trong gia đình, con cái phải biết kính trên nhường dưới. Muốn vậy, những người mẹ phải có nhiệm vụ giáo dục con mình, phải để ý từng hành vi rất nhỏ, từng cơ hội bất chợt để dạy dỗ con cái. Ví dụ: khi có ai đó mang sang biếu gia đình một ít trái cây chẳng hạn, đứa con trông thấy, vòi mẹ cho ăn, thì người mẹ chỉ cần nhẹ nhàng nói với con : Con chờ ba (hay ông, bà) về dùng trước rồi sẽ cho con ăn, vì con nhỏ, ăn trước như thế là không ngoan. Chỉ thế thôi, nhưng chúng ta đã tập cho con biết trên biết dưới, biết nhìn trước nhìn sau. Và khi nhận của ai cái gì, chúng ta cần dạy con mình biết cám ơn để giáo dục lòng biết ơn nơi con cái. Chính cha mẹ cũng phải làm gương trong cách ứng xử cho con cái mình. Trong gia đình, người mẹ cần dạy con cách xưng hô đúng bậc mình để giáo dục tính lễ phép. Như thế, để tạo một nếp sống văn hoá trong gia đình, thì giáo dục là điều quan trọng. Hơn nữa “mục đích của giáo dục là chuẩn bị chu đáo cho một cuộc sống hoàn hảo” (Spencer). Khi hấp thụ một nền giáo dục càng cặn kẽ, con cái các mẹ sẽ càng thành người có ích cho xã hội.

– Xây dựng một gia đình Thánh: Chính trong chiếc nôi văn hoá gia đình mà ơn Cứu độ được thực hiện. Thiên Chúa muốn dùng gia đình để thông chuyển ơn cứu độ cho mọi thành viên trong gia đình cũng như cho người khác. Người mẹ có bổn phận kiến tạo một gia đình thánh, thành một giáo hội thu nhỏ, nơi đó có Thiên Chúa hiện diện. Tuy nhiên để gây dựng một nếp sống đạo đức cho gia đình, người mẹ phải nêu gương sáng của một đời sống thánh thiện, cổ nhân nói : “phúc đức tại mẫu”. Cái đức của người mẹ không chỉ để nêu gương mà còn để lại phúc lành cho con cái. Do đó, người mẹ cần cẩn trọng trong mọi hành vi lời nói, xa tránh những điều xấu và chuyên chăm làm việc thiện. Đôi khi, trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường bị cám dỗ làm điều xằng bậy với một lý do xem ra chính đáng. Song, không thể nào có môt điều xấu mà mang dụng ý tốt, mọi lý do đưa ra chẳng qua nhằm hợp thức hóa sự sai trái của chúng ta để trấn an lương tâm mà thôi. Do đó, để kiến tạo một gia đình thánh không phải là chuyện dễ, vì chúng ta phải chấp nhận thua thiệt, phải từ bỏ những toan tính vụ lợi, mà những toan tính ấy nhiều khi đem lại cho chúng ta một nguồn lợi đáng kể không dễ gì bỏ qua. Cho nên, chúng ta vẫn phải đấu tranh với chính mình, phải giằng co khi lựa chọn: một là Nước trời, hai là mối lợi trước mắt. Nhưng Chúa đã dạy rằng: “Nếu lời lãi cả thế gian, mà mất linh hồn thì nào có ích gì.”

Rất mong các các mẹ các chị cùng suy nghĩ và cầu nguyện thêm để chúng ta vạch ra một hướng đi đúng cho gia đình mình mà không phải hối tiếc về sau.

Đề tài 3: Người mẹ – người làm cho gia đình trở thành chứng nhân

cho sự thánh thiện của Thiên Chúa giữa lòng đời.

 Bài 5: LÀM CHỨNG CHO SỰ THÁNH THIỆN CỦA THIÊN CHÚA

Bản chất của Hội Thánh là truyền giáo. Thiên Chúa mời gọi mỗi người phải làm chứng cho Ngài giữa lòng đời. Và Ngài đang mời gọi các mẹ các chị làm chứng về sự hiện hữu của một nước trời tại thế.

Thực ra, gia đình chính là hình ảnh gần nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, gia đình có một lợi thế để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong những đặc điểm sau:

1. Hiệp nhất và chia sẻ

Mensel nói: “con người trở nên cô đơn vì trong cuộc đời thay vì xây những chiếc cầu, người ta lại đi xây những bức tường”. Đúng vậy, xã hội càng văn minh, người ta càng khép kín “đèn nhà ai nấy rạng” không cần biết đến người thân cận. Thật là phi lý khi từ nguyên thuỷ, Thiên Chúa thấu hiểu nỗi cô đơn của Ađam, nên Ngài mới dựng nên cho ông Eva là bạn đời. Mãi cho đến bây giờ, con người vẫn cảm thấy cô đơn, cô đơn không phải vì thiếu người làm bạn, nhưng cô đơn vì người ta tự cô lập mình, khép kín cửa lòng mình, vì không muốn bắc cầu cho người khác đi đến với mình, mà lại tự xây một lô cốt nhốt mình lại. Như thế thì có đến Thiên Chúa cũng đành bó tay mà thôi.

Hoạ sĩ Goya người Tây Ban Nha vào thế kỷ XVIII đã vẽ một bức hoạ thời danh có tên là “gậy gộc”. Bức tranh vẽ hai người đàn ông đang giơ cao chiếc gậy trong tay để choảng vào nhau trong một sa mạc đang cơn bão cát. Hai chiếc gậy còn cách xa nhau, khó có thể đập vào nhau, nhưng đôi chân của hai ông đang lún dần xuống cát và có nguy cơ bị bão cát nhận xuống. Bức tranh cho thấy hai ông chưa chắc đã chết vì hai chiếc gậy mà có thể sẽ chết vì bão cát. Câu chuyện phản ánh một thực tế rất đời thường, nhiều khi người ta sẽ không chết vì những tai hoạ gây ra cho nhau, nhưng có thể chết vì sự thù hận trong chính lòng mình.

Trong một thế giới mở rộng đường cho chủ nghĩa cá nhân phát triển đến giới hạn tột cùng của nó, cũng là mảnh đất rất tốt nuôi dưỡng sự chia rẽ. Thì sự hiệp nhất của đời sống gia đình là một lời chứng hùng hồn cho những giá trị siêu nhiên của hạnh phúc đích thực, giải toả những cô đơn trong tâm hồn con người. Và đó cũng là lời chứng cho Tình Yêu Thiên Chúa, vì Thiên Chúa luôn muốn con người được hạnh phúc. Nhưng phải sống sự hiệp nhất ra sao?

Mỗi người mẹ được mời gọi nên một với chồng mình, với con mình và cả với người thân cận. Nên một với chồng để xây dựng một gia đình hạnh phúc, nên một với con cái để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng con mình và giúp con cái trưởng thành và sống sung mãn. Nên một với người thân cận để thấy nỗi đau của người khác cũng là của mình để cảm thông và chia sẻ, thấy được khuyết điểm của người khác cũng là của mình để  tìm cách che đậy và kín đáo sửa chữa cho nhau thay vì biến nó thành một mẩu tin “thời sự” rao rêu với người khác, tạo cơ hội cho tính “ngồi lê đôi mách” có đất phát triển và nhân rộng.

2. Làm chứng cho niềm tin.

Khi khoa học phát triển, đã tạo ra những dịch vụ nhằm cung ứng mọi nhu cầu cho con người. Khi không thể sinh con, cũng chạy đến dịch vụ, khi muốn phá thai cũng là dịch vụ, khi cung ứng những nhu cầu đời sống cũng nhờ dịch vụ. Đến nỗi, con người ngày nay dường như tin vào dịch vụ hơn là tình người. Dịch vụ thì sòng phẳng, “tiền trao cháo múc” không còn gì phải áy khi một khi tiền trao đủ, nhưng tình người thì khác, nó bắt mình phải nghĩ ngợi, phải tìm cách trả ơn “hòn đất ném đi, thì hòn chì phải ném lại”. Tình người ngày càng bị bán rẻ bởi những tính toán so đo, đến nỗi tình yêu chân thành vô vị lợi trở thành “cổ vật” được trưng bày trong viện bảo tàng hơn là được nhân rộng. Bên cạnh đó, ai cũng ham lợi nhuận, đôi khi dùng thủ đoạn để lừa lọc nhau, hạ bệ lẫn nhau, khiến cho tính đa nghi lớn dần lên và sự chân thành trong lòng người trở thành của quý hiếm. Với một xã hội như thế, thì người mẹ được mời gọi trở nên nhân chứng của lòng tin. Nhưng tiên vàn, người mẹ phải sống làm sao để trở nên người đáng tin cậy. Để người chồng có thể tin vào sự thuỷ chung của vợ, người con có thể tin vào tình yêu vô vị lợi của mẹ, để người chòm xóm tin vào sự chân thành của tình làng nghĩa xóm nơi các mẹ các chị. Muốn thế, các mẹ các chị cần có một thái độ sống thật đứng đắn, thật hoà nhã, thật bao dung.

Bên cạnh đó, làm chứng cho niềm tin biểu hiện nơi một cuộc sống luôn vui tươi biết hy vọng, đời còn có hy vọng thì đời còn đáng sống. Chỉ khi cuộc sống gia đình chúng ta trào tràn niềm vui thì chúng ta mới làm chứng cho mọi người thấy rằng : cuộc sống của chúng ta luôn là tin mừng, mang tin mừng cho dẫu của cải vật chất còn phải bóc ngắn cắn dài.

3. Làm chứng cho tình yêu.

Người ta thường nói: Trái tim người nữ chỉ có một ngăn, đã yêu ai thì một lòng một dạ với người đó, đôi khi tình yêu mù quáng đã che mắt khôn ngoan khiến nhiều cô gái nhẹ dạ trao cả đời mình cho những người đàn ông không thật xứng đáng. Những cô gái ấy đáng thương hơn đáng trách, song với sĩ diện gia đình và đạo đức xã hội thì lại coi hành vi đó đáng trách hơn là đáng thương.

Ở đây, con chỉ muốn đề cập đến tình yêu nơi người phụ nữ vốn là tình yêu không mạnh mẽ nhưng đằm thắm, không chiếm hữu mà chỉ cho đi. Tuy nhiên, với môi trường xã hội hôm nay, tình yêu nơi người phụ nữ không còn vô tư như trước. Nhiều cô gái ngày nay tính toán rất kỹ trước khi lập gia đình, những người mẹ cũng rất so đo trước khi gả con gái hay cưới vợ cho con.

Vậy thì người mẹ công giáo sẽ làm chứng cho tình yêu tinh ròng của Thiên Chúa như thế nào?

Người mẹ yêu con luôn là một hình ảnh đẹp, nhưng tình yêu người mẹ cần phải độ lượng hơn. Có nhiều bà mẹ chỉ mở lòng ra với con mình và đóng lại với con người khác. Ví dụ: Khi con còn nhỏ, chúng ra đường đánh nhau, người mẹ bênh con chưa tìm hiểu thực hư đã vội đánh mắng con hàng xóm và chuyện xích mích giữa những đứa trẻ trở thành chuyện thù hằn giữa những người lớn. Khi con khôn lớn, đến tuổi cập kê chúng yêu ai, mến ai đều phải được phép mẹ. Có những người mẹ khi thấy bạn con mình thua kém nhà mình nhiều thứ thì cấm cách, có khi khinh bỉ ra mặt. Cho nên, người mẹ chỉ có thể làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa khi tình yêu ấy phải có chất men của độ lượng, của quảng đại, của hy sinh.

Người vợ yêu chồng cũng là điều chính đáng, nhưng tình yêu ấy phải son sắt thuỷ chung, biết thông cảm, tha thứ và chia sẻ khi cần thiết.

Người phụ nữ biết sống tốt với xóm làng cũng là một hình ảnh biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa. Sống tốt bằng cách nào ? nhiều khi chúng ta cho rằng mình nghèo, chẳng có gì để cho nên người ta cũng không muốn thân thiện với mình. Nhưng không ai giàu có đến độ không thiếu một thứ gì, và cũng không ai nghèo đến độ không có gì để cho. Chúng ta có thể nghèo vật chất, nhưng chúng ta không nghèo nụ cười, nghèo lời thăm hỏi, nghèo tình yêu thương chân thành mà những thứ này ai cũng cần, cũng muốn nhận, nên chúng ta cứ hào phóng dâng tặng, đó chính là biểu hiện của một cuộc đời có Chúa ở cùng và người ta cũng dễ thấy Chúa nơi các mẹ qua cách hành xử như thế.

Làm chứng cho tình yêu sung mãn của Thiên Chúa còn biểu hiện nơi sức sống trào tràn trong gia đình, vì tình yêu luôn làm cho sống chứ không đưa đến chỗ tiêu diệt. Với bàn tay khéo léo của người mẹ, chúng ta phải làm cho sự sống triển nở không ngừng trong gia đình mình. Những người ngoài công giáo sẽ thấy được sức sống vươn lên trong mỗi thành viên, sức sống biểu hiện trong sự hiệp nhất huynh đệ, sức sống của một đức tin công giáo vững mạnh, luôn yêu mến và tôn trọng sự thật cho dù phải chịu những thua thiệt.

4. Làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa.

Phải làm sao để bản thân các mẹ các chị phải sống thánh mỗi ngày. Muốn vậy trước hết chúng ta cần biết kiểm thảo mình trước khi xét nét hay đổ lỗi cho người khác.

Có một câu chuyện kể rằng: Một ông lão thích ngủ ngày, đứa cháu tinh quái của ông đã lén bôi bột cà ri lên râu của ông. Khi đó, mùi cà ri chưa phổ biến ở tây Âu, sở dĩ đứa bé có được là vì cha nó mới đưa từ Ấn Độ về. Đang ngủ, ông bị mùi cà ri đánh thức, ông thấy sao giường mình hôm nay hôi thế, ông chỗi dậy đi ra phòng khách, ngồi được 5 phút lại vẫn thấy hôi, ông lẩm bẩm: sao phòng khách nhà mình hôm nay hôi thế, vậy tiếp khách sao được. Ông đi xuống bếp, cũng vẫn thấy hôi, ông bảo : quái! sao bếp hôm nay hôi thế làm sao mà ngồi ăn. Ông lững thững đi ra phố, đi đến đâu thì mùi hôi vẫn cứ theo ông, ông không chịu được nữa bèn nói : sao hôm nay cả thế giới đề hôi thế này không biết!

Vâng, ông lão đi đâu cũng thấy hôi, nhưng ông không biết rằng mùi hôi phát xuất từ ông, chỉ cần ông lau mặt đi là đủ.

Kính chúc các mẹ các chị làm tốt vai trò của mình trong việc làm chứng cho sự Thánh thiện của Thiên Chúa giữa lòng đời.

BÀI 6: GIA ĐÌNH SỐNG MẦU NHIỆM KINH MÂN CÔI

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, Đức Thánh Cha kết thúc năm Mân Côi. Trong năm Thánh hoá gia đình, khi chia sẻ với các mẹ các chị về những vấn đề thuộc về gia đình, thiết tưởng không thể bỏ qua kinh Mân Côi.

1. Kinh Mân Côi – lời kinh truyền thống của Giáo Hội

Khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Thiên Thần đã chào Kính Đức Maria : Kính Mừng Maria đầy ơn phúc… theo hạnh cha Thánh Đaminh ghi lại thì đây là lời kinh mà chính Đức Mẹ hiện ra trao cho Thánh Đaminh. Chẳng vậy mà các tu sĩ Đaminh đều đeo một cỗ tràng hạt bên trái để nhắc nhớ mình bổn phận đọc, sống và truyền bá kinh Mân Côi.

Tuy nhiên, không chỉ các tu sĩ Đaminh mới chuộng kinh Mân Côi mà trong mỗi gia đình, kinh chủ đạo trong các giờ cầu nguyện vẫn là kinh Mân Côi, các mẹ các chị đi viếng xác ai, viếng mộ hay đọc kinh giỗ cũng đều có lần hạt.

Lời kinh đó là lời kinh chung của toàn Giáo hội, được mọi người trên thế giới đều đọc. Các kinh khác có thể mỗi quốc gia mỗi khác, nhưng riêng kinh Mân Côi là kinh phổ biến nhất và ai ai cũng biết.

2. Kinh Mân côi – lời kinh của mọi người, mọi giới, mọi tầng lớp, mọi cấp bậc.

Nhiều người nghĩ rằng, kinh Mân Côi chỉ dành cho giới bình dân còn các nhà trí thức uyên thâm thì đọc và nghiên cứu chính vào bản văn Kinh Thánh kia. Nhưng có nhiều nhà trí thức đã rất yêu thích đọc kinh Mân Côi. Bằng chứng là:

Một ngày nọ, một cậu sinh viên Pháp bắt xe lửa để đi, trên toa của cậu có một cụ già trán cao, tóc bạc trắng. Khi xe lửa chuyển bánh thì cũng là lúc cụ già lôi trong túi ra một cỗ tràng hạt và bắt đầu lâm râm đọc kinh. Lúc đầu cậu lờ đi không nói gì, và chăm chú vào một cuốn sách viết về khoa học hiện đại. Nhưng mãi một lúc sau, cậu nhìn sang vẫn thấy cụ già lần hạt. Như không thể kiên nhẫn hơn nữa, cậu bèn gợi chuyện: Này cụ, bây giờ là thế kỷ nào rồi mà cụ vẫn cứ còn đọc cái kinh lẩn thẩn kia thế. Nếu mà cụ biết được khoa học ngày nay phát triển đến cỡ nào, chắc hẳn cụ sẽ thôi không đọc cái của nợ ấy nữa đâu.

Cụ giả thản nhiên đáp: Vậy sao!

Cậu sinh viên tiếp: Cháu đang là sinh viên ở Paris, nếu cụ muốn cụ cho cháu địa chỉ, cháu sẽ gởi cho cụ một ít cuốn sách nghiên cứu về khoa học để cụ đọc.

Cụ già từ tốn trả lời: Vâng, rất cám ơn cậu, phiền cậu gởi cho tôi những cuốn sách cậu tâm đắc để tôi có dịp học hỏi. Đây là địa chỉ của tôi.

Nói rồi, cụ già lôi từ trong túi xách một chiếc danh thiếp, trên có ghi: Louis Pasteur – Viện hàn lâm Paris. Vừa thấy tên nhà bác học lừng danh, cậu sinh viên ba hoa lủi ngay xuống hàng ghế cuối.

Hơn ai hết, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là người rất sùng mộ kinh Mân Côi. Ngài luôn khuyến khích mọi người đọc kinh Mân côi và chân thành chia sẻ những kinh nghiệm sống của mình. Từ tháng 10 năm ngoái, kinh Mân Côi đã được Đức Thánh Cha thêm vào 5 sự sáng, để bản kinh Thánh rút gọn của chúng ta được đầy đủ hơn.

3. Người mẹ có vai trò truyền bá kinh Mân Côi trong gia đình.

Khi nghiên cứu về những truyền thống văn hoá của dân tộc, các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng, chính những người phụ nữ, những người mẹ trong gia đình có công gìn giữ những truyền thống ấy hơn là các ông. Người ta nhận thấy: Khi văn hoá Trung Hoa tràn vào, Việt Nam cũng bị lây nhiễm định kiến “trọng nam khinh nữ” nên con gái không được đi học, nam giới đi học thì về làm quan, còn nữ giới chỉ cần học biết làm việc nhà là đủ. Cho nên, khi liệt kê đến những phẩm chất cần có của người nữ, nho học chỉ gói chúng trong 4 chữ: Công, dung, ngôn, hạnh. Tuyệt không thấy chỗ nào đả động đến học vấn. Thậm chí, nếu ai cho con gái đi học thì sẽ bị cười chê vì cho nó đi học biết chữ chỉ tổ viết thư cho trai. Chính vì cái thiệt thòi ấy mà người phụ nữ không được tiếp xúc với nền văn hoá ngoại lai, họ chỉ học thuộc lòng những câu ca dao, dân ca, những câu vè, câu đối truyền khẩu thấm nhuần đạo lý làm người và đó cũng là hình thái văn hoá truyền thống đặc thù của người Việt Nam. Sau đó, trong những khi đưa võng ru con, họ hát những câu vè, câu ca ấy. Nhờ thế mà kho tàng văn hoá dân gian còn giữ được khá nhiều những bài ca dao dân ca. Luân lý của Việt nam không phải ở trong : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Hay ở trong tam cương, ngũ thường – đó là luân lý của Trung Hoa. Luân lý của Việt Nam được truyền thừa từ đời nọ đến đời kia trong các câu tục ngữ, ca dao, dân ca, phong dao và các câu chuyện thần thoại dân gian. Và tất cả những triết lý, luân lý của người Việt Nam ấy lại được chính những người mẹ gìn giữ.

Những bài kinh truyền khẩu trong gia đình, cũng thường được các mẹ dạy cho con cái, và kinh đầu tiên mà con cái được học thường là kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Cha, rồi Kinh Sáng Danh. Vì Thế Giáo Hội khuyến khích những người mẹ đừng bỏ qua thói quen tốt lành này.

Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha khuyến khích nên có những sáng kiến khi đọc kinh Mân Côi trong gia đình để lời kinh ấy không chỉ là kinh dễ đọc, dễ hiểu, nhưng còn để sống và đọc làm sao để mang lại lợi ích thiết thực.

Và đây là cách mà Đức Thánh Cha gợi ý:

– Sau khi xướng lên một mầu nhiệm, nên đọc một đoạn Kinh Thánh liên quan đến mầu nhiệm ấy, đoạn Kinh Thánh dài hay ngắn tuỳ theo hoàn cảnh và thời gian cho phép. Vừa lắng nghe, vừa tâm niệm đoạn Kinh Thánh ấy là Lời Chúa đang nói với chính mình và cho thế giới ngày hôm nay. Vì Đức Thánh Cha nhấn mạnh : “Vấn đề không phải là nhắc lại một thông tin, mà là để Thiên Chúa nói” (KMC, 30)

– Thinh lặng giây lát để chiêm ngắm mầu nhiệm, để mầu nhiệm thấm sâu vào lòng. Đức Thánh Cha khuyên nhủ : “không có sự chiêm ngắm, kinh Mân Côi chỉ là cái xác không hồn và có khuynh hướng trở thành máy móc, nhàm chán” (KMC 12)

– Tiếp theo, đọc các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh trong niềm tin rằng lời chuyển cầu của Mẹ Maria cho chúng ta sẽ đạt được trong trái tim của Chúa Giêsu, con Mẹ.

Khi đọc kinh Mân Côi trong sự chiếm ngắm như thế, chính là cơ hội tốt nhất nhắc chúng ta phải kiểm điểm lại đời sống gia đình, nhắc chúng ta thực hiện những đức tính cần thiết để xây dựng một gia đình Thánh, để nên Thánh trong vai trò người mẹ. Ví dụ:

– Khi ngắm thứ nhất Mùa Vui, ta xin cho được ở khiêm nhường. Sự khiêm nhường cần thiết để giúp ta biết phó thác vào Chúa, chấp nhận những thử thách của đời sống thường ngày trong vui tươi và tin yêu, khiêm nhường trong tương quan với người thân cận, biết nhường nhịn đúng lúc.

– Khi Ngắm thứ hai, ta xin cho được yêu người. Là chúng ta xin cho mình biết yêu thương người khác như chính mình, biết quan tâm đến nhu cầu tha nhân như Mẹ Maria quan tâm chia sẻ niềm vui với Bà Isave, vì niềm vui được chia sẽ nhân lên gấp đôi, nỗi buồn được chia sẻ vơi đi một nửa.

– Ngắm thức ba  Chúa Sinh ra, nhắc ta dù gặp khó khăn cũng vẫn biết tôn trọng sự sống.

– Ngắm thứ tư: Mẹ dâng con, nhắc ta biết tuân thủ luật pháp của xã hội và nhất là Giáo Hội…

Do đó, từng câu từng chữ trong Kinh Mân Côi chính là từng cơ hội Chúa gợi ý cho ta một hướng sống, Chúa nhắc nhớ ta những gì còn khiếm khuyết phải sửa đổi. Đọc kinh Mân Côi như thế mới thực sự có lợi cho đời sống của chúng ta.

Người mẹ cũng cần dạy cho con cái biết tận dụng những giây phút rảnh rỗi để đọc kinh Mân Côi. Nếu như ngoài những thời gian học tập và làm việc, thời gian còn lại dùng để lần hạt chắc chắn sẽ bớt đi được nhiều thứ tệ nạn lắm. Vì lẽ, siêng năng đọc kinh Mân Côi sẽ không còn thời gian để phung phí vào những thú vui chơi giải trí. Nhất là trong xã hội hôm nay, tràn lan những phương tiện giải trí thiếu lành mạnh, rất dễ dẫn con cái chúng ta sa vào những tệ nạn. Cho nên, nếu xã hội đang kêu gào các gia đình nên tìm cách chủ động phòng chống các tệ nạn xã hội, thì thiết tưởng đối với gia đình công giáo thì việc đọc kinh Mân Côi là cách tốt nhất giúp chủ động ngăn ngừa tệ nạn.

4. Duy trì các giờ kinh tối chung trong gia đình.

Đây là một truyền thống tốt lành của nhiều gia đình. Truyền thống đọc kinh chung có nhiều mối lợi.

  • Tạo một thói quen đạo đức
  • Giúp các thành viên biết tôn trọng sinh hoạt chung của gia đình
  • Củng cố, duy trì sự hiệp nhất trong gia đình.
  • Duy trì lòng đạo đức chung, và khi cầu nguyện chung thì có Chúa luôn ở giữa.
  • Con cái được thừa hưởng truyền thống đạo đức từ cha mẹ, ông bà.

Tuy nhiên, ngày nay, truyền thống đọc kinh chung trong gia đình đang có nguy cơ mai một, theo với xu hướng hưởng thụ của xã hội, kinh tế ngày nay có khá hơn, người ta không còn chỉ tìm ăn no mặc ấm mà phải là ăn ngon mặc đẹp. Các bạn trẻ nhân đó thường dành giờ buổi tối để đi chơi, đi học thêm… khiến cho giờ kinh tối chung trong gia đình may ra chỉ còn có cha và mẹ đọc thay cho cả nhà. Nhưng nếu tình trạng này không được kịp thời chấn chỉnh, lòng đạo đức nơi con cái chúng ta cũng dần dà bay mất, mà một khi như thế thì khó có thể bắt chúng giữ đạo đàng hoàng được. Do đó, những người mẹ có trách nhiệm bàn bạc chung với cả gia đình để thống nhất một giờ kinh chung, không ai được phép vắng mặt. Nhờ đó mới có thể  giúp con cái chúng ta trau dồi đức tin và sống đạo tốt được.

ĐỂ KẾT:

Khoá tĩnh tâm của các mẹ các chị dịp mừng lễ bổn mạng cho đến hôm nay đã khép lại, trong 6 bài chia sẻ vừa qua, con chỉ muốn mở rộng chút ít vai trò quan trọng của người mẹ trong gia đình. Các mẹ cần nhớ rằng: Thiên Chúa muốn các mẹ nên thánh trong bậc sống gia đình, trong vai trò người mẹ. Nhưng các mẹ không thể nên thánh một mình mà không có quý ông hay con cái, vì đó chính là những phần chi thể của các mẹ các chị. Do đó, các mẹ muốn nên Thánh thì cần phải kiến tạo gia đình mình trở thành một gia đình thánh như gia đình Thánh Gia xưa kia. Từ đó, các mẹ mới có thể làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa, làm chứng cho trần gian thấy được Nước Trời đang hiện diện ngay trong trái đất này – đó chính gia đình của các mẹ các chị.

Xin kính chúc các mẹ, các chị hoàn tất tốt đẹp vai trò người mẹ mà Chúa đã dành riêng để trao ban cho các mẹ các chị. Một khi sống tốt vai trò của mình thì đó là lời biết ơn cụ thể nhất đối với những ân huệ của Chúa.

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *