Giáo Hạt Cà Mau

Radio: Vatican News Tiếng Việt thứ Năm 28.01.2021

ĐTC Phanxicô: Thánh Kinh là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 27/1, Đức Thánh Cha đã suy tư về tầm quan trọng của Kinh Thánh trong đời sống cầu nguyện. Ngài giải thích về phương pháp cầu nguyện “lectio divina” – cầu nguyện bằng Kinh Thánh

Hồng Thủy – Vatican News

Sách Giáo lý khuyến khích các tín hữu cầu nguyện bằng việc đọc Kinh Thánh, để có cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và chính chúng ta. Là lời hằng sống, Kinh Thánh nói với chúng ta ở thời điểm và nơi chốn hiện tại của cuộc sống chúng ta, chiếu sáng cho những tình cảnh mới, mang lại những hiểu biết mới mẻ và thường thách thức lối suy nghĩ và nhìn thế giới theo thói quen của chúng ta.

Đức Thánh Cha giải thích về việc thực hành lectio divina – cầu nguyện bằng Kinh Thánh: đọc chậm rãi một đoạn Kinh Thánh, rồi suy niệm bản văn theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để Chúa nói với chúng ta qua một từ, một câu hay một hình ảnh cụ thể. Kết quả của cuộc đối thoại trong cầu nguyện này là việc chiêm niệm, thinh lặng nghỉ ngơi trong ánh nhìn yêu thương của Chúa Cha. Và Kinh Thánh trở thành nguồn bình an, sự khôn ngoan và sức mạnh vô tận khi chúng ta trưởng thành trong đức tin và thể hiện nó một cách cụ thể trong việc bác ái và phục vụ tha nhân.

Kinh Thánh được viết cho mỗi người chúng ta

Mở đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nhận định: Những lời Sách Thánh không được viết để bị giam cầm trên các mảnh giấy cói, giấy da hay giấy, nhưng để được đón nhận bởi một người cầu nguyện và làm cho chúng nảy mầm trong lòng người đọc. Sách Giáo lý khẳng định: “kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người” (số 2653). Câu Kinh Thánh đó cũng được viết cho tôi, cách đây hàng hàng thế kỷ, để mang lời của Chúa đến cho tôi. Kinh nghiệm này xảy đến với mọi tín hữu: một đoạn Kinh Thánh, đã được nghe nhiều lần, bất ngờ, một ngày nào đó, nói với tôi và soi sáng cho hoàn cảnh mà tôi đang sống.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều cần thiết là “tôi, ngày hôm đó, có mặt trong cuộc hẹn với Lời đó. Mỗi ngày Chúa đi qua và gieo một hạt thóc vào trong mảnh đất đời sống của chúng ta. Chúng ta không biết hôm nay Chúa sẽ gặp thấy mảnh đất khô cằn, gai góc hay mảnh đất tốt làm cho hạt giống đó mọc lên (x. Mc 4,3-9). Để cho Sách Thánh trở thành Lời hằng sống của Thiên Chúa thì tùy thuộc nơi chúng ta, tùy vào việc chúng ta cầu nguyên, tùy vào tấm lòng cởi mở của chúng ta khi đến với Sách Thánh.

Chúng ta là “những nhà tạm” của Lời Chúa

Đức Thánh Cha lưu ý: Qua việc cầu nguyện, có một cuộc nhập thể mới của Lời xảy ra. Và chúng ta là “những nhà tạm” nơi lời của Thiên Chúa muốn được chào đón và được lưu giữ, để có thể viếng thăm thế giới. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tiếp nhận Kinh Thánh mà không có những động cơ cá nhân, không lợi dụng nó. Người tín hữu không tìm trong Thánh Kinh sự ủng hộ quan điểm triết học và đạo đức của riêng mình, nhưng vì họ hy vọng một cuộc gặp gỡ; người tín hữu biết rằng lời Chúa đã được viết trong Chúa Thánh Thần, và do đó chúng phải được đón nhận và hiểu biết trong cùng Thánh Thần đó, để cuộc gặp gỡ có thể xảy ra.

Đức Thánh Cha chia sẻ rằng ngài cảm thấy hơi khó chịu khi nghe các Ki-tô hữu đọc Kinh Thánh như những con vẹt. Bạn có gặp Chúa với câu Kinh Thánh đó không? Đó không chỉ là vấn đề thuộc lòng nhưng là vấn đề ghi nhớ bằng con tim, điều đưa bạn đến cuộc gặp gỡ với Chúa. Lời đó, câu đó, đưa bạn đến gặp gỡ với Chúa.

 Ân sủng và sức mạnh của Lời Chúa

Do đó chúng ta đọc Sách Thánh bởi vì Sách Thánh “đọc chúng ta”. Đức Thánh Cha giải thích: Để có thể nhận ra chính mình trong đoạn sách này hay nhân vật kia, trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh kia, đó là một ân sủng. Kinh Thánh không được viết cho một nhân loại chung chung, nhưng cho chúng ta, những người nam và người nữ bằng xương bằng thịt, cho tôi. Và lời của Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần truyền vào chúng ta, khi được đón nhận với tấm lòng cởi mở, sẽ không để cho mọi sự vẫn như trước đó, nhưng thay đổi chúng. Đây là ân sủng và sức mạnh của Lời Chúa.

“Lectio divina”

Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhận định: Truyền thống Ki-tô giáo rất phong phú về kinh nghiệm và suy tư cầu nguyện với Sách Thánh. Đặc biệt, phương pháp “Lectio divina” đã được hình thành; nó xuất phát từ môi trường đan tu, nhưng bây giờ cũng được thực hành bởi các tín hữu thường xuyên tham gia các sinh hoạt giáo xứ.

Đức Thánh Cha giải thích: Trước hết là đọc đoạn Kinh Thánh cách chăm chú: tôi muốn nói là đọc với sự “vâng phục” bản văn, để hiểu tự bản văn có ý nghĩa gì. Tiếp đến, là đối thoại với Sách Thánh, để những lời đó trở thành nguyên nhân cho việc suy niệm và cầu nguyện: luôn luôn bám chặt lấy bản văn, bắt đầu tự hỏi mình về điều bản văn “nói với chúng ta”. Đây là một bước rất tinh tế, chúng ta không được vội vã sa vào những cách giải thích chủ quan, nhưng chúng ta phải là một thành phần của cách thức sống động của Truyền thống, điều liên kết mỗi chúng ta với Sách Thánh. Bước cuối cùng của Lectio divina là chiêm niệm. Những lời nói và ý tưởng ở đây sẽ dẫn đến tình yêu, như giữa những người yêu nhau, đôi khi nhìn nhau trong im lặng. Văn bản Kinh thánh vẫn ở đó, nhưng giống như một tấm gương, giống như một bức ảnh để người ta chiêm niệm.

Lời Chúa là nguồn bình an

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Qua việc cầu nguyện, Lời Chúa đến cư ngụ trong chúng ta và chúng ta ở trong Lời Chúa. Lời Chúa soi sáng những dự định tốt đẹp và củng cố các việc làm; ban cho chúng ta sức mạnh và sự an bình, và cả khi chúng ta gặp thử thách, Lời Chúa cũng ban cho chúng ta sự bình an. Trong những ngày bối rối khó hiểu, Lời Chúa đảm bảo cho trái tim có sự tự tin và tình yêu thương cốt yếu, bảo vệ nó khỏi sự tấn công của ma quỷ.

Các thánh lưu là bản sao của Kinh Thánh nhờ dấu ấn của Kinh Thánh trong cuộc đời các ngài

Như thế Lời Chúa “nhập thể” nơi người đón nhận nó trong kinh nguyện. Có một bản văn cổ nói đến trực giác rằng các Ki-tô hữu được đồng nhất hoàn toàn với Lời Chúa đến nỗi, dù cho tất cả Kinh Thánh trên thế giới bị đốt, thì bản sao của nó vẫn được lưu lại qua vết tích mà Kinh Thánh để lại trong cuộc đời các thánh.

Đức Thánh Cha kết luận: Cuộc sống của Ki-tô hữu là một tác phẩm của sự vâng phục đồng thời của sự sáng tạo. Một Ki-tô hữu tốt phải vâng phục nhưng phải sáng tạo. Chúa Giêsu đã nói ở cuối một trong những dụ ngôn của Người: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” (Mt 13, 52). Sách Thánh là một kho tàng vô tận. Xin Chúa ban cho chúng ta, qua cầu nguyện, biết ngày càng rút ra từ kho tàng đó thêm nhiều điều quý giá.

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *