Giáo Hạt Cà Mau

Phép lạ được nhìn nhận, Đức Gioan Phaolô I sẽ được phong Chân phước

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I

PHÉP LẠ ĐƯỢC NHÌN NHẬN, ĐỨC GIOAN PHAOLÔ I
SẼ ĐƯỢC PHONG CHÂN PHƯỚC

 Hồng Thủy

Vatican News (13.10.2021)Ngày 13/11/2021 Đức Thánh Cha đã cho phép Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận việc chữa lành diệu kỳ nhờ lời chuyển cầu của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I. Với việc nhìn nhận phép lạ này, Đức Gioan Phaolô I sẽ được tuyên phong Chân phước.

Phép lạ

Việc chữa lành xảy ra ngày 23/7/2011 tại Buenos Aires. Một bé gái 11 tuổi bị “bệnh viêm não cấp tính nghiêm trọng, bị động kinh ác tính khó chữa, sốc nhiễm trùng” và gần qua đời. Tình trạng bệnh của em rất nặng do nhiều cơn co giật hàng ngày và viêm phế quản. Cha sở của giáo xứ, nơi có bệnh viện, đã phát động sáng kiến ​​cầu khẩn Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I, người mà cha sở rất sùng kính.

Tiểu sử

Đức Gioan Phaolô I, có tên Albino Luciani, sinh ngày 17 tháng 10 năm 1912 tại Forno di Canale (nay là Canale d’Agordo), thuộc tỉnh Belluno. Cha của ngài là một công nhân. Trong lá thư đồng ý cho ngài vào chủng viện, cha của ngài viết: “Cha hy vọng rằng, khi trở thành linh mục, con sẽ đứng về phía người nghèo, vì Chúa Kitô đã đứng về phía họ”. Đây là những lời mà Đức Gioan Phaolô I sẽ thực hành trong suốt cuộc đời của ngài.

Mục tử gần gũi dân chúng

Albino Luciani được thụ phong linh mục vào năm 1935. Sau đó, vào năm 1958, ngay sau khi Đức Gioan XXIII được bầu làm Giáo hoàng, đã bổ nhiệm cha Luciani làm giám mục giáo phận Vittorio Veneto. Là người con của một vùng đất nghèo với đặc điểm là di cư, nhưng cũng rất sôi động theo quan điểm xã hội, và của một Giáo hội được đặc trưng bởi những hình bóng của các linh mục vĩ đại, Đức cha tham dự Công đồng chung Vatican II và nhiệt tình áp dụng các đường hướng của công đồng. Ngài dành nhiều thời gian trong tòa giải tội và là một mục tử gần gũi với dân của mình.

Vào cuối năm 1969, thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã bổ nhiệm ngài làm Thượng phụ Giáo chủ Venice và vào tháng 3 năm 1973 đã phong ngài làm Hồng y.

Mục tử đơn sơ khiêm nhường

Đức Hồng y Luciani đã chọn từ “khiêm nhường” trong huy hiệu giám mục của ngài. Ngài là một mục tử sống đơn sơ, kiên định với những gì thiết yếu trong đức tin, cởi mở theo quan điểm xã hội, gần gũi với người nghèo và người lao động. Trong huấn quyền của mình, ngài đặc biệt nhấn mạnh đến chủ đề lòng thương xót. Ở Venice, với tư cách là Thượng phụ, ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ vì cuộc tranh đấu vốn là đặc trưng của những năm hậu Công đồng.

Vào Giáng sinh năm 1976, vào thời điểm các nhà máy của trung tâm công nghiệp Marghera bị chiếm đóng, ngài đã thốt ra những lời vẫn còn rất phổ biến cho đến ngày nay: “Khoe sự xa hoa, lãng phí tiền bạc, từ chối đầu tư, ăn cắp nó ở nước ngoài, không chỉ cấu thành sự vô cảm và ích kỷ: nó có thể trở thành sự khiêu khích và tụ tập trên đầu chúng ta cái mà Đức Phaolô VI gọi là ‘cơn giận của người nghèo với những hậu quả khó lường’.

Đối với ngài, việc dạy giáo lý có tầm quan trọng đặc biệt và những người truyền dạy nội dung đức tin cần phải làm cho mọi người hiểu mình.

Triều đại Giáo hoàng 33 ngày và sự thánh thiện

Sau khi Đức Phaolô VI qua đời, vào ngày 26 tháng 8 năm 1978, Đức Hồng y Luciani được bầu làm Giáo hoàng trong mật nghị Hồng y kéo dài một ngày. Ngài chọn tên kép Gioan Phaolô, không chỉ do lòng tri ân đới với các Giáo hoàng đã chọn ngài làm Giám mục và Hồng y, mà còn để đánh dấu sự tiếp tục áp dụng Công đồng.

Ngài qua đời đột ngột vào đêm ngày 28 tháng 9 năm 1978, chỉ 33 ngày sau khi được bầu làm Giáo hoàng, một trong những triều đại Giáo hoàng ngắn nhất trong lịch sử. Trong vài tuần của triều đại Giáo hoàng, ngài đã đi vào trái tim của hàng triệu người, vì sự giản dị và khiêm tốn của ngài, vì những lời nói bảo vệ những người rốt cùng và vì nụ cười tỏa sáng Tin Mừng của ngài.

Xung quanh cái chết đột ngột và bất ngờ của ngài có nhiều giả thuyết đã được xây dựng dựa trên những âm mưu được cho là phục vụ cho việc bán sách và sản xuất phim. Một tài liệu nghiên cứu về cái chết của ngài, được ký bởi Stefania Falasca, phụ tá thỉnh nguyện viên án phong Chân phước cho ngài, kết thúc một cách dứt khoát vụ án.

Danh tiếng về sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô I lan truyền rất nhanh chóng. Nhiều người đã cầu nguyện với ngài và vẫn đang cầu nguyện với ngài. Nhiều người bình dân và thậm chí toàn bộ Hội đồng Giám mục của Brazil đã yêu cầu mở án phong Chân phước cho ngài.

Nguồn: vaticannews.va/vi/

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *