Giáo Hạt Cà Mau

Vài Điểm Phụng Vụ Và Đạo Đức Bình Dân Của Mùa Vọng

 

  1. Đặc tính của Mùa Vọng là gì?

Mùa Vọng là một mùa trong niên lịch phụng vụ của Hội Thánh Công Giáo, thuộc niên lịch của Giáo Hội Công Giáo Roma.

“Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa mùa để chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Ki-tô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Do đó, Mùa Vọng là một thời kỳ sốt sắng và mong đợi trong hân hoan.”[1]

  1. Mùa Vọng bắt đầu và kết thúc khi nào?

“Mùa Vọng bắt đầu với giờ Kinh Chiều I ngày Chúa Nhật ngày nhằm ngày 30/11 hay ngày Chúa nhật nào gần ngày này nhất và kết thúc vào trước giờ Kinh Chiều I của lễ Giáng Sinh.”[2]

Như vậy tùy theo năm, Chúa Nhật đúng ngày 30/11 hoặc có thể trong khoảng 27/11 – 3/12.

Kinh Chiều I là giờ kinh thứ nhất trong của ngày Chúa Nhật – tính vào chiều thứ bảy – và kinh chiều của ngày áp lễ trọng hay lễ kính Chúa của Phụng Vụ các Giờ Kinh.

  1. Phụng Vụ Lời Chúa của Mùa Vọng

Vì là Mùa phụng vụ đặc biệt, nên các bài đọc Lời Chúa cũng được sắp xếp để làm nổi bật đặc tính của Mùa Vọng. Các bài đọc chia theo hai chu kỳ: Các ngày Chúa nhật và các ngày trong tuần.

  • Các ngày Chúa Nhật:

Các bài đọc Tin Mừng có đặc tính riêng: Chúa nhật I hướng về việc Chúa đến trong ngày tận thế; Chúa nhật II và III hướng về Gioan Tẩy Giả; Chúa nhật IV hướng về những biến cố chuẩn bị Giáng Sinh.

Những bài Cựu Ước là những lời tiên tri về Đấng Messia và thời cứu độ, đặc biệt trích từ sách tiên tri Isaia.

Các bài đọc trích từ thư các tông đồ nêu lên những lời huấn dụ và những tiếng ngợi khen theo những đặc tính khác nhau của Mùa Vọng.

  • Các ngày trong tuần có hai loạt bài:

Loạt thứ I để sử dụng từ đầu mùa Vọng tới ngày 16/12. Trong thời gian này, đọc sách tiên tri Isaia theo thứ tự của sách, kể cả những bản văn quan trọng đã đọc trong những ngày Chúa nhật. Bài Tin Mừng trong những ngày này được chọn theo sự tương hợp với bài thứ nhất.

Từ thứ Năm tuần II sẽ đọc những bài Tin Mừng về Thánh Gioan Tẩy Giả. Bài đọc I hoặc tiếp tục sách tiên tri Isaia hoặc chọn những bản văn có liên hệ với Bài Tin Mừng.

Loạt thứ II để sử dụng từ ngày 17 đến ngày 24/12. Đây là tuần “bát nhật” trước Giáng Sinh. Những ngày này nhằm chuẩn bị trực tiếp lễ Chúa Giáng Sinh. Tuần này đọc những bài Tin Mừng theo thánh Matthêu chương 1 và theo thánh Luca chương 1, thuật lại những biến cố trực tiếp chuẩn bị lễ Giáng Sinh. Các bài đọc 1 được chọn trong tương quan với bài Tin Mừng trích từ các sách Cựu Ước khác nhau nhưng liên quan đến các lời tiên báo quan trọng về Đấng Messia.

  1. Vài qui định mục vụ
  • Trong Mùa Vọng có thể sử dụng nhạc cụ và chưng hoa trên hoặc gần bàn thờ, trong mức độ phù hợp với tính chất của Mùa phụng vụ, nhưng phải liệu sao để đừng đi trước niềm vui tràn đầy của lễ Giáng Sinh.[3]
  • Các Chúa nhật Mùa Vọng không được cử hành thánh lễ an táng.[4]
  • Khi cử hành lễ hôn phối vào các ngày Chúa nhật Mùa Vọng, “thì sử dụng bản văn và các bài đọc của lễ hôm ấy, tuy nhiên vẫn đọc lời chúc hôn và tùy nghi có thể sử dụng công thức ban phép lành cuối lễ dành cho lễ hôn phối.”[5]
  • Màu tím dùng trong phụng vụ Mùa Vọng. Màu hồng có thể dùng trong Chúa nhật III. Chúa nhật này được biết tới như là “Chúa Nhật vui” (Gaudete).[6]
  • Không hát hoặc đọc kinh Vinh Danh trong các Chúa nhật Mùa Vọng[7].. Tuy nhiên, được hát đọc trong những ngày lễ trọng hoặc kính xếp trong mùa này.
  1. Đạo Đức Bình Dân trong Mùa Vọng

Có nhiều việc đạo đức khác nhau mà Hội Thánh đã chấp nhận cho sử dụng trong suốt Mùa Vọng, phổ biến hơn cả là Vòng lá Mùa Vọng.

“Việc cắm bốn cây nến trên một vòng tròn bằng lá xanh, một tập tục đặc biệt ở nước Đức và các xứ Bắc Mỹ, đã trở thành biểu trưng của Mùa Vọng trong nhà thờ hoặc các gia đình Ki-tô hữu.

Vòng triều thiên Mùa Vọng lần lượt thắp lên, từ Chúa nhật này đến Chúa nhật khác, cho tới lễ Giáng Sinh. Bốn ngọn nến góp phần làm sống lại việc tưởng nhớ những giai đoạn khác nhau của lịch sử cứu độ trước Chúa Ki-tô và cũng tượng trưng cho ánh sáng của các tiên tri trong suốt dòng lịch sử, soi rọi đêm tối đợi chờ của dân Chúa, cho đến khi Mặt Trời Công Chính xuất hiện (x. Ml 3, 20; Lc 1, 78).”[8]

Lm. Gs. Lê Ngọc Ngà

—-

[1] Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch, số 39.

[2] Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch, số 40.

[3] Nghi thức Giám Mục, số 236

[4] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, số 380.

[5] Nghi Thức Cử Hành Hôn Phối, số 34.

[6] X, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, số 346.

[7] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, số 53.

[8] Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 98.

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *