Giám Mục Tiến Sĩ (khoảng 320-368)
Lm Phaolo Phạm Quốc Tuý
Thánh Hilariô chào đời tại Poa-tu (Poitou) Ngài là con một nhà quí tộc làm nghị viên và được giáo dục đầy đủ. Các môn học mà thánh nhân ưa thích là văn chương, thi ca, nhất là triết lý. Việc học tập của ngài luôn được đào sâu cho tới cùng là Thiên Chúa, ngài nhận định rằng : hạnh phúc thật của con người không phải bị những thú vui đời này, dù chúng thanh cao đến mấy đi nữa. Trái lại hạnh phúc là được sống cho chân lý ở một cuộc sống khác với cuộc sống tạm trên trần gian này. Ngài nói :
- “Tôi khóc lên vì vui sướng mỗi khi nghĩ đến thân xác này chỉ được tiền định để phải chết đi”.
Nhưng làm thế nào mà thánh nhân đã gặp được chân lý, gặp được Thiên Chúa mà các triết gia và các tôn giáo thường nói tới một cách mù mờ ? Chính thánh nhân kể lại cuộc khám phá của mình :
- “Từ môi trường ngoại giáo, Chúa đã dẫn đưa tôi tới nguồn sáng chân thật. Giữa bao nhiêu hệ thống triết lý và tư tưởng khác nhau, tôi vẫn ưu tư tìm đến Chúa bằng con đường ngay thật, chắc chắn hữu thể thần linh vĩnh cửu phải là đơn thuần và độc nhất, không có gì là không bắt nguồn tự Ngài, vạn vật đều phải thờ phượng Ngài”.
Xác tín rằng phải có Chúa, ngài còn suy nghĩ về các phẩm tính thần linh của Chúa.
- “Nếu một công trình vượt quá trí khôn chúng ta, thì nhà nghệ sĩ thần linh còn trổi vượt công trình đó thế nào ? Vậy phải nhận biết rằng, Thiên Chúa tuyệt mỹ và chúng ta chỉ cảm nhận mà chúng ta không thể thấu hiểu nổi”.
Trong khi còn miên man suy nghĩ như vậy. Thánh nhân bỗng gặp được một cuốn Kinh Thánh. Ngài đọc được đoạn văn trên Chúa hiện ra với Môsê và tự bày tỏ : “Ta là Đấng hiện hữu”. ngài sung sướng với khám phá này :
- “Tôi vui thỏa với danh hiệu mà Thiên Chúa đã tỏ ra cho Môsê. Thánh danh ấy vừa biểu lộ một quan niệm sâu xa về Thiên Chúa, lại vừa tầm với trí óc con người.
Từ đó thánh nhân say mê nghiên cứu Thánh kinh, nhất là các sách tiên tri với những đoạn loan báo về Đấng Thiên Sai. Trong các sách Tin Mừng, ngài thích nhất tự ngôn của Tin Mừng theo thánh Gioan.
- “Trí tôi học biết và Thiên Chúa vượt quá điều nó dám ước mong … lòng tôi run rẩy bồn chồn vì vui sướng trước giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và trước lời mời gọi tái sinh nhờ đức tin”.
Thế là thánh nhân đã lãnh nhận phép rửa tội và cảm thấy hạnh phúc lạ lùng. Ngài đã lập gia đình và có được một người con gái. Rồi đây Ngài sẽ đưa cả vợ con về với đức tin. Khi ngài muốn trở thành linh mục, vợ ngài chỉ còn gặp lại ngài tại bàn thánh và coi ngài như một người anh. Nhân đức và trí khôn ngoại hạng còn đưa ngài tới chức Giám mục cai quản địa phận Poachiê (Poitiers) năm 350.
Lúc ấy lạc giáo Ariô nổi lên như vũ bão trong Giáo hội. Vua Constantiô ủng hộ lạc giáo và tiếp tay cho cuộc bách hại. Thánh Athanasiô bị bắt đi lưu đày. Thánh Hilariô đứng lên lãnh đạo công cuộc bảo vệ đức tin chân chính. Ngài triệu tập một công đồng để lên án hai Giám mục theo lạc giáo. Công đồng còn cử ngài đi thương thuyết với nhà vua. Nhưng lòng can đảm của ngài đã bị trừng phạt bằng cuộc lưu đày năm 356, chấp nhận gian khổ, ngài tuyên bố:
- “Người ta có thể bắt các Giám mục lưu đày, nhưng có thể trục xuất chân lý được không ?”
Cuộc hành trình tới Phrygia nằm ở cuối miền Tiểu Á thật dài và đầy gian khổ. Nhưng thánh nhân đã không hề phàn nàn mà vẫn bình thản sống mật thiết kết hợp với Chúa. Đầy dũng cảm, ngài vẫn tiếp tục làm rung chuyển thế giới bằng công việc viết lách của mình.
Ngài nói :
- “Dầu bị lưu đày, chúng tôi vẫn tiếp tục nói bằng sách vở, bởi vì người ta không thể giam hãm Lời Chúa”.
Ngài đã viết 12 khảo luận bàn về Chúa Ba Ngôi, và đưa giáo thuyết chân chính của Công giáo với những tư tưởng tinh tế của Hylạp vào thổ ngữ. Ngài tiếp tục điều khiển Giáo phận bằng thư tín. Cũng vào thời này, thánh nhân diụ dàng hướng dẫn Ebra, người con gái của mình tới đời sống thánh thiện. Một bức thư ngài viết trong buổi lưu đày còn sót lại có khuyên nhủ nàng tận hiến cho Chúa như sau:
- “Con thân yêu, con là đứa con duy nhất của cha, cha muốn thấy con đẹp nhất và đẹp nhất trong các phụ nữ. Người ta nói với cha về một thanh niên có một viên ngọc quí và một bộ áo quí giá đến nỗi ai mà có được những thứ đó thì sẽ là người giàu có hơn hết mọi người”.
Và thánh nhân kể lại rằng : phải khó khăn lâu ngày, ngài mới gặp được người thanh niên này để xin Người ban viên ngọc và chiếc áo ấy cho Ebra. Bên chiếc áo này, tuyết hết trắng, không có một vết nhơ nào có thể bôi bẩn, không một tai nạn nào có thể xé rách. Còn viên ngọc, không vật nào chịu nổi vể rực rỡ huy hoàng, chẳng bao giờ tàn sắc, ai mang được sẽ hết khổ và không phải chết.
Và Ngài tiếp :
- “Đấy là những món trang sức mà cha ước ao, những thứ ban ơn cứu rỗi và hạnh phúc vĩnh cửu”.
Ngài còn gửi cho cô những khúc thánh thi để cô ca nguyện sớm chiều. Ebra sớm theo ước nguyện của người cha nhưng cũng sớm lìa trần.
Bốn năm trôi qua, Hoàng đế cho triệu tập công đồng Sêlêucia. May mắn ngài cũng được mời dự. Tại đây ngài đã dùng hết tài hùng biện và trí thông minh để chống lạc giáo, bảo vệ đức tin chân chính. Không chịu nổi ảnh hưởng của ngài. Bọn theo lạc giáo đã can thiệp để ngài về quê hương cho rảnh rợ. Thế là năm 360, Đức Giám mục Hilariô được trở về Poa-chi-ê.
Cuộc hồi hương của thánh nhân là niềm vui cho toàn dân chứ không riêng gì cho giáo phận Poa-chi-ê. Thánh Hiêrônimô đã nói :
- “Toàn dân Gôn (Gaules) ôm hôn vị anh hùng tay mang ngành vạn tuế trở về”.
Trong đoàn người đông đảo đón mừng người cha già, phải kể đến một người lính trẻ tên là Martinô. Lúc ấy Martinô đang sống ẩn dật ở Ganlinaria và sau này sẽ làm thánh Giám mục. Ngày về của vị Giám mục già cả còn được ghi dấu bằng một phép lạ nhãn tiền. Một bà mẹ khóc lóc ôm một đứa con mới chết gặp ngài. Bà tha thiết xin thánh nhân cứu sống con mình, ít ra để nó được rửa tội. Cảm thương nỗi niềm đau đớn của người thiếu phụ, ngài quì gối cầu nguyện và da thịt đứa trẻ dần dần đỏ hồng rồi sống lại.
Tuổi già sức yếu nhưng thánh nhân vẫn nhiệt thành chỉnh đốn lại những tàn phá do bè rối gây nên. Lòng nhiệt thành đã đưa ngài tới tận Milan khiến bọn lạc giáo kinh hoàng và làm áp lực bắt ngài phải trở lại Poa-chi-ê. Ngày 13 tháng giêng năm 386 ngài đã qua đời. Người ta kể lại rằng: lúc thánh nhân tử trần, một luồng sang chói chang khắp phòng.
Ngày 10 tháng giêng năm 1852, theo lời thỉnh cầu của nhiều vị Giám mục. Đức Giáo hoàng phong Ngài lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài là vị thánh tiến sĩ đầu tiên ở Gôn.