Giáo Hạt Cà Mau

Tin Tôn Giáo, Sáng Thứ Bảy 12/02/2022

Pope Francis visits an ailing woman during his stay at Gemelli hospital | Vatican News

Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy coi bệnh tật như một hiện tượng hoàn cầu, thay vì chỉ giới hạn vào cá nhân, và góp phần loại trừ các thứ “bệnh tật” khác đang đe dọa nhân loại, như cá nhân chủ nghĩa, sự dửng dưng và những hình thức ích kỷ khác.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, hôm 10 tháng Hai năm 2022, trong sứ điệp Video gửi các tham dự viên Hội nghị trực tuyến do Bộ Phát triển nhân bản toàn diện tổ chức, nhân dịp Ngày Thế giới các Bệnh nhân lần thứ 30, cử hành ngày 11 tháng Hai năm 2022 này, với chủ đề: “Ngày Thế giới các Bệnh nhân: ý nghĩa, các mục tiêu và thách đố”.

Sau khi nói đến ý nghĩa sự đau khổ của con người dưới ánh sáng đức tin, đi từ những đau khổ của Chúa Kitô, Đức Thánh cha cổ võ sự săn sóc sức khỏe toàn diện, thể lý cũng như tinh thần, như các thánh vẫn thực hiện: săn sóc các thương tích thể xác và linh hồn; cầu nguyện và hoạt động để chữa lành thể lý cùng với tinh thần.

Đức Thánh cha nhận định: “Thời đại dịch này đang dạy chúng ta có một cái nhìn về bệnh tật như một hiện tượng hoàn vũ chứ không phải chỉ liên hệ tới cá nhân, và mời gọi chúng ta hãy suy tư về những loại “bệnh tật” đang đe dọa nhân loại và thế giới. Đáng tiếc là cá nhân chủ nghĩa và sự dửng dưng đang gia tăng trong xã hội sung túc, duy tiêu thụ và chủ nghĩa kinh tế tự do, với những hậu quả là sự chênh lệch ta thấy cả trong lãnh vực y tế, trong đó một số người được hưởng sự chăm sóc tuyệt hảo và nhiều người khác gặp nhiều khó khăn để được săn sóc cơ bản. Để chữa lành thứ “virus” xã hội này, thuốc giải chính là một nền văn hóa huynh đệ, dựa trên ý thức tất cả chúng ta đều bình đẳng như con người, cùng là con của một Cha duy nhất (Ft 272). Dựa trên căn bản này có thể có những săn sóc chữa trị hữu hiệu và cho tất cả mọi người”.

Nhắc đến dụ ngôn người Samaritano nhân lành, Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Chúng ta hãy nhớ chúng ta không được trở thành những người đồng lõa hay trở thành những tên cướp bóc lột một người và bỏ mặc người bị thương ấy bên vệ đường, và cũng không được giống như hai nhân viên phụng tự, thấy người bị thương nhưng bỏ đi qua (Xc Lc 10,30-32).

Sau cùng, Đức Thánh cha nghĩ đến và cám ơn tất cả những người trong cuộc sống đang hoạt động gần gũi các bệnh nhân mỗi ngày. Ngài cám ơn các thân nhân đang săn sóc người thân bị bệnh, các bác sĩ, y tá, các dược sĩ và tất cả các nhân viên y tế, cũng như các vị tuyên úy nhà thương, các tu sĩ nam nữ đang tận tụy chăm sóc các bệnh nhân và bao nhiêu người thiện nguyện…”

(Rei 9-2-2022)

Đức Tổng giám mục Gänswein tố giác chủ trương “loại trừ” Đức Ratzinger

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI | Vatican News

Đức Tổng giám mục Georg Gänswein, bí thư của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, tố giác rằng có những người muốn tiêu diệt con người và công trình của Đức Biển Đức XVI, qua những cuộc tấn công từ trước đến nay.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Người đưa tin chiều” (Corriere della sera), số ra ngày 09 tháng Hai năm 2022 vừa qua, ở Ý, sau khi Đức Biển Đức XVI công bố lá thư của ngài cũng như nhận xét của bốn chuyên gia luật, về những lời cáo buộc Đức nguyên Giáo hoàng đã “ém nhẹm” ba vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trong gần năm năm làm Tổng giám mục giáo phận Munich, và những người ở Đức cáo buộc ngài là “nói dối”, Đức Tổng giám mục Gänswein nói: “Có một trào lưu muốn tiêu diệt con người và công trình của Đức nguyên Giáo hoàng. Họ không bao giờ yêu mến ngài, nền thần học và triều đại Giáo hoàng của ngài. Và bây giờ họ có cơ hội lý tưởng để thanh toán ngài. Rất tiếc là nhiều người để cho mình bị lường gạt vì cuộc tấn công hèn hạ như thế, có bao nhiêu là bùn nhơ. Thật là điều đáng buồn”.

Đức Tổng giám mục Gänswein nói thêm rằng: “Những ai ở gần Đức nguyên Giáo hoàng đều biết những gì Đức Ratzinger-Biển Đức XVI đã nói và đã làm về vấn đề lạm dụng tính dục trẻ em. Ngài là người đầu tiên đã hành động, trong tư cách là hồng y rồi tiếp tục đường hướng minh bạch ấy khi làm giáo hoàng. Ngay dưới thời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngài đã thay đổi não trạng thịnh hành thời đó và đề ra đường hướng mà chính Đức Giáo hoàng Phanxicô đang tiếp tục. Đó là thực tại và rất khác với thực tại đang được lưu hành nơi nhiều cơ quan truyền thông”.

(Corriere della sera 9-2-2022)

Nữ tu cao niên nhất mừng sinh nhật thứ 118

Nữ tu André | avvenire.it

Nữ tu người Pháp, cao niên nhất thế giới, André, tục danh là Lucile Randon, sẽ mừng sinh nhật thứ 118 vào thứ Sáu, 11 tháng Hai này.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Nữ tu André sinh ngày 11 tháng Hai năm 1904, tại Alès thuộc tỉnh Gard miền nam Pháp. Năm lên 12 tuổi, chị bắt đầu làm mướn trong các gia đình, và sau làm nghề dạy kèm tại tư gia. Trong số các gia đình chị phục vụ, có cả gia đình Peugeot chế tạo xe hơi. Sau thế chiến thứ hai chị phục vụ các em cô nhi tại Nhà thương Vichy ở Paris.

Năm 1923, khi được 19 tuổi, chị chịu phép rửa tội và năm 1944, chị gia nhập dòng Nữ tử bác ái thánh Vinh Sơn Phaolô tại Paris. Từ năm 2009 đến nay, chị sống trong một nhà dưỡng lão tại thành phố Toulon. Chị bị mù và phải ngồi trên xe lăn, nhưng rất tỉnh táo. Hồi năm ngoái, có tin chị đã vượt thắng sự lây nhiễm Covid-19. Trong nhà dưỡng lão nơi chị sinh sống có 10 người chết, tất cả đều trẻ hơn chị nhiều. Sau khi khỏi bệnh, chị đã trả lời phỏng vấn và câu chuyện này được truyền đi ngay trên thế giới. Tình trạng sức khỏe nói chung của chị André được coi là tốt, mặc dù chỉ bị mù và phải ngồi xe lăn.

Hồi năm được 116 tuổi, có người hỏi chị về bí quyết sống hạnh phúc, chị đáp: “Cầu nguyện và một tách sôcôla nóng mỗi ngày”.

Cho đến nay nữ tu André Randon đã trải qua 10 triều đại Giáo hoàng, ba nền cộng hòa của Pháp.

Chị André Randon cũng được coi là phụ nữ cao niên nhất nước Pháp và từ tháng Sáu năm 2019, chị là người Âu châu lớn tuổi nhất. Chị là phụ nữ cao niên thứ hai trên thế giới, sau bà Kane Tanaka người Nhật Bản, mới mừng sinh nhật thứ 119, ngày 02 tháng Giêng năm nay.

(Rainews.it 9-2-2022)

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *