Giáo Hạt Cà Mau

Hiệp Nguyện Lần Chuỗi Mân Côi: Ngày 18.04.2022

MẠNG LƯỚI LẦN CHUỖI MÂN CÔI
(Hoa Thiêng Dâng Mẹ Thiên Chúa)
Ngày 18.04.2022, THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH – NĂM SỰ MỪNG
***

Ý CẦU NGUYỆN
+ Cầu cho nhân loại sớm thoát khỏi đại dịch,
+ Cầu cho các nhân viên chăm sóc sức khoẻ,
+ Cầu cho thế giới được hoà bình, đặc biệt tại vùng Ucraina,
+ Cầu cho quê hương, đất nước,
+ Cầu cho Giáo Hội được hiệp nhất để mọi thành phần nhiệt tâm tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng,
+ Cầu cho gia đình, người thân, bản thân mình,
+ Cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục,…

LỜI HAY Ý ĐẸP VỀ KINH MÂN CÔI
Đức Mẹ đã bày tỏ sự đồng ý hoàn toàn về tên gọi Kinh Mân Côi; Mẹ đã mặc khải cho nhiều người biết rằng mỗi lần họ đọc một Kinh Kính Mừng là họ đang dâng cho Mẹ một bông hoa hồng xinh đẹp, và khi họ đọc đủ một Chuỗi Mân Côi là họ kết cho Mẹ một vương miện hoa hồng.
Thánh Louis de Montfort

1. PHẦN KHAI MẠC
Làm Dấu Thánh Giá
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Kinh Đức Chúa Thánh Thần
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.
– Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các thánh Tông đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành; vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

HỒI TÂM (im lặng xét mình và thầm nguyện)

2. SUY NIỆM KINH MÂN CÔI: NĂM SỰ MỪNG
MẦU NHIỆM THỨ 1: ĐỨC CHÚA GIÊSU SỐNG LẠI
Công đồng Vatican II qua Hiến chế về Phụng Vụ Thánh dạy: Các nghi thức phải tỏa sáng nhờ tính cách đơn sơ cao quý, phải sâu sắc nhờ sự ngắn gọn và phải tránh những sự trùng lắp vô ích, phải thích ứng với tầm lĩnh hội của các tín hữu, nói chung là không phải nhờ đến nhiều lời giải thích.
Để việc liên kết mật thiết giữa nghi thức và lời đọc được biểu lộ rõ ràng trong Phụng vụ: 1) Khi cử hành các nghi lễ thánh, phải tu chỉnh bài đọc Thánh Kinh cho dồi dào, thay đổi và thích hợp hơn. 2) Vì bài giảng là một thành phần của cử hành Phụng vụ, nên vị trí thích hợp nhất để giảng lễ phải được ghi trong các qui tắc chữ đỏ theo như nghi lễ cho phép; và phải hết sức trung thành và nghiêm túc chu toàn tác vụ giảng thuyết. Nội dung bài giảng phải được kín múc chủ yếu từ nguồn Thánh Kinh và Phụng vụ, trở nên lời rao truyền các việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi hay trong mầu nhiệm Chúa Kitô, luôn được hiện tại hóa và tác động trong chúng ta, nhất là khi cử hành Phụng vụ. 3) Cũng phải dùng mọi cách để dạy những bài giáo lý gắn liền với Phụng vụ hơn; và nếu cần, trong chính phần nghi thức, phải soạn một đôi lời hướng dẫn vắn tắt để vào những lúc thuận tiện, linh mục hay thừa tác viên có thẩm quyền đọc những lời đã ghi sẵn hay nói những lời tương tự. 4) Phải cổ võ việc suy tôn Lời Chúa vào ngày vọng các lễ trọng, cũng như một số ngày trong mùa Vọng, mùa Chay, những ngày Chúa nhật và các ngày lễ mừng, nhất là ở những nơi thiếu linh mục: trong trường hợp này, hoặc thầy phó tế hoặc một người khác được Giám mục ủy nhiệm sẽ chủ sự việc suy tôn Lời Chúa. (Số 34-35)
(Im lặng giây lát cầu nguyện, rồi đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh và Lời Nguyện Mân Côi).

MẦU NHIỆM THỨ 2: ĐỨC CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI
Công đồng Vatican II qua Hiến chế về Phụng Vụ Thánh dạy: Việc dùng tiếng latinh, trừ khi có luật riêng, phải được duy trì trong các Nghi chế latinh. Tuy nhiên, nếu việc dùng ngôn ngữ bản địa có thể đem lại nhiều ích lợi cho dân chúng trong thánh lễ hay trong các cử hành bí tích, hoặc trong những lãnh vực khác của Phụng vụ, thì cũng được dễ dàng chấp thuận, đặc biệt đối với các bài đọc và các bài huấn dụ, một số lời nguyện và bài hát, dựa vào những qui tắc được ấn định cho mỗi trường hợp trong những chương sau đây. Khi đã tuân hành đúng theo những qui tắc đó, thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, và nếu cần, phải hội ý với các Giám mục trong những miền lân cận có chung một ngôn ngữ, có quyền quyết nghị về việc sử dụng tiếng bản địa và phương cách áp dụng, sau khi văn kiện đã được Tòa Thánh chấp thuận hay chuẩn y. Việc phiên dịch bản văn latinh ra tiếng bản địa để dùng trong Phụng vụ phải được thẩm quyền Giáo Hội địa phương nói trên chuẩn y.
Đối với những điều không liên can đến đức tin hay thiện ích của toàn thể cộng đoàn, Giáo Hội không muốn áp đặt một dạng thức đồng loạt cứng nhắc, kể cả trong Phụng vụ, nhưng đúng hơn, Giáo Hội muốn tôn trọng và phát huy những nét đẹp tinh thần, những tính cách đặc thù của mỗi dân tộc; trong tập tục của các dân tộc, bất cứ những gì không tuyệt đối gắn liền với những điều dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội thẩm định với nhiều thiện cảm, và nếu có thể, vẫn được gìn giữ toàn vẹn và vững chắc, hơn nữa, đôi khi còn được đưa vào trong Phụng vụ, miễn sao hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính. (Số 36-37)
(Im lặng giây lát cầu nguyện, rồi đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh và Lời Nguyện Mân Côi).

MẦU NHIỆM THỨ 3: ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Công đồng Vatican II qua Hiến chế về Phụng Vụ Thánh dạy: Khi tu chỉnh các sách phụng vụ, Giáo Hội luôn duy trì tính cách duy nhất thuộc bản chất của Nghi chế Rôma, nhưng vẫn chấp nhận những thay đổi chính đáng và những thích nghi với các cộng đồng, các miền, các dân tộc, nhất là tại các xứ truyền giáo; nên để ý đến qui tắc này trong việc ấn định cơ cấu các nghi lễ và xác lập các qui tắc chữ đỏ.
Trong những giới hạn được ấn định cho bản mẫu của các sách phụng vụ, thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, có quyền xác định những điều được thích nghi, đặc biệt việc cử hành các bí tích, á bí tích, rước kiệu, ngôn ngữ phụng vụ, thánh nhạc và nghệ thuật, tuy nhiên phải theo đúng những qui tắc căn bản trong Hiến chế này.
Tại nhiều nơi và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, việc thích nghi Phụng vụ đòi hỏi phải thực hiện sâu xa hơn, do đó cũng gây nên nhiều khó khăn hơn, vì thế: 1) Thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, phải thận trọng và khôn ngoan thẩm định xem những yếu tố nào thuộc các truyền thống và tâm tính của từng dân tộc có thể chấp nhận được trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Những điểm thích nghi được xét là lợi ích hay cần thiết, phải đệ trình và được Tòa Thánh chấp thuận trước khi đưa vào Phụng vụ. 2) Để việc thích nghi được thực hiện với sự cẩn trọng cần thiết, Tòa Thánh sẽ đồng ý để Giáo Hội địa phương tuỳ trường hợp có thể cho phép và tiến hành việc sử dụng thử nghiệm sơ khởi cần phải có, trong một số cộng đoàn thích hợp và trong một thời gian hạn định nào đó. 3) Các qui luật phụng vụ thường làm cho việc thích nghi gặp phải những khó khăn đặc biệt, nhất là tại các xứ truyền giáo, vì thế cần phải nhờ đến các chuyên viên để thực hiện công việc này. (Số 38-40)
(Im lặng giây lát cầu nguyện, rồi đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh và Lời Nguyện Mân Côi).

MẦU NHIỆM THỨ 4: ĐỨC CHÚA TRỜI CHO ĐỨC MẸ LÊN TRỜI
Công đồng Vatican II qua Hiến chế về Phụng Vụ Thánh dạy: Giám mục phải được xem như vị thượng tế của đoàn chiên, sự sống nơi các tín hữu của ngài trong Chúa Kitô một cách nào đó phát xuất từ ngài và lệ thuộc vào ngài. Vì thế, mọi người phải thể hiện thật tốt đẹp đời sống phụng vụ của giáo phận chung quanh Giám mục, nhất là tại nhà thờ chánh tòa: họ phải xác tín rằng Giáo Hội được tỏ bày cách đặc biệt khi toàn thể đoàn Dân Thánh của Thiên Chúa tham dự trọn vẹn và tích cực vào những cử hành phụng vụ, nhất là trong cùng một Hiến lễ Tạ ơn, cùng một lời cầu nguyện, nơi một bàn thờ duy nhất, ở đó Giám mục chủ tọa giữa linh mục đoàn và các thừa tác viên đang qui tụ quanh Ngài.
Vì Giám mục không thể đích thân hiện diện mọi nơi mọi lúc trong toàn thể đoàn chiên thuộc Giáo Hội của ngài, nên phải thiết lập các cộng đồng tín hữu, trong đó, nổi bật hơn cả là các giáo xứ được thiết lập tại địa phương dưới quyền một mục tử thay mặt Đức Giám mục: vì một cách nào đó, các giáo xứ là hình ảnh của Giáo Hội hữu hình được thiết lập trên toàn cõi trái đất. Vì thế phải phát huy đời sống phụng vụ của giáo xứ và mối liên hệ với Giám mục trong tâm tư cũng như trong hành động của các tín hữu và hàng giáo sĩ; đồng thời phải nỗ lực làm triển nở ý thức cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong cộng đoàn cử hành thánh lễ ngày Chúa Nhật. (Số 41-42)
(Im lặng giây lát cầu nguyện, rồi đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh và Lời Nguyện Mân Côi).

MẦU NHIỆM THỨ 5: ĐỨC CHÚA TRỜI THƯỞNG ĐỨC MẸ TRÊN TRỜI
Công đồng Vatican II qua Hiến chế về Phụng Vụ Thánh dạy: Nỗ lực phát huy và canh tân Phụng vụ thánh đáng được xem như một dấu chỉ của ý định quan phòng của Thiên Chúa cho thời đại chúng ta, và như cuộc viếng thăm của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội; đây là một đặc điểm làm nổi bật đời sống Giáo Hội, cũng như cách suy tư và hoạt động tôn giáo trong thời đại chúng ta. Vì thế, để hoạt động về mục vụ phụng vụ được phát huy sâu rộng hơn trong Giáo Hội, Thánh Công Đồng quyết định:
Thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, nên thiết lập một Ủy ban Phụng vụ với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia về phụng vụ, âm nhạc, nghệ thuật thánh, cũng như mục vụ. Nếu có thể, Ủy ban này phải được trợ giúp bởi một học viện Mục vụ Phụng vụ gồm nhiều thành phần, và nếu cần, cả những giáo dân có khả năng về các lãnh vực vừa nêu. Dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội địa phương, như đã nói trên, chính Ủy ban này sẽ phải điều hành hoạt động về Mục vụ Phụng vụ trong phạm vi quyền hạn mình, cũng như phải cổ võ các cuộc nghiên cứu và thử nghiệm cần thiết mỗi khi phải đệ trình Tòa Thánh những điều cần được thích nghi. (Số 43-44)
(Im lặng giây lát cầu nguyện, rồi đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh và Lời Nguyện Mân Côi).

LINH HỒN TÔI (hát)
ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.
1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.
2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.
3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ram với miêu duệ.

KINH CẦU ĐỨC MẸ
Xin Chúa thương xót chúng con.
Thưa: Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Thưa: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót chúng con.
Thưa: Xin Chúa thương xót chúng con.
Chúa Kitô nghe cho chúng con.
Thưa: Chúa Kitô nhậm lời chúng con.
Ðức Chúa Cha Ngự trên trời là Ðức Chúa Trời thật.
Thưa: Thương xót chúng con.
Ðức Chúa con chuộc tội cứu thế là Ðức Chúa Trời thật.
Thưa: Thương xót chúng con.
Ðức Chúa ThànhThần là Ðức Chúa Trời thật.
Thưa: Thương xót chúng con.
Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.
Thưa: Thương xót chúng con.
Rất thánh Ðức Bà Maria.
Thưa: Cầu cho chúng con. (các câu kế tiếp đều thưa như vậy).
Rất thánh Ðức Mẹ Chúa Trời.
Rất thánh Nữ đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh.
Ðức Mẹ Chúa Kitô.
Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh.
Đức Mẹ đầy lòng thương xót.
Ðức Mẹ thông ơn Thiên Chúa.
Đức Mẹ là lẽ cậy trông.
Ðức Mẹ cực thanh cực tịnh.
Ðức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng.
Ðức Mẹ chẳng vướng bợn nhơ.
Ðức Mẹ rất đáng yêu mến.
Ðức Mẹ cực mầu cực nhiệm.
Ðức Mẹ chỉ bảo đàng lành.
Ðức Mẹ sinh Chúa Tạo thiên lập địa.
Ðức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế.
Ðức Nữ cực khôn cực ngoan.
Ðức Nữ rất đáng kính chuộng.
Ðức Nữ rất đáng ngợi khen.
Ðức Nữ có tài có phép.
Ðức Nữ có lòng khoan nhân.
Ðức Nữ trung tín thật thà.
Ðức Bà là gương nhân đức.
Ðức Bà là tòa Ðấng khôn ngoan.
Ðức Bà làm cho chúng con vui mừng.
Ðức Bà là Ðấng trọng thiêng.
Ðức Bà là Ðấng đáng tôn trọng.
Ðức Bà là Ðấng sốt mến lạ lùng.
Ðức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy.
Ðức Bà như lầu đài Ðavít vậy.
Ðức Bà như tháp ngà báu vậy.
Ðức Bà như đền vàng vậy.
Ðức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy.
Ðức Bà là cửa Thiên đàng.
Ðức Bà như sao mai sáng vậy.
Ðức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn.
Ðức Bà bầu chữa kẻ có tội.
Đức Bà nâng đỡ di dân.
Ðức Bà yên ủi kẻ âu lo.
Ðức Bà phù hộ các giáo hữu.
Nữ vương các thánh thiên thần.
Nữ vương các thánh Tổ tông.
Nữ vương các thánh Tiên tri.
Nữ vương các thánh Tông đồ.
Nữ vương các thánh Tử vì đạo.
Nữ vương các thánh Hiển tu.
Nữ vương các thánh Ðồng trinh.
Nữ vương các thánh Nam cùng các thánh Nữ.
Nữ vương chẳng hề mắc tội tổ tông.
Nữ vương linh hồn và xác lên trời.
Nữ vương truyền phép rất thánh Mân Côi.
Nữ vương ban sự bằng an.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Thưa: Chúa tha tội chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Thưa: Chúa nhậm lời chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Thưa: Chúa thương xót chúng con.
Lạy rất thánh Ðức Mẹ Chúa Trời xin cầu cho chúng con.
Thưa: Ðáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.
Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dùng sự sống, sự chết và sự sống lại của Con Một Chúa mà chuẩn bị cho chúng con phần thưởng cứu độ đời đời. Xin cho chúng con khi suy niệm những mầu nhiệm Mân Côi rất thánh kính Đức Trinh Nữ Maria, chúng con được noi theo những điều tích chứa trong các mầu nhiệm ấy, và được phần thưởng Chúa đã hứa ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

3. PHẦN KẾT THÚC
KINH VỰC SÂU
Lạy Chúa, con ở dưới vực sâu kêu lên Chúa, xin Chúa hãy thẩm nhậm lời con kêu van. Hãy lắng nghe tiếng con cầu xin. Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được? Bởi Chúa hằng có lòng lành, cùng vì lời Chúa phán hứa. Con đã trông cậy Chúa. Linh hồn con cậy vì lời hứa ấy, thì đã trông cậy Chúa. Những kẻ làm dân Người đêm ngày hãy trông cậy Người cho liên, vì Người rất nhân lành hay thương vô cùng, sẽ tha hết mọi tội lỗi kẻ làm dân Người thay thảy. Lạy Chúa, xin ban cho các linh hồn (tên thánh các linh hồn…) được nghỉ ngơi đời đời, và được sáng soi vô cùng. Lạy Chúa, xin cứu lấy các linh hồn cho khỏi tù ngục, mà được nghỉ yên. Amen.

ĐỀN TẠ TRÁI TIM MẸ (hát)
ĐK. Lạy Mẹ Fatima. Mẹ nỉ non bao lần. Tội gian trần để phiền cho Trái Tim Mẹ. Lòng Mẹ thương bao la, tình ủi an vô ngần. Con dâng mình đền thay tội lỗi muôn dân.
1. Từ nay lòng con nhớ lời Mẹ tha thiết. Sá gì dầu nguy biến thề chết có Mẹ, vui có Mẹ. Dù rằng bao sóng gió con lo gì, con lo gì? Chết bên Mẹ con sợ chi, con sợ gì Mẹ ơi.
2. Mẹ cho lòng con trên đường gai dương thế. Tấm lòng luôn tinh tuyết tựa hoa trắng ngần, hoa trắng ngần. Trọn đời con trung tín sống với Mẹ, luôn có Mẹ. Biết hy sinh quên lợi danh sống cuộc đời bình an.

THINH LẶNG CẦU NGUYỆN – Làm dấu Thánh Giá
+++ (kết thúc) ++

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *