Lược Sử Các Thánh Trong Năm Phụng Vụ – Tháng Chín
Lm Giuse Lê Ngọc Ngà
Ngày 03 tháng 9
Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả
Giáo hoàng – Tiến sĩ Hội thánh
Lễ nhớ
Thánh Grê-gô-ri-ô sinh quãng năm 340 tại Roma. Ngài theo đường công danh, nhưng lại từ chối chức thái thú, bán hết gia sản phân phát cho người nghèo rồi xin gia nhập đan viện năm 575.
Sau đó, Ngài lãnh chức phó tế và được gửi đi thi hành sứ vụ tại Constantinople (580-585).
Tiếp đến, ngài được triệu hồi về Rôma để kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, và cuối cùng, vào năm 590, ngài được bầu làm giáo hoàng, kế vị Thánh Phêrô.
Trong suốt 14 năm, Ðức Grêgoriô đã nỗ lực xây dựng Hội Thánh trong nhiều lãnh vực: Chú giải thánh kinh, phục hưng bình ca và phụng vụ, Ngài cũng đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề xã hội và những tiến bộ khoa học.
Nhiều sử gia đã không ngần ngại hạ bút kết luận bằng 4 chữ: “hoàng kim thời đại”.
Ngài qua đời năm 604.
Ngày 08 tháng 9
Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria
Lễ kính
Chín tháng sau lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội , Hội Thánh mừng Sinh nhật Đức Mẹ.
Bà Anna cưu mang Đức Maria trong cuộc hôn nhân tự nhiên, nhưng chính Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ không vướng vết nhơ nguyên tội ngay khi tượng thai. Cho nên sự chào đời của Maria dưới ánh sáng đức tin đó là một ngày trọng đại trong lịch sử cứu rỗi.
Chính Giáo Hội đã hân hoan thốt lên: “Lạy Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, nhờ việc Mẹ sinh ra mà thế gian được tràn ngập hoan lạc và khích lệ, vì nơi lòng Mẹ, mặt trời công chính là Ðức Giêsu đã đến trong thế gian, chính Người đã kéo chúng tôi ra khỏi sự chết và đưa vào đời sống vĩnh cửu”.
Ngày 13 tháng 9
Thánh Gioan Kim Khẩu
Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lễ nhớ
Thánh Gioan mệnh danh là Chrysostome (Kim Khẩu) vì sự khôn ngoan và tài hùng biện. Thánh nhân sinh năm 334 tại Antiokia, Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ bé, ngài đã được hấp thụ do mẹ ngài một đức ái nhân hậu, một đức tin sắt đá và một lòng hy sinh hào hiệp.
Năm 386, ngài thụ phong linh mục và suốt 12 năm ngài đã làm cho thính giả thành Antiokia say mê và mến phục tài giảng thuyết.
Năm 397, ngài được bầu làm Giám Mục thành Constantinople. Cuối đời ngài chịu nhiều biết bao nhiêu khổ cực vì Ðức Kitô và giúp nhiều người đã trở lại cùng Chúa. Người cùng thời với ngài đều phải thán phục về lòng bác ái và những lời giảng thuyết của ngài.
Sau cùng, ngài qua đời vào ngày 13/9/407.
Ðức Thánh Cha Piô X đã nâng ngài lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh và bổn mạng của những nhà giảng thuyết.
Ngày 14 tháng 9
SUY TÔN THÁNH GIÁ
Lễ kính
Lễ Suy Tôn Thánh Giá được cử hành sau lễ Cung Hiến Thánh Đường Phục Sinh, được xây ở Giê-ru-sa-lem trên mộ thánh (năm 335). Lý do là sau khi hoàng đế Hérachius I tìm lại được cây Thánh Giá thật, sau 14 năm lưu lạc do quân Ba Tư chiếm giữ.
Vua trở về Constantinople giữa tiếng reo hò của dân chúng. Thánh Giá thật của Chúa đã được tôn vinh trong bầu khí khải hoàn.
Niềm vinh dự của người tín hữu chính là thập giá Đức Giêsu Ki-tô, Chúa chúng ta. Nhờ người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh.
Ngày 15 tháng 9
Đức Mẹ Sầu Bi
Lễ nhớ
Đức Maria hiệp thông sâu xa với cuộc Thương Khó của Chúa Ki-tô, Con Mẹ. Chính vì thế, sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, Hội Thánh mừng lễ Đức Maria Sầu Bi.
Mẹ cùng chia sẻ cuộc thương khó của Đức Giêsu cho đến khi Mẹ đứng dưới chân thập giá và ôm xác con tử nạn. Tình mẫu tử của Đức Maria đã trải rộng ra khắp Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Ki-tô, là Hội Thánh.
Truyền thống Hội Thánh suy niệm về những đau khổ của Mẹ qua các sự kiện sau :
– Lúc nghe lời tiên tri Simêon, khi dâng Chúa Giêsu trong đền thánh.
– Lúc ẵm bế Chúa Hài Ðồng trốn sang Ai Cập.
– Lúc lạc mất Chúa tại Giêrusalem.
– Lúc gặp Chúa vác thánh giá.
– Lúc Chúa chịu đóng đinh.
– Lúc hạ xác Chúa xuống khỏi thập giá.
– Lúc táng xác Chúa.
Ngày 16 tháng 9
Thánh Cor-nê-li-ô, giáo hoàng
Thánh Síp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo
Lễ nhớ
Thánh Cornêliô sinh trưởng tại Rôma. Ngài là người hiền hậu và tiết độ. Năm 251, ngài được bầu lên ngôi Giáo Hoàng khi Giáo Hội đang bị bách đạo.
Ngoài ra, ngài còn phải đương đầu với ly giáo Novatianô và đã viết nhiều sách nói về những người bội giáo. Thánh Cornêliô bị đày ở Civita Vecchia và chịu tử đạo ở đó vào cuối tháng 6 năm 253.
Thánh Cyprianô sinh năm 200 tại Phi Châu. Sau khi trở lại, ngài phân phát hết của cải cho người nghèo. Ngài được phong chức linh mục và sau đó được gọi giữ chức Giám Mục thành Carthagô năm 249.
Thời này, người công giáo bị bách hại dữ dội. Năm 257, Thánh Cyprianô bị bắt và buộc phải dâng hương tế thần, nhưng ngài đã cương quyết từ chối.
Vì vậy, ngày 16.9.258, ngài được vinh dự lấy máu đào làm chứng cho Chúa.
Thánh Cyprianô kính trọng và quý mến thánh Cor-nê-li-ô. Chính vì thế, ngày từ thế kỷ IV, Hội Thánh đã mừng lễ hai vị thánh cùng ngày tử đạo của thánh Cyprianô.
Ngày 20 tháng 9
Thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung
và các bạn tử đạo
Lễ nhớ
Nhờ việc tông đồ của một số giáo dân, đức tin Ki-tô giáo đã vào Hàn Quốc đầu thế kỷ XVII.
Dù thiếu vắng linh mục, giáo dân Hàn Quốc vẫn sống đức tin hăng say và mạnh mẽ. Thời kỳ đầu, cộng đoàn được hướng dẫn và xây dựng hầu như chỉ nhờ giáo dân cho tới khi các vị thừa sai người pháp đặt chân đến Hàn Quốc năm 1836.
Giáo Hội Hàn Quốc bị bách hại trong khoảng nữa đầu thế kỷ thứ XIX (từ 1839-1867). Hội Thánh đã chọn 103 vị để nêu gương tử đạo, trong đó nổi bật là linh mục đầu tiên người Hàn Quốc, cha An-rê Kim Tê-gon.
Cha là một mục tử hăng hái nhiệt thành. Kế đó là người tông đồ giáo dân, anh Phao-lô Chung Ha-san. Còn những vị khác là giáo dân nam nữ.
Tất cả đều đã lấy máu mình để để làm chứng cho Chúa Ki-tô.
Ngày 21 tháng 9
Thánh Matthêu, tông đồ
Lễ kính
Thánh Matthêu còn gọi là Lêvi, con ông Alphê.
Một hôm đi qua sở quan thuế thành Capharnaum gần bờ hồ Tibêriat, Chúa Giêsu thấy Matthêu ngồi ở bàn thu thuế, Ngài liền bảo ông: “Hãy theo Ta”. Không do dự, ông liền đứng lên, bỏ mọi sự mà theo Chúa.
Trước khi rời Giuđêa để đi giảng đạo, thánh Matthêu đã soạn thảo Phúc Âm đầu tiên bằng tiếng Do Thái vào khoảng năm 50. Vì viết cho người Do Thái nên ngài muốn chứng minh cho họ thấy tất cả những gì các tiên tri và các sách Cựu Ước tiên báo về Đấng Cứu Thế đều được ứng nghiệm nơi con người của Đức Giêsu.
Theo nhiều văn kiện lịch sử để lại thì thánh Matthêu đã đi truyền giáo ở Êthiopi, Ba Tư, Parthes và lãnh phúc tử đạo tại Tarium thuộc Êthiopi.
Thánh Matthêu thường coi như vị thánh quan thầy của những nhà trí thức Công Giáo.
Ngày 23 tháng 9
Thánh Pi-ô Pi-ết-ren-si-na, linh mục
Lễ nhớ
Thánh nhân sinh năm 1887 gần Bê-nê-ven-tô nước Ý. Ngài vào dòng Anh Em Hèn Mọn (Phanxicô).
Sau khi thụ phong linh mục, ngài là con người của cầu nguyện. Ngài tận tình lo việc mục vụ trong tinh thần khiêm tốn qua việc linh hướng, giải tội và săn sóc giúp đỡ những người ốm đau, nghèo khổ.
Người đã được Chúa ban cho đặc ân “nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô chịu đóng đinh”, qua việc mang trên mình 5 vết thương của Chúa Giêsu Ki-tô, giống như thánh Phanxicô Khó Nghèo của thế kỷ 13.
Ngài qua đời ngày 23.9.1968.
Ngày 27 tháng 9
Thánh Vinh-sơn Phao-lô, linh mục
Lễ nhớ
Vinh Sơn Phaolô sinh tại Pu-oy miền A-qui-taine khoảng năm 1581. Ngay từ nhỏ, ngài đã tỏ ra có một lòng bác ái cao cả đối với người nghèo khó. Ngài chịu chức linh mục năm 1600.
Khoảng năm 40 tuổi, ngài làm Bề Trên dòng Thăm Viếng và chu toàn bổn phận với sự khôn ngoan phi thường.
Năm 1633, ngài lập hội các linh mục triều để tiếp tục các công việc của ngài. Ngài cố lập nhiều tu hội khác nhằm an ủi kẻ đau khổ và giáo dục các thiếu nữ. Vì quá tận tụy trong chức vụ và vì tuổi già sức yếu, ngài đã an nghỉ trong Chúa năm 1660.
Ngày 29 tháng 9
Các Tổng Lãnh Thiên Thần
Miace – Gáprien – Raphaen
Lễ kính
Micaen nghĩa là « Ai bằng Thiên Chúa ». Thánh Micaen đã chống lại thần dữ để bênh vực quyền tối cao của Thiên Chúa. Giáo Hội nhận thánh Micaen như Ðấng bảo trợ và tin rằng ngài vẫn dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên ngai tòa Chúa.
Raphaen nghĩa là « Thầy thuốc của Thiên Chúa”. Chúng ta biết danh hiệu của Tổng Lãnh Thiên Thần này qua những trang sách Tôbia. Chính ngài đã được Thiên Chúa sai đến giúp đỡ gia đình ông trong cơn hoạn nạn. Ngài đã giúp ông đòi được nợ, chữa ông khỏi mù và lo cho con ông được yên bề gia thất.
Gabrien có nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa” cũng còn gọi là “Sứ Thần truyền tin”. Ngài luôn can thiệp vào những sứ mạng liên quan đến việc cứu rỗi loài người. Chính ngài đã báo cho tiên tri Ðaniel thời đại xuất hiện của Ðấng Cứu Thế và là sứ giả được phái đến cùng với Trinh Nữ Maria để loan báo ý định của Thiên Chúa, và cũng chính là người đã nhiều lần hiện ra với thánh Giuse.
Ngày 30 tháng 9
Thánh Giê-rô-ni-mô
Linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lễ nhớ
Thánh Hiê-rô-ni-mô sinh năm 340 tại Stri-đôn miền Dalmatie thuộc Nam Tư. Ngài sang Rôma học và chịu phép Rửa Tội tại đây.
Sau đó, ngài đã rảo khắp Palestina và sau cùng ẩn mình trong sa mạc ở Syrie, chuyên nghiên cứu Thánh Kinh. Sau khi rời sa mạc, ngài thụ phong linh mục tại Antiokia. Năm 382, ngài cùng Ðức Giám Mục Paulinô sang dự công đồng.
Tại đây, ngài được Ðức Giáo Hoàng Amasô đã chọn ngài làm bí thư và trao cho ngài việc nghiên cứu, phiên dịch Thánh Kinh sang La ngữ.
Ba mươi lăm năm cuối đời ở Bê-lem, gần nơi Chúa ra đời, ngài cầu nguyện, hãm mình và chăm chỉ nghiên cứu, dịch và chủ giải thánh kinh.
Ngài sửa chữa các bản dịch theo nguyên bản Hy Lạp. Bản dịch La ngữ này vẫn còn dùng trong phụng vụ Giáo Hội. Ðó là bản Vulgata.
Ngài qua đời ở Bê-lem năm 420.