Giáo Hạt Cà Mau

Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng: Tài liệu hướng dẫn các bước cần thực hiện để hướng tới tháng 10/2024

WHĐ (27.12.2023)Ngày 12.12.2023, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng đã ra một thông cáo báo chí, một tài liệu và một phiếu làm việc để hướng dẫn các bước mà các Giáo hội địa phương cần thực hiện trong thời gian từ nay đến Khoá họp thứ hai của Đại hội Thượng hội đồng (tháng 10/2024). Sau đây là bản dịch Việt ngữ của Nữ tu Anna Ngọc Diệp, Dòng Đa Minh Thánh Tâm, về các tài liệu này.

* * *

THÔNG CÁO BÁO CHÍ, NGÀY 12 THÁNG 12 NĂM 2023
Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng

Làm thế nào để trở thành một Giáo hội hiệp hành trong sứ vụ?

Hướng dẫn việc chuẩn bị hướng tới Đại hội năm 2024

Vào cuối cuộc họp vào ngày 05/12, các thành viên Hội đồng thường trực của Văn phòng Thượng Hội đồng Giám mục đã thông qua một Tài liệu về hoạt động mà Giáo hội Công giáo sẽ tham gia cho đến khi tiến hành Khoá họp thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ XVI (tháng 10/2024).

Đây là những hướng dẫn với một lộ trình cụ thể, trong đó việc đào sâu tính hiệp hành từ góc độ sứ vụ và mở rộng trải nghiệm về tính hiệp hành ở cấp địa phương là những nền tảng mà các cộng đoàn địa phương được mời gọi suy tư, bắt đầu với Bản Báo cáo Tổng hợp được thông qua vào cuối Khoá họp thứ nhất của Đại hội Thượng Hội đồng thường lệ lần thứ XVI vào ngày 28/10. Như Đức Thánh Cha đã nhắc lại khi phê chuẩn những đường hướng làm việc này, “Thượng hội đồng là về tính hiệp hành chứ không phải về chủ đề này hay chủ đề khác…. Điều quan trọng là cách thức thực hiện việc suy tư, nghĩa là, theo cách thức hiệp hành”.

Đức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng khẳng định: “Dựa trên trải nghiệm của Đại hội tháng 10 vừa qua, và đặc biệt là dựa trên Bản Báo cáo Tổng hợp mà các thành viên đã thông qua, Hội đồng thường trực quyết định đi theo một lộ trình thống nhất nhưng khác biệt dựa trên năng lực và tính khả thi thực tế của từng giáo hội địa phương. Đức Hồng y nói thêm: “Đây đã là một cách làm việc mang tính hiệp hành trong Giáo hội, nơi mỗi người cộng tác vì lợi ích của mọi người theo ơn gọi riêng của mình”.

Trên thực tế, để ghi nhớ hai chủ đề hoặc hướng dẫn chính này, các giáo phận được yêu cầu:

1) Liên quan đến việc đào sâu: thúc đẩy suy tư tập trung vào chủ đề đồng trách nhiệm khác biệt trong sứ vụ của mọi thành phần Dân Chúa (x. Bản Báo cáo Tổng hợp, các chương 8-12, 16 và 18). Các Giáo hội địa phương được yêu cầu thực hiện một cuộc thỉnh vấn mới, với sự tham gia của những người và các nhóm (như linh mục giáo xứ, các cơ quan tham gia, các nhóm hiệp hành, v.v…) thể hiện nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, đặc sủng, và tác vụ khác nhau trong Dân Chúa, và quan điểm của họ đặc biệt giúp ích trong việc tập trung vào việc “làm thế nào” để phát triển như một Giáo hội hiệp hành. Theo nghĩa này, sự tham gia của các chuyên gia và các viện học thuật có mặt trong lĩnh vực này dường như rất cần thiết, nhờ đó có sự đóng góp về chuyên môn thần học và giáo luật, cũng như về các ngành khoa học nhân văn và xã hội liên quan;

2) Liên quan đến việc mở rộng trải nghiệm về tính hiệp hành: tiếp tục hoặc thúc đẩy các sáng kiến mới để phát triển như một giáo hội hiệp hành trong sứ vụ, với những kinh nghiệm đào tạo và lắng nghe cũng bao gồm cả những người cho đến nay chưa được tiếp xúc với tiến trình này, các nhóm sống trong điều kiện nghèo đói và bị gạt ra bên lề xã hội cũng như các Kitô hữu thuộc các hệ phái khác nhau và những người thuộc các tôn giáo khác; thu thập và chuyển giao những chứng từ cũng như những thực hành tốt nhất để gửi đến Văn phòng Thư ký Thượng Hội đồng qua các Hội đồng Giám mục hoặc Cơ cấu phẩm trật Đông phương.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của các cộng đoàn địa phương, Văn phòng Tổng Thư ký đã chuẩn bị phiếu làm việc khả thi nhằm hỗ trợ công việc tiếp nhận những thành quả của Thượng Hội đồng tháng 10 và tiếp tục hành trình hoán cải mang tính hiệp hành trong các Giáo hội địa phương. Phiếu làm việc có sẵn trên synod.va.

Các Hội đồng Giám mục và Cơ cấu phẩm trật Đông phương được yêu cầu đồng hành với công việc của các Giáo hội địa phương bằng cách cung cấp cho họ những chỉ dẫn về phương thức và thời gian nghiên cứu và làm việc chuyên sâu; đồng thời thúc đẩy suy tư của họ về tinh thần đồng trách nhiệm khác nhau liên quan đến sứ vụ, đặc biệt ở cấp các nhóm Giáo hội (khu vực, quốc gia, quốc tế) và trong mối tương quan giữa các Giáo hội và Giám mục Rôma; soạn thảo bản tổng hợp những đóng góp của nghiên cứu chuyên sâu nhận được từ các Giáo hội địa phương và/hoặc được thực hiện ở cấp quốc gia, đồng thời gửi chúng, cùng với những thực hành tốt được các Giáo hội địa phương thu thập, tới Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng trước ngày 15/05/2024.

Đồng thời, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng sẽ thúc đẩy và điều phối việc suy tư về một số chủ đề “quan trọng” trong Bản Báo cáo Tổng hợp cần được xử lý ở cấp toàn Giáo hội và phối hợp với các Bộ của Giáo triều Rôma. Theo cách thức phù hợp với các Đại hội Thượng Hội đồng, một danh sách các chủ đề sẽ được đệ trình lên Đức Thánh Cha. Các nhóm chuyên gia từ tất cả các châu lục, với sự tham gia của các Bộ liên quan của Giáo triều Rôma, sẽ được kêu gọi làm việc theo phương thức hiệp hành về các chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chỉ ra. Một bản báo cáo về tiến độ công việc này sẽ được trình bày tại Khoá họp thứ hai vào tháng 10/2024.

Trong tất cả công việc này, các thành viên và mọi tham dự viên Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ XVI, do Đức Thánh Cha chỉ định, sẽ có nhiệm vụ quan trọng là trở thành những đại sứ của lộ trình đã được thực hiện và họ được mời gọi trở thành điểm tham chiếu cụ thể cho những thực tại mang tính giáo hội của riêng mỗi người.

Chuyển ngữ từ: www.synod.va

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *