Giáo Hạt Cà Mau

Bác bỏ các fake news liên quan đến tình trạng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Bác bỏ các fake news liên quan đến tình trạng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican10/Jan/2021

Như chúng tôi đã đưa tin bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha Phanxicô, là bác sĩ tiến sĩ Fabrizio Soccorsi, năm nay 78 tuổi, đã được nhập viện vào ngày 26 tháng 12 nhưng chẳng may đã qua đời vì các biến chứng sức khỏe liên quan đến coronavirus tại Bệnh viện Gemelli ở Rôma.

Kể từ đầu đại dịch coronavirus cho đến nay, Tòa Thánh luôn áp dụng các giao thức phòng dịch nghiêm nhặt nên Đức Thánh Cha Phanxicô không mắc phải coronavirus.

Tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha rất khả quan. Trong mấy ngày cuối năm Đức Thánh Cha bị đau thần kinh tọa nhưng tình trạng đã được cải thiện và ngài đã có thể đích thân cử hành thánh lễ Chúa Hiển Linh hôm thứ Tư 6 tháng Giêng vừa qua tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Hôm Chúa Nhật 10 tháng Giêng, Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin và ban huấn dụ. Đó là những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Trong ngày Chúa Nhật 10 tháng Giêng đã nổi lên một số fake news liên quan đến Đức Thánh Cha. Chúng tôi long trọng khẳng định với quý vị và anh chị em Đức Thánh Cha Phanxicô hoàn toàn khoẻ mạnh. Ngài vẫn ở tại Vatican và làm việc như bình thường.

Những fake news liên quan đến Đức Thánh Cha, mà chúng tôi không muốn nêu cụ thể ở đây để tránh vô tình tiếp tay cho những kẻ bất lương, là dấu chỉ của sự suy đồi đạo đức, sự suy đồi cả về văn hóa lẫn tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí đến mức tán tận lương tâm. Nó cũng cho thấy một sự ngu dốt về các hoạt động của Tòa Thánh và luật quốc tế.

Xin nói lại một lần nữa với quý vị và anh chị em Đức Thánh Cha Phanxicô hoàn toàn khoẻ mạnh. Ngài vẫn ở tại Vatican và làm việc như bình thường.

Là tín hữu Công Giáo, chúng ta phải có lòng tôn kính Đức Thánh Cha, là người kế vị Thánh Phêrô, và là đại diện Chúa Kitô ở trần gian, chúng ta mắc một lỗi nghiêm trọng khi loan truyền các fake news hủy hoại hình ảnh của ngài, và chung cuộc là gây trở ngại cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta sau khi đã được rửa tội.

Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ các fake news liên quan đến tình trạng của Đức Thánh Cha Phanxicô, và xin được nói lại một lần nữa với quý vị và anh chị em Đức Thánh Cha Phanxicô hoàn toàn khoẻ mạnh. Ngài vẫn ở tại Vatican và làm việc như bình thường.

Sau đây là một bản tin quan trọng cũng về những trò fake news, liên quan đến tình trạng của Giáo Hội tại Hoa Lục.

Mặc dù không có chứng cớ là nạn dịch ở Hà Bắc là do những cuộc tụ họp cuả người Công Giáo, nhưng bọn cầm quyền Bắc Kinh cùng những kẻ thù hận đức tin đã tung ra những luận điệu nặc danh dối trá trên phương tiện truyền thông trong đó chúng đổ vạ cho người Công Giáo.

Phải chăng đây là một âm mưu cuả đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn tận diệt Công Giáo? Dưới đây là ý kiến của linh mục Sơn Nhân, một linh mục nổi tiếng thường xuyên đóng góp trên các diễn đàn xã hội cuả Trung Quốc mà VietCatholic đã giới thiệu nhiều lần:

Hà Bắc, những Kitô hữu bị chụp mũ là ‘ổ lây dịch’. Sự trở lại của chế độ Nêrô.

Vào khoảng 2 giờ chiều, một giáo dân của tôi hỏi qua điện đàm: “Thưa cha, có một bài báo viết rằng: làng Tiêu quốc trang (Xiao Guozhuang), gần Trần Thành (Gaocheng) là một làng Công Giáo; 20 ngày trước, có hoạt động tôn giáo ở đây, có một số linh mục từ Âu Châu và Hoa Kỳ…” “Tin tức này có đáng tin không?”

Tôi không thực sự hiểu câu hỏi bất ngờ này nên tôi hỏi lại: “Chuyện gì đã xảy ra?”. Qua màn hình, tôi cảm nhận được sự sợ hãi của anh, bởi vì anh ta sợ rằng “tin tức này được ghi là xuất phát từ các chuyên gia nghiên cứu và phân tích” và có thể trở thành sự thật.

Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói về điều đó. Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy một điều như vậy từ anh ấy và tôi không biết tin tức đó có phải là sự thật hay không. Tuy nhiên, vào một thời điểm quan trọng của nạn đại dịch ở Hà Bắc, tôi tự hỏi tại sao có người lại bịa ra một cái tin “khiêu khích” như vậy. Chính vì không biết sự việc nên lúc đó tôi không dám đưa ra kết luận.

Sau đó, tôi hỏi các tín hữu địa phương và một giáo viên nói: “Đây cũng là lý do mà các nhà trường đưa ra: theo họ, Tiêu quốc trang đã bị nhiễm bệnh vì hoạt động tôn giáo”. Nhưng anh ấy cũng không biết chính xác ngôi làng này ở đâu hay sự việc thực sự như thế nào. Vì vậy, tôi nghĩ đó có thể là những lời đòn nhảm ở thành thị, và ở trường học.

Vì vậy, tôi tiếp tục tra hỏi thông tin từ những người khác, và càng đi sâu, tôi càng thấy tin tức đó không đáng tin cậy.

Trước hết, các nhà thờ ở khu vực Thạch Gia Trang đã nhận được thông báo vào đêm Giáng sinh (24/12), yêu cầu họ tạm dừng tổ chức lễ Giáng sinh; Thánh lễ đêm Giáng sinh được các linh mục giáo xứ cử hành một mình, và mọi công việc chuẩn bị cho lễ Giáng sinh đều bị bỏ dở.

Thứ hai, chính xác là 14 ngày đã trôi qua từ ngày 24 tháng 12 đến hôm nay, nhưng bài đăng của các chuyên gia cho biết: “Khoảng 20 ngày trước, làng Tiêu quốc trang tổ chức một hoạt động tôn giáo và có một số linh mục từ Âu châu và Hoa Kỳ tham gia… “. Tôi vẫn đang cố gắng xác định xem hoạt động nào đã được tổ chức cách đây 20 ngày ở Tiêu quốc trang, đến nỗi thậm chí có một số linh mục nước ngoài đến tham dự.

Thứ ba, ngày 7 tháng Giêng, lúc 11 giờ 40 sáng, một bài báo viết bởi một người ẩn danh đã được đăng, có tựa đề “Sự gia tăng tôn giáo ở các làng: làng Tiêu quốc trang, ở Trần Thành, đang tổ chức nhiều hoạt động bí ẩn vào mỗi thứ Tư và thứ Sáu?”. Mục đích của việc phát hành một bài báo như vậy vào một thời điểm quan trọng như thế này, có nghiã là gì?

May mắn thay, vị linh mục địa phương chịu trách nhiệm một vùng rộng lớn bao gồm Thạch Gia Trang đã lập tức đưa ra một tuyên bố ngăn chặn những lời dối trá này. Tuyên bố viết: “Các làng Tiêu quốc trang, Lưu gia tả (Liu Jiazuo,) Nam kiều trại (Nan Qiaozhai) không phải là những làng Công Giáo, chỉ có một số ít cư dân là người Công Giáo. Những ngôi làng này không có nơi cầu nguyện; họ không tổ chức các cuộc họp tôn giáo. Để tham gia hoạt động tôn giáo thông thường, tất cả các tín hữu phải đến những làng bên cạnh như Bối kiều trại (Bei Qiaozhai,) v.v.

Do đó, trò hề này chỉ là một cách để đổ lỗi đại dịch cho các cuộc tụ họp tôn giáo. Hiện tại, đời sống tôn giáo bình thường đang phải chịu nhiều hạn chế: Thánh lễ Đêm Giáng sinh khắp vùng không có tín hữu là bằng chứng không thể chối cãi về điều này. Mà đợt dịch này lại bắt đầu sau đó, từ ngày 4 tháng Giêng.

Các hoạt động tôn giáo đã bị đình chỉ từ đêm Giáng sinh. Do đó những người có ý định tung tin vu khống chỉ có thể chuyển ngày này về 20 ngày trước, sử dụng một ngôi làng không theo Công Giáo như Tiêu quốc trang làm nguồn gốc của dịch.

Rõ ràng đó là tin tức được xây dựng một cách nghệ thuật; nếu nó được công chúng hấp thụ, các tín hữu sẽ không có cách nào để tự vệ. Nếu nó không được chấp nhận, nó chỉ bị coi là một trò đùa, không liên quan. Nhưng nếu các tín hữu nghĩ về điều đó, thì thật là kinh hãi. Nhân danh tôn trọng các quy tắc phòng ngừa, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc đình chỉ các hoạt động tôn giáo vừa mới được nối lại.

Thực tại đang được diễn ra thì Hiệp hội Yêu nước và Ủy ban Hành chính của Giáo hội Quốc Doanh Trung Quốc, theo yêu cầu của cấp lãnh đạo, đã yêu cầu tất cả các giáo xứ trong giáo phận đình chỉ hoạt động của họ. Hơn nữa, đề cập đến lời đồn về sự lây lan là từ các cuộc tụ tập tín đồ ở Thạch Gia Trang mà dư luận đang hướng về các linh mục đến từ Châu Âu và Hoa Kỳ, Hiệp hội Yêu Nước không cải chính, chỉ bổ sung thêm câu sau: “sau khi các chuyên gia phân tích, người ta khẳng định virus tìm thấy ở Thạch Gia Trang và Hình Đài được nhập từ Âu Châu”.

Điều này làm tôi nhớ đến hoàng đế Nêrô. Ông là một người yêu thơ; Ông thích đọc lại những bài thơ cuả người khác viết cùng với những bài thơ tầm thường cuả chính ông, và mỗi lần như thế ông đều muốn có những tràng pháo tay cuả đoàn tuỳ tùng. Rồi một ngày nọ, tin rằng sự im lặng của thành phố Rôma không xứng đáng để ông say mê ngâm thơ, ông quyết định đốt cháy thành phố và ngâm thơ giữa tiếng la hét của dân chúng. Để đọc một bài thơ, hoàng đế ra lệnh đốt cháy một thành phố!

Giữa những ngọn lửa rực cháy và đám đông chạy trốn, vị hoàng đế cuối cùng cũng đã giải tỏa được niềm đam mê của mình. Khi tất cả kết thúc, hoàng cung bị bao vây bởi những người tức giận, thì Nêrô hoảng sợ. Có người gợi ý với ông ta rằng điều mà người dân La Mã muốn vào lúc này là trút giận, và thế là đủ để buộc tội các tín hữu Kitô đã phóng hỏa đốt thành phố. Khi đám đông nhìn thấy những con sư tử ăn thịt những người có đạo, họ sẽ quên điều tra xem ai thực sự là thủ phạm. Do đó sinh ra một cuộc đàn áp tùy tiện đối với các Kitô hữu. Những người đang ở trong tình trạng hoang mang, thì sự thật vẫn là, họ không quan tâm sự thật là gì!

Điều đáng mừng là vị linh mục gần Thạch Gia Trang lần này đã phản ứng kịp thời, là lập tức tuyên bố chống lại sự dối trá để phong tỏa những hậu quả tiêu cực. Nhưng tôi vẫn muốn đặt lại một câu hỏi là: cơn gió ác này từ đâu thổi đến? Mặc dù nó chưa dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực trong lần này, nhưng chúng ta không nên bỏ qua nó vì trong quá trình lịch sử, Giáo hội đã bị tổn thương thường xuyên vì những lý do như thế…

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *