Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Cần Thơ – 2022
Ngày Thứ Ba (23.11.2022)
THÁNH LỄ
Tưởng nhớ và cầu nguyện cho quý Đức cha, quý cha, quý Tu sĩ từng phục vụ GPCT đã qua đời
Suy niệm đoạn Tin mừng Lc 21,12-19, trong đó Đức Giêsu nói về những cuộc bách hại xảy ra trước khi Ngài trở lại trong ngày tận thế, và những căn dặn của Đức Giêsu cho các môn đệ, cha Gs. Nguyễn Văn Hiến chia sẻ với cộng đoàn về chủ đề: kiên trì trong bổn phận “giữ linh hồn”.
Dĩ nhiên, linh mục phải chăm sóc linh hồn của chính mình. Nhưng qua ơn ban thánh chức, ngài còn được trao nhiệm vụ chăm sóc phần rỗi linh hồn của đoàn chiên được trao phó cho ngài. Yếu tố cần được nhắc nhớ trong khi linh mục thi hành tác vụ này chính là ở sự kiên trì: kiên trì với Chúa trong cầu nguyện, kiên trì với anh chị em giáo dân trong niềm cảm thông và tình yêu thương, kiên trì với bản thân mình trong ý thức “bắt đầu lại” mỗi ngày.
Hình ảnh được cha Giuse đề cập để kết thúc bài chia sẻ: linh mục, một tay nắm lấy Chúa và một tay nắm lấy giáo dân của mình.
BÀI GỢI Ý CẦU NGUYỆN 4:
Noi gương Đức Giêsu, linh mục sống đời nghèo khó
Cựu Ước giới thiệu một Thiên Chúa “cho người nghèo”: “nghe tiếng người nghèo kêu cứu”, “thương xót kẻ yếu đuối và nghèo khó”, “bảo vệ người yếu đuối”, “công bình với người bị áp bức” … Tân Ước giới thiệu một Thiên Chúa trở nên “nghèo”: Đức Giêsu đã trở nên một người trong số những người nghèo. Cần nhận ra, Đức Giêsu nghèo, không phải là sự nghèo khó do thực tế bị bắt buộc hay do thừa kế cái nghèo, nhưng Ngài đã tự nguyện làm cho mình trở nên nghèo, và làm như thế vì tình yêu, để làm cho người khác được giàu có: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em nên giàu có” (2Cr 8,9).
Rồi với các môn đệ được sai đi (x. Mc 6,6b-13), Đức Giêsu cho phép họ mang một cái gậy và đôi dép để đi đường xa. Tất cả hành trang chỉ có thế! Những thứ bị cấm mang khi đi đường là những thứ vốn tạo ra sự bảo đảm hay dư thừa không cần thiết: lương thực, bao bị, tiền giắt lưng, hai áo trong…
Nhu cầu sở hữu vật chất là nhu cầu thuộc bản năng tự nhiên của con người. Nhưng, là những người bước theo Đức Giêsu, mọi linh mục đều được mời gọi họa lại hình ảnh một Đức Giêsu nghèo khó. Trong cạm bẫy vật chất như xã hội của thời nay, đức khó nghèo trở nên như một nhân đức anh hùng. Và đây là hai trong những điều cơ bản nhất, giúp linh mục sống và minh chứng sức hấp dẫn của đức khó nghèo:
Với mình: tập một nếp sống giản dị, chỉ sở hữu ở mức độ tối cần thiết (‘có’ mà ‘không có’), khả năng chấp nhận hy sinh, thiếu thốn.
Với người: năng lui tới với những người nghèo và giúp đỡ họ. Linh mục sống giản dị nghèo khó đã là điều tốt, đáng khen. Nhưng sống như thế để làm gì còn quan trọng hơn nhiều. Linh mục sống giản dị nghèo khó là để cho đi, để chia sẻ, để đồng cảm với mọi người, nhất là người nghèo.
Vị giảng phòng mời gọi cộng đoàn đặt mình trước Chúa trong cầu nguyện để phản tỉnh: Tôi có nhạy cảm trước nỗi đau của người nghèo, người bệnh tật? và tôi đã từng làm gì cho họ? Tôi có giàu có trong khả năng cho đi? Tôi có phản ứng gì khi nghe tin một người nào đó lâm vào cảnh túng quẫn, bệnh nặng hay qua đời? Tôi có đang trong tình trạng ‘giàu có bất nhân’ không, nghĩa là nếp sống trưởng giả giữa bao người nghèo?
BÀI GỢI Ý CẦU NGUYỆN 5 và 6:
Noi gương Đức Giêsu, linh mục sống đời độc thân khiết tịnh
Đức Giêsu, trong hành trình thực thi sứ mạng cứu thế, đã chọn cho mình lối sống độc thân khiết tịnh. Và đó như là một lời mời gọi của Tin mừng, đặc biệt, trở nên điều kiện cho những ai muốn dấn thân trong đời sống ơn gọi linh mục, tu sĩ.
Theo nghi lễ Latinh, chức linh mục đi liền với đòi hỏi luật độc thân khiết tịnh. Giáo hội tiếp tục khẳng định lời cam kết này trong những giáo huấn hiện tại, cụ thể ở Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1579: “Trong Giáo Hội Latinh, trừ các phó tế vĩnh viễn, mọi thừa tác viên có chức thánh thường được tuyển chọn từ những người nam sống độc thân và có ý giữ độc thân ‘vì Nước Trời’ (Mt 19,12)”.
Trước hết, nhắc lại tư tưởng của Đức Phaolô VI trong thông điệp Sacerdotalis caelibatus, Đức cha Louis mời gọi cộng đoàn suy tư về ba lý do của bậc độc thân thánh chức – một ơn ban mà chính mỗi linh mục đang đảm nhiệm điều ấy trong cuộc sống mình:
– ý nghĩa cánh chung học (hồng ân độc thân thánh chức như lời loan báo trước về cuộc tạo dựng mới: Nước Thiên Chúa chung cuộc trong biến cố Quang Lâm, trong đó: người ta không còn lấy vợ, lấy chồng…),
– ý nghĩa Kitô học (đời sống trong tình trạng trinh khiết mà chính Đức Giêsu đã sống: Ngài ‘đã làm người’, hiến mình cho Chúa Cha và đảm nhận nơi mình một hình thức sống mới mẻ: thánh thiêng, tinh tế),
– ý nghĩa giáo hội học (kết hôn cách mầu nhiệm với Hội Thánh, yêu mến Hội thánh với một tình yêu độc hữu, hiến mình trọn vẹn cho những công cuộc của Chúa Kitô và của Thân Thể mầu nhiệm Ngài).
Bên cạnh, vị giảng phòng mỗi người xác tín một lần nữa, và đem vào thực hành trong đời sống mình, những điều kiện tiên quyết và thiết yếu để giúp linh mục vẫn mãi trung thành với “chọn lựa ưu tiên của Đức Kitô”:
– làm sao để biết Đức Giêsu ngày càng rõ ràng, chắc chắn và không ngừng; làm sao để cho tình yêu cá nhân của tôi dành cho Ngài luôn sống động và tăng trưởng. Chỉ khi tích cực khám phá ra giá trị của người ta yêu thương, ta mới có thể trung thành với người ấy đến cùng.
– biết nhận ra vẻ đẹp của Hội Thánh (dĩ nhiên với con mắt đức tin, cũng chính là cái nhìn của Đức Kitô trở thành của chúng ta). Không một tình yêu phu thê nào có thể được xác định trong con tim và trường tồn nếu người ta không nhận thấy được người phối ngẫu của mình đáng yêu và hấp dẫn.
– quyết tâm muốn yêu mến mọi người với tâm hồn của Đức Giêsu.
Tôi – một linh mục, có xác tín, trân trọng và giữ gìn ơn độc thân khiết tịnh như “một thứ châu báu ngời sáng” không? (“Độc thân thánh chức mà Giáo hội giữ từ nhiều thế kỷ như một thứ châu báu ngời sáng, vẫn bảo toàn trọn vẹn giá trị của mình đối với thời đại chúng ta…” – Đức Phaolô VI, Thông điệp Sacerdotalis caelibatus, số 1)
TIẾP TỤC NỐI NGUỒN GIÊSU
Những thời khắc thinh lặng để suy tư, phản tỉnh… chắc chắn sẽ giúp mỗi linh mục nhận ra những tình trạng của chính mình. Và, với tác động của Thần Khí, mỗi người sẽ tìm lại được sức bật để “đứng dậy, mở cửa, đi ra”, nghĩa là đổi mới, làm mới lại cuộc sống mình (Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng lễ Chúa Thánh Thần, ngày 08.5.2017)