Giáo Hạt Cà Mau

Hãy mừng vui (29.01.2023 – Chúa Nhật 4 TN, Năm A)

Hãy mừng vui (29.01.2023 – Chúa Nhật 4 TN, Năm A)

Lời Chúa: Mt 5, 1-12a

Thấy đám đông dân chúng, Ðức Giêsu lên núi.  Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa là gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

Suy niệm:

Ðời sống mỗi người đều có những chỗ khuyết, chỗ hụt,

những mất mát, yếu kém không thể bù đắp,

nên ở đời có vẻ chẳng ai được hạnh phúc trọn vẹn.

Ngay giữa lúc hạnh phúc nhất, cũng có điều làm bận lòng.

Trong bài giảng đầu tiên trên một ngọn núi,

Ðức Giêsu đã chỉ cho ta bí quyết để có hạnh phúc.

Hạnh phúc thực sự là quà tặng của Thiên Chúa,

nhưng con người cần sống tích cực để đón nhận.

Ðược Nước Trời, được Ðất Hứa, được thấy Thiên Chúa,

được Ngài ủi an, thương xót, và làm cho no thỏa:

những điều đó có nghĩa là sống thân tình với Ngài,

được vui hưởng hạnh phúc viên mãn của chính Thiên Chúa.

Chỉ nơi Ngài mới có hạnh phúc trọn vẹn, vững bền.

Con người chỉ có hạnh phúc khi gắn bó với Nguồn cội,

với Ðấng đã, đang và sẽ ban cho mình tất cả.

Nói cho cùng, người hạnh phúc là người biết mở ra,

mở ra với Thiên Chúa và mở ra với tha nhân.

Người có tâm hồn nghèo khó là người thật sự nghèo,

chẳng có nhiều của cải hay chỗ đứng trong xã hội.

Khi cảm nghiệm nỗi bất lực của mình,

họ khiêm tốn mở ra và phó thác cho duy Thiên Chúa.

Chính lúc đó họ thấy mình bình an, vững vàng.

Người khao khát trở nên công chính là người mong nên thánh.

Nên thánh là sống theo tinh thần của cả Bài Giảng trên Núi.

Nỗi khao khát không nguôi làm cho con người lớn lên.

Nỗi khao khát đào sâu, để con người chứa được nhiều.

Người sầu khổ về mọi mặt sẽ được hạnh phúc,

khi trong cơn đau, họ biết quay về với Thiên Chúa.

Phúc cho ai thấy đau khổ của mình có ý nghĩa:

đau khổ để đền tội, để phục vụ, để triển nở thiêng liêng.

Ngay cả đau khổ vô lý cũng làm ta gần Ðấng trên thập giá.

Người bị bách hại, lăng nhục, vu khống là người có phúc.

Ngay giữa ngặt nghèo họ vẫn cảm được niềm vui (Cv 5,41),

vì họ dám sống và dám chết cho Thầy Giêsu.

Người hiền lành là người có lòng nhân đối với người khác.

Họ học gương hiền lành của Thầy Giêsu (Mt 11,29),

không lấy oán báo oán khi mình bị xúc phạm (Mt 21,5).

Người có lòng thương xót là người biết mở ra để cảm thông,

đau nỗi đau người khác và chia sẻ những gì mình có.

Người có tâm hồn trong sạch là người ngay thẳng, thật thà,

không giả hình, nhưng làm với ý hướng trong sáng.

Chính sự trong sáng của thân xác và tâm hồn

sẽ làm người ấy dễ gặp được khuôn mặt Thiên Chúa.

Người xây dựng hoà bình là người gieo an hoà khắp nơi,

trong gia đình, ngoài xã hội và giữa các dân tộc.

Họ giải toả những bất đồng, tháo gỡ những tranh chấp.

Họ coi mọi người là anh em, con cùng một Cha.

Thời nào con người cũng lao đao đi tìm hạnh phúc.

Phúc cho ai không khép lại để tìm hạnh phúc cho mình,

nhưng biết mở ra để sống cho Chúa và tha nhân.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin cho con luôn vui tươi.

dù có phải lo âu và thống khổ,

xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;

nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,

những người – cũng như con –

đang cần một người bạn.

Nếu như con nên yếu đuối,

thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,

thông cảm và nhân từ hơn.


Nếu bàn tay con run rẩy,

thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.

Khi lâm tử,

xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật

như một lời kinh.


Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,

như một lời xin vâng cuối cùng.

Và con về nhà Chúa,

để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

––––––––––––––––––––––––

Lễ ngoại lịch: Mồng hai Tết Nguyên đán Đinh Dậu

Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ

Thờ cha kính mẹ

Lời Chúa: Mt 15, 1-6

Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Ðức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.”

Suy niệm:

Giáo Hội dành Mồng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.

Người Công Giáo thường bị coi là bỏ rơi việc thờ cúng ông bà tổ tiên,

như thế họ có thể bị coi là bất hiếu.

Thật ra thảo kính cha mẹ là điều răn thứ bốn Thiên Chúa đòi chúng ta phải giữ.

Cha Đắc Lộ trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày (1651) cho rằng

thảo kính cha mẹ gồm bốn phần, đó là yêu mến, kính sợ, chịu lụy và giúp đỡ.

Cha còn ghi nhận một tập tục đặc biệt vào thời đó.

Ngày Mồng Một Tết, người dân và cả những quan lớn,

sau khi theo vua chúa đi tế Nam Giao về,

“ai nấy về nhà mà lạy cha mẹ ông bà ông vải.”

Vào năm 1625, các thừa sai cho phép cúng giỗ các vị đã khuất.

Trong các gia đình, ngoài bàn thờ kính Chúa, còn có “bàn thờ” tổ tiên

Chỉ có hai điều không được phép,

đó là đốt vàng mã và tin tổ tiên về ăn đồ cúng.

Thật ra, người Công Giáo nhớ đến người quá cố

không qua những nghi lễ giỗ chạp hàng năm,

cho bằng qua việc cầu nguyện và dâng lễ hàng ngày.

Nhà Vua tế Trời ở đàn Nam Giao, nhà sư thờ Phật tại Chùa,

các bậc chức sắc trong làng xã thờ Thành Hoàng tại đình làng,

còn việc cầu nguyện, cúng giỗ tổ tiên được cử hành tại gia đình,

nơi người sống và người đã qua đời vẫn thông hiệp với nhau chặt chẽ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu bênh vực quyền lợi của cha mẹ.

Ngài đòi người ta phải giữ điều răn thứ tư của Thiên Chúa.

Thảo kính cha mẹ hàm chứa việc săn sóc và phụng dưỡng cha mẹ.

Cụ thể người con phải giúp cha mẹ về mặt tài chánh.

Đức Giêsu phản đối một truyền thống được bày đặt bởi người Pharisêu,

đó là khi một người con lấy số tiền lẽ ra dành để nuôi cha mẹ

mà dâng cúng cho đền thờ làm lễ phẩm

thì anh ta khỏi phải dùng tiền đó mà nuôi cha mẹ nữa (cc. 5-6).

Đối với Đức Giêsu, làm thế là nhân danh một truyền thống con người

mà “vi phạm điều răn của Thiên Chúa”và “hủy bỏ lời của Thiên Chúa” (cc. 3.6).

Khi suy nghĩ về tương quan giữa cha mẹ và con cái,

chúng ta cần tự hỏi:

Làm sao để có sự cảm thông giữa những thế hệ?

Làm sao để con cái biết vâng phục và tôn kính cha mẹ?

Làm sao để cha mẹ biết giáo dục con cái bằng khuyên răn và sửa dạy?

Cầu nguyện:


Lạy Chúa Giêsu,

sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét,

Chúa đã thành một người chín chắn

và trưởng thành,

sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.

Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ

trong việc hình thành nhân cách của Chúa.

Chúa đã học nơi thánh Giuse

sự lao động miệt mài,

sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,

sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.


Chúa đã học nơi Mẹ Maria

sự tế nhị và phục vụ,

sự buông mình sống trong lòng tin phó thác

và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.


Xin nhìn đến gia đình chúng con,

xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,

biết yêu thương tha thứ,

biết cầu nguyện và phục vụ.


Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,

Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,

nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan

và tràn đầy ơn Chúa.

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *