Giáo Hạt Cà Mau

Những nét đẹp nơi một gười đệm đàn Phụng Vụ

Bạn thân mến! Phụng vụ Kitô giáo sẽ buồn tẻ biết bao nếu không có lời ca tiếng hát. Bạn- một người đệm đàn phụng vụ- bạn đang góp phần làm sinh động hóa, tươi trẻ hóa cộng đoàn qua tiếng đàn của bạn, cũng như những ca viên ca đoàn, các em lễ sinh, các người đọc Sách Thánh với phận vụ riêng của họ. Nhờ tài năng ân huệ Chúa ban cho bạn mà cộng đoàn có thể vui hưởng những cung bậc cảm xúc được diễn tả qua những giai điệu và tiết tấu để ngợi khen Chúa. Xin cám ơn bạn vì nỗ lực này. Xin hãy để tôi nói với bạn những nét đẹp tôi thấy nơi bạn và kèm theo là những mơ ước của tôi về bạn.

1. Khiêm nhường:

Nét đẹp đầu tiên mà tôi có thể thấy và ao ước nơi một người đệm đàn phụng vụ cách riêng, cũng như những thừa tác viên khác của phụng vụ nói chung, đó là tinh thần khiêm nhường. Tất cả chúng ta đều phụng sự Chúa và phục vụ nhau, theo ơn gọi và sứ vụ của mỗi người. Vì vậy mà chúng ta đều cần tinh thần khiêm nhường, vì không khiêm nhường thì không phục vụ được. Khiêm nhường là ý thức sự thật về chính mình. Người làm công tác Thánh Nhạc ý thức rằng tất cả là hồng ân Chúa ban, chẳng có gì do tự sức riêng mình làm cả. Cụ thể, tài năng âm nhạc mà họ có cũng là do Chúa ban để họ dùng mà phục vụ cộng đoàn. Nên họ sẽ không lên mặt kiêu căng, tự mãn, trịch thượng trong ứng xử và giao tiếp, đàn để biểu diễn, khoe tài, để thể hiện cái tôi. Không thấy “dấn thân” mà chỉ thấy “dấn sân”, không “hiến dâng” mà chỉ mong “tiến thân”, như vậy chưa phải là phục vụ trong khiêm nhường.

Sự khiêm nhường được thể hiện nơi cung cách phục vụ và cung cách ứng xử trong cuộc sống, và người khác cũng có thể thấy được điều đó, dù họ có nói ra với bạn hay không. Cậy dựa vào khả năng của chính mình mà thiếu khiêm tốn, đó là thiếu khôn ngoan và trưởng thành. Nếu những người cùng biết khiêm nhường phục vụ chung với nhau, công việc chung sẽ tiến triển tuyệt vời. Còn phải sống chung với một người thiếu khiêm nhường, cho dù họ có là thiên tài đi nữa, người ta vẫn cảm thấy không thoải mái. Thật là buồn khi người ta “ớn” bạn vì bạn kiêu nhưng vẫn phải miễn cưỡng nhờ bạn vì bạn giỏi. Những người kiêu thường là những người không giỏi, giỏi chưa tới, hay rất giỏi nhưng lại thiếu đạo đức. Nhưng có một thực tế khác, là những người giỏi thật thường rất khiêm nhường. Càng giỏi, họ càng thấy người khác giỏi hơn mình, nên không dám lên mặt với ai, kể cả những người không có chuyên môn như họ, vì ý thức mỗi người có một lĩnh vực riêng. Còn nếu bạn không giỏi, thì đó càng phải là lý do để bạn khiêm nhường. Thật ngán ngẩm khi thấy một người không giỏi mà lại kiêu.

Sự khiêm nhường còn được thể hiện trong việc biết lắng nghe góp ý của người khác, từ các vị bề trên như cha sở, ca trưởng, đến những người khác trong cộng đoàn mình phục vụ. Dĩ nhiên, biết lắng nghe không có nghĩa là bạn phải làm mọi thứ theo ý người khác, vì cộng đoàn chín người mười ý thì làm sao bạn chiều cho nổi, nhưng một người biết lắng nghe sẽ phân định xem những gì quan trọng cần được điều chỉnh, những gì mang tính tham khảo từ những phản hồi họ nghe được, và rồi cùng nhau, họ cùng chia sẻ, trao đổi, và tìm ý Chúa qua việc đối thoại và phân định. Nhiều cha sở và ca trưởng than phiền về những người đệm đàn không biết lắng nghe và khiêm nhường mà chỉ thích làm theo ý riêng, từ những chuyện rất nhỏ nhặt. Dĩ nhiên, cũng có nhiều vị lãnh đạo gây khó khăn cho việc phục vụ của bạn, nhưng thông thường thì ai cũng quý một người đệm đàn phụng vụ cả, và ai cũng sẽ trân trọng một người tài năng mà khiêm nhường. Nên bạn hãy khiêm nhường lắng nghe phản hồi của người khác, hồi đáp và trao đổi quan điểm trong ôn hòa nếu cần, và thống nhất trong cách phục vụ. Có biết bao vụ lùm xùm, rắc rối, chia rẽ, bè phái và xung đột với nhau, chỉ vì thiếu khiêm nhường. Nếu đàn hát có mục đích là để giúp cộng đoàn hiệp nhất và cầu nguyện, mà thực tế nó lại là nơi để người ta thể hiện bao công kích, mâu thuẫn, chia rẽ, chống đối nhau, thì thật là một mâu thuẫn nội tại đáng buồn… 

Hơn nữa, sự khiêm nhường còn thể hiện nơi khả năng cộng tác với người khác của bạn. Có nhiều người đệm đàn phụng vụ chỉ thoái mái khi họ đàn một mình, vì như thế họ khỏi cần phải cộng tác với người khác, hay cũng có thể họ nghĩ là một mình họ đã chơi đủ hay rồi. Nhưng việc chung nếu được sự cộng tác chung với nhau thì sẽ tuyệt vời biết bao! Bạn có cái hay của bạn, và người khác có cái hay của họ. Cùng nhau cộng tác chung với nhau trong những dịp đại lễ, cùng nhau tập dợt, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, đó chẳng phải là chúng ta đang tận dụng mọi đặc sủng chúng ta có để cùng nhau ca tụng Chúa sao? “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. (1 Pr 4,10) Thánh Phaolô cũng đã nói rất nhiều về điều này (Rm 12,6; 1Cr 7,6; 1 Cr 12 ‐14; …) . Vậy, tạ ơn Chúa cho cộng đoàn, nếu bạn là một người phục vụ đầy lòng khiêm nhường!

2. Chuyên cần – Hy sinh:

Nét đẹp thứ hai tôi thấy thật tuyệt vời nơi bạn, đó là sự chuyên cần trong hy sinh. Đệm đàn phụng vụ là một hy sinh thật sự. Bạn trung thành đến Nhà thờ để đệm đàn cho ca đoàn và cộng đoàn, bạn nâng cao tiếng hát và tâm tình của mọi người để ca tụng Chúa, đó là một điều tuyệt vời. Không dễ để có một sự chuyên cần hy sinh như thế. Bạn phải vượt qua bao nỗi ươn lười, mệt mỏi, bao thú vui dễ dãi, bao công việc cá nhân, để dâng cho Chúa của lễ hy sinh là chính khả năng Chúa ban. Chính Chúa sẽ ân thưởng cho bạn khi bạn biết sinh lợi những nén bạc Chúa trao, vì chính Ngài hứa như vậy trong Tin Mừng (Lc 19,11‐27). Thật sự, đệm đàn cho những nhà thờ lớn, ca đoàn lớn, những ngày lễ lớn xem ra không khó khăn mấy, ngược lại còn là một vinh dự nữa. Người ta đua nhau, tranh nhau, dành nhau để đàn những nơi, những lúc như vậy. Nhưng đệm đàn cho những ca đoàn nhỏ, hát chưa hay, đệm đàn cho những thánh lễ ngày thường, cho những giáo họ, nhà nguyện nhỏ thì đúng là một hy sinh và chuyên cần trường kì. Nó đòi hỏi sự trung thành, đôi khi “đến mức anh hùng” nếu được làm bằng tình yêu lớn lao. Nó đòi hỏi bạn trung thành đi‐về, khi sáng hay khi trưa, khi trời mát hay khi trời mưa, khi bạn khỏe vui hay khi bạn mệt nhoài. Thế đó, việc đệm đàn phụng vụ cũng là một phương thế để giúp bạn nên thánh trong đời sống. Có những người chỉ đến trong những lễ lớn của giáo xứ, chỉ thích đệm cho những ca đoàn lớn và hát hay, để có hứng mà đánh. Nhưng đệm đàn cho những ca đoàn hát chưa hay, chưa có tâm tình thì đúng là chính người đệm đàn nghe còn thấy nản. Dù vậy, nếu bạn trung thành và chỉ nhìn mục đích chung là phục vụ, thì bạn là một người đệm đàn phụng vụ có tinh thần hy sinh và chuyên cần tuyệt vời! Điều đó còn cho thấy bạn quảng đại với Chúa, và Người sẽ chẳng chịu thua lòng quảng đại của bạn bao giờ.

3. Cầu tiến – Sáng tạo:

Nét đẹp thứ ba chiếu tỏa nơi một người đệm đàn phụng vụ là sự cầu tiến và sáng tạo. Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, và Người hài lòng thốt lên sau mỗi lần sáng tạo ra một điều gì mới: “Mọi sự đều tốt đẹp” (St 1,4.10.12.18.21.25.31). Khi bạn sáng tạo, bạn đang giống Thiên Chúa và cảm nghiệm được niềm vui khi sáng tạo những gì mới mẻ cho cuộc sống. Những người nghệ sĩ hơn ai hết chia sẻ và cảm nghiệm được cảm giác của Thiên Chúa khi sáng tạo những gì đẹp đẽ nhất cho cuộc sống này. Khi đệm đàn phụng vụ, bạn giúp cho mọi người cảm nhận được những cung bậc cảm xúc mới, những tâm tình mới qua các bài hát của các tác giả khi sáng tác chúng. Những cung bậc cảm xúc và tâm tình này vốn dĩ chỉ ẩn giấu trong các bài hát, trên mặt chữ giờ đây được trình tấu và thể hiện, được cử hành và hiện thực hóa. Thế nên bạn hãy sáng tạo và có ý chí cầu tiến đổi mới luôn luôn, như hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Bởi lẽ khi sáng tạo, chúng ta đang thực sự cảm nghiệm niềm vui của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Chính nét thẩm mĩ nghệ thuật của người nghệ sĩ và cách sắp xếp khéo léo tài hoa của những đôi tay sáng tạo làm nên những khác biệt. Người nghệ sĩ là người thấy được những vẻ đẹp mà người khác không thấy. Sáng tạo là như thế. Sáng tạo là không chịu bước theo những lối mòn, không an phận với những khuôn sáo, nhưng cho thấy sức năng động của âm nhạc nếu ta biết tận dụng. Đừng để cuộc sống ép khuôn lối nghĩ, cách nhìn, kiểu sống của chúng ta quá mức! Hãy dám sáng tạo, miễn đừng “lố lăng”. Hãy dám phá cách, miễn đừng quá “phá phách”! Cùng một bài hát nhưng đôi khi được phối khí hay hòa âm bởi những nét sáng tạo khác nhau khi trình tấu sẽ đem lại nét mới mẻ cho ca đoàn, cho cộng đoàn, và người ta thấy được sức sống của chính bản nhạc ấy được làm mới. Sự sáng tạo đó chỉ có được đối với một người đệm đàn luôn tìm tòi cái mới, học hỏi cái hay, khao khát hiếu tri, hay nói cách khác, là cầu tiến. Chấp nhận dừng lại mà không trau dồi kiến thức chuyên môn hay thẩm mĩ âm nhạc, cũng như những tri thức cần thiết về phụng vụ, về đức tin, là dậm chân tại chỗ và thiếu ý chí cầu tiến. Không có cầu tiến và sáng tạo, làm sao có những nhà soạn nhạc vĩ đại được. Họ đã dùng những tài năng và kiến thức họ có để tôn vinh Thiên Chúa. Điều này không có nghĩa là phải làm mới thánh nhạc phụng vụ bằng mọi giá, xập xình như phòng trà hay làm người ta chia trí bằng đủ thứ loại “phá cách”. Nhưng tôi chỉ xin bạn đừng dừng lại mà càng ngày càng tiến bộ hơn nhờ học hỏi, cầu tiến và sáng tạo.

4. Một trái tim khao khát cầu nguyện:

Bạn cũng là một thừa tác viên của phụng vụ. Thật vậy, mỗi người cần chu toàn nhiệm vụ của mình trong phụng vụ. Vai trò của người đệm đàn tuy không tất yếu như vị chủ tế, nhưng có vai trò nhất định trong cử hành phụng vụ. Thế nên, cho dù có được trả lương như bên phương Tây đi nữa, thì người đệm đàn phụng vụ vẫn cần nhớ rằng mình đang phục vụ (serve) chứ không phải đang làm một dịch vụ (service). Mà điều bạn đang làm là phương thế (không phải là mục đích) để giúp cộng đoàn cầu nguyện. Như vậy, bạn góp phần của mình để giúp người khác gặp Chúa. Nhưng nếu chính bạn không cầu nguyện được, sao bạn có thể giúp người khác cầu nguyện được? Đây là một vấn đề mà rất nhiều người đệm đàn phụng vụ băn khoăn, bởi lẽ trong quá trình chuẩn bị cho thánh lễ, bạn chia trí và phân tâm rất nhiều, vậy làm sao chúng ta có thể vừa chu toàn nhiệm vụ của mình vừa chu toàn việc cầu nguyện được? Có lẽ, câu trả lời là đừng quá băn khoăn về việc bạn chia trí phân tâm trong thánh lễ vì phải lo chu toàn bổn phận, bởi lẽ khi bạn giúp cho người khác cầu nguyện, thì bạn đã làm với ý hướng muốn cầu nguyện rồi. Tuy nhiên, chỉ điều đó thì không đủ. Chính bạn cần được nội tâm hóa những gì mà trong Thánh Lễ bạn chưa lĩnh hội được bằng những phút thinh lặng, dẫu ngắn ngủi vài phút sau Thánh Lễ, để thực sự cầu nguyện và dâng cho Chúa món quà là việc phục vụ của bạn cho cộng đoàn. Tâm tình đó, nếu có thể được, cũng được kéo dài bằng một trái tim khao khát cầu nguyện nhiều lần trong ngày sống chứ không chỉ dừng lại ở Thánh Lễ hay sau Thánh Lễ. Nếu chỉ đi đàn cho Thánh Lễ mà thiếu đi cầu nguyện và hồi tâm, coi chừng chính đời sống thiêng liêng của người đệm đàn ấy dần dần đâm ra nguội lạnh và khô khan đến phá sản. Thiếu cầu nguyện, tiếng đàn lời hát của chúng ta chỉ là biểu diễn kĩ thuật âm nhạc, là một show diễn theo dịch vụ, hay khá hơn là một việc thiện nguyện chứ không phải là một hy lễ, một món quà, một tương quan đối với Chúa. Tiếng đàn của một con người cầu nguyện nghe rất khác, vì nó diễn tả tiếng rung cảm của lòng sốt sắng nơi một trái tim khao khát cầu nguyện. Xin bạn đừng chỉ đơn thuần là một người đệm đàn phụng vụ, nhưng hãy là một người cầu nguyện bằng tiếng đàn của mình trong phụng vụ.

Đệm đàn phụng vụ, một công việc nổi bật nhưng cũng thật âm thầm, nhiều vinh dự nhưng cũng lắm gian nan, một cơ hội nhưng cũng không thiếu thách đố khi nỗ lực để phục vụ cộng đoàn. Xin bạn cứ mãi là một người đệm đàn phụng vụ đầy lòng khiêm nhường, chuyên cần hy sinh, biết sáng tạo và cầu tiến và mang trong tim mình một tinh thần cầu nguyện luôn luôn, để có thể qua vẻ đẹp của âm nhạc trong phụng vụ mọi người có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Bởi vì, “ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7). Để kết thúc, xin được mạn phép dùng lời của Sách Huấn Ca mà gửi tặng bạn: “Với tấm lòng quảng đại, hãy dâng hiến Ðấng Tối Cao tuỳ theo những gì Người ban tặng và tuỳ theo khả năng con có. Vì Ðức Chúa là Ðấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần.” (Hc 35,9-10)

Đầu tháng 11/2019

Con chiên nhỏ

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *