TTO – Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng vừa đưa ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh New York, New Orleans và các thành phố lớn khác kêu gọi thêm các thiết bị y tế.
Ca tử vong tiếp tục tăng ở nhiều nước
Tới rạng sáng 30-3, số ca tử vong do COVID-19 tại Anh tăng thêm 209 trường hợp, đưa tổng số ca tử vong tại nước này từ đầu dịch đến nay lên 1.228 ca. Số ca nhiễm mới cũng tăng 2.433 ca, đưa tổng số ca nhiễm cả nước lên 19.552 ca.
Chính quyền Panama xác nhận thêm 7 trường hợp tử vong do COVID-19 trong ngày 29-3, nâng tổng số số ca tử vong vì dịch bệnh này lên 24. Trong ngày 29-3, quốc gia Nam Mỹ này có 88 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm cả nước lên 989.
Trung Quốc báo cáo thêm 4 ca tử vong và 31 trường hợp dương tính với virus corona trong ngày 29-3, trong đó chỉ có 1 trường hợp lây nhiễm trong nước.
Đến nay tổng số ca tử vong do bệnh COVID-19 ở đại lục là 3.304, tổng số ca nhiễm là 81.470.
Đài Loan có người thứ 3 tử vong do COVID-19. Bệnh nhân là nam, 40 tuổi, nhiễm virus từ nước ngoài sau khi đi du lịch ở Áo và Cộng hòaCzech. Tổng số ca nhiễm ở Đài Loan là 298.
Dự báo hàng triệu người Mỹ có thể nhiễm COVID-19
Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng của Mỹ, vừa đưa ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh New York, New Orleans và các thành phố lớn khác kêu gọi thêm các thiết bị y tế.
Ông Fauci nói trên kênh CNN rằng dịch COVID-19 có thể khiến từ 100.000 tới 200.000 người tử vong ở Mỹ và hàng triệu ca nhiễm.
Về con số mà ông Fauci nêu, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nếu đoàn kết, và làm tốt, Mỹ có thể giữ số tử vong trong khoảng này thay vì con số 2,2 triệu ca có thể tử vong.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nếu giữ được số ca tử vong do COVID-19 trong phạm vi 100-200.000 người là làm tốt – Ảnh: REUTERS
Trong cuộc họp báo về bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày 29-3 (giờ Mỹ), ông Trump cho biết sẽ gia hạn hướng dẫn nhằm lại chậm lại sự lây lan của virus đến 30-4, thay vì mục tiêu ban đầu là sau lễ phục sinh, tầm 12-4. Ông cũng cho biết đỉnh dịch ở Mỹ có thể trong vòng 2 tuần nữa.
Trong ngày 29-3, Mỹ đã tiến hành 894.000 xét nghiệm virus corona.
Theo số liệu trường đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận 518 ca tử vong mới trong 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong ở Mỹ là 2.409 trường hợp.
Tình nguyện viên thu nhận các thiết bị bảo hộ (chủ yếu là găng tay, khẩu trang) quyên góp cho nhân viên y tế ở Chicago – Ảnh: REUTERS
Số ca nhiễm mới trong một ngày ở Mỹ là 21.333. Tổng số ca nhiễm của Mỹ hiện nay là 136.880 và là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới, sau đó là Ý, Trung Quốc và Tây Ban Nha.
Đức
Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lothar Wieler ngày 29-3 cho rằng rất có khả năng các bệnh viện ở Đức sẽ quá tải trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Chuyên gia này không loại trừ khả năng dịch bệnh COVID-19 sẽ đẩy hệ thống y tế Đức tới giới hạn và rất nhiều bệnh nhân nặng sẽ cần tới máy thở trong các bệnh viện, hoàn cảnh giống như đã diễn ra ở Ý.
Theo ông Koch, tỷ lệ tử vong thấp ở Đức là do đa số những người nhiễm không thuộc nhóm người có nguy cơ gặp nguy hiểm, song nếu tình trạng lây nhiễm xảy ra với các nhà dưỡng lão hay bệnh viện, số ca tử vong sẽ tăng mạnh.
Tổng số ca nhiễm virus corona ở Đức là 62.095, số ca tử vong là 533 trường hợp.
Nga
Thủ đô Matxcơva đã thông báo thành phố sẽ phong toả bắt đầu từ ngày 30-3, buộc 12 triệu cư dân phải ở nhà để làm chậm lại tốc độ lây lan của virus. Các trường hợp ngoại lệ gồm đi khám bệnh, đi làm đối với những ngành nghề thiết yếu, đi chợ hoặc dắt thú cưng đi dạo nhưng không được quá 100m tính từ nhà mình.
Lệnh hạn chế cũng giới hạn số lượng xe cá nhân vào thành phố dù người dân vẫn có thể ra, vào thủ đô.
Hai người phụ nữ đeo khẩu trang ở quảng trường đỏ, thủ đô Matxcơva, Nga – Ảnh: REUTERS
Biện pháp hạn chế này là biện pháp nghiêm khắc nhất từng áp dụng ở Matxcơva trong lịch sử. Theo báo Anh The Guardian, Nga cũng cân nhắc áp dụng các biện pháp mạnh như ở Ý và Vũ Hán.
Lệnh cấm tương tự có thể áp dụng với vùng Matxcơva mở rộng với dân số khoảng 7 triệu người. Nga đã xác nhận có 1.534 ca dương tính với virus corona và 8 trường hợp tử vong.
Nigeria
Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã ra lệnh phong toả ở vùng Lagos và thủ phủ của nó là Abuja. Theo hãng thống tấn Pháp AFP, Nigeria hiện có 97 ca dương tính với virus corona và một trường hợp tử vong.
Ý
Ngày 29-3, Ý có thêm 756 ca tử vong mới do virus corona. Tổng số ca tử vong ở nước này là 10.779 trường hợp.
Tổng số ca nhiễm mới Italy trong 24 giờ qua tăng thêm 5.217 ca, lên 97.689 ca, đứng sau Mỹ – nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã thông qua gói biện pháp mới có trị giá 4,7 tỉ euro (5,24 tỷ USD) nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ông Conte nêu rõ chính phủ sẽ dành 4,3 tỉ euro cho chính quyền các thành phố đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và dành một quỹ đặc biệt 400 triệu euro cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn.
Nhằm ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Bộ trưởng Giáo dục Italy Lucia Azzolina cho biết quyết định đóng cửa các trường học, bắt đầu từ ngày 5-3 vừa qua, sẽ được gia hạn đến hết ngày 3-4 tới.
Tổng số ca bệnh hồi phục là 13.030, theo trang https://www.worldometers.info/.
Tây Ban Nha
Tây Ban Nha đã công bố thêm 821 ca tử vong mới do dịch bệnh COVID-19 trong 24h qua. Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 29-3 cho biết tổng số ca tử vong tại nước này do dịch COVID-19 hiện đã lên tới 6.803 trường hợp, trong khi đó tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng đã tăng lên 80.110.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, theo đó những lao động làm việc trong ngành dịch vụ không thiết yếu sẽ phải ở nhà trong 2 tuần. Ông Sanchez cho biết các lao động thuộc diện này sẽ vẫn được hưởng lương như bình thường nhưng muộn hơn. Biện pháp trên dự kiến có hiệu lực từ ngày 30-3 – 9-4 tới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Sanchez hối thúc EU hành động và kêu gọi khối này đưa ra “chiến lược thống nhất về xã hội và kinh tế”. Ông Sanchez cũng kêu gọi EU phát hành các trái phiếu phục hồi, cho rằng các nền kinh tế thành viên phải cùng chia sẻ gánh nặng nợ công nhằm đối phó với dịch COVID-19.
HỒNG VÂN (tuoitreonline)